Sự xuống cấp của văn hóa giao thông

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ và nạn nhân là các chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước. Không chỉ lăng mạ, chống đối đơn thuần, những đối tượng phạm tội còn sẵn sàng dùng hung khí, phương tiện gây thương tích nặng cho CSGT.

Trong nhiều năm liên tiếp, ngoài việc tăng cường xử lý, cảnh báo những vi phạm, chủ đề mà UBATGT Quốc gia lựa chọn thường tập trung vào việc xây dựng văn hóa của người tham gia giao thông. Có thể khẳng định, ý thức quyết định hành động. Khi vi phạm tăng, chống đối ngày càng nghiêm trọng thì rõ ràng văn hóa giao thông của một bộ phận người dân đang ở mức đáng báo động.

Thách thức pháp luật

Tối 26-7, tại khu vực khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội có một bệnh nhân đặc biệt. Trên cáng cứu thương, Đại úy Mai Hùng Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, CATP Hà Nội nằm bất tỉnh. Vùng đầu của người chiến sỹ CSGT bị một vật cứng đánh vào khiến chấn thương rất nặng.

Chỉ trong ít phút được đưa vào bệnh viện cấp cứu, thông tin một CSGT trong khi dừng xe kiểm tra vi phạm đã bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng (SN 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) dùng gạch hành hung dẫn tới chấn thương nặng, chẳng mấy chốc lan ra khắp các phòng, khoa.

Từ bác sỹ, y tá cho đến những người bệnh, người nhà bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện đều trào dâng nỗi xót xa, thương cảm với chiến sỹ CSGT và phẫn nộ đối với hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của đối tượng gây án.

su xuong cap cua van hoa giao thong

Đối tượng Hùng cùng viên gạch dùng để đánh trọng thương CSGT

Ngay sau khi nhận được báo cáo, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã khẩn trương có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ những đau đớn với Đại úy Mai Hùng Sơn.

Cầm chặt tay người cán bộ đang nằm trên giường bệnh, Đại tá Nguyễn Văn Viện không khỏi xót xa... Ân cần động viên Đại úy Mai Hùng Sơn cố gắng điều trị, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, đồng chí Phó Giám đốc CATP chỉ đạo CAQ Hà Đông cũng như các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội phải lập hồ sơ, xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm. Đây không chỉ là hành vi chống người thi hành công vụ đơn thuần, mà còn thể hiện bản chất côn đồ, lưu manh, coi thường pháp luật của đối tượng.

Ít ngày trước đó, một chiến sỹ CSGT của CATP Hải Phòng cũng bị đối tượng vi phạm dùng xe máy hất văng, chấn thương nặng. Đối tượng là Đỗ Văn Thắng (16 tuổi) và tuy chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, đã điều khiển xe chạy với tốc độ cao, đâm trực diện vào Thượng úy Nguyễn Trọng Quý, cán bộ Đội CSGT - TT, CAH An Lão, Hải Phòng. Phân tích hành vi của các đối tượng, các luật sư cho rằng, hành vi cố tình điều khiển xe đâm trúng CSGT đang làm nhiệm vụ của đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội "Giết người" (trường hợp giết người chưa đạt).

Ô tô, xe máy được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Khi điều khiển phương tiện, người điều khiển rõ ràng phải nhận thức được hành vi, trách nhiệm, vai trò của mình đối với sự an toàn của bản thân và người tham gia giao thông xung quanh.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng phải thực hiện nghiêm những quy định về TTATGT, chấp hành nghiêm sự hướng dẫn, chỉ huy của CSGT. Bỏ qua tất cả những quy định này và chống đối CSGT, rõ ràng những đối tượng trên đã cố tình, thậm chí muốn thực hiện đến cùng hành vi được xem là giết người.

Xử lý nghiêm khắc để làm gương

Trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh những nỗ lực cố gắng của lực lượng CSGT và các cơ quan chức năng khác, tình hình TTATGT luôn có những diễn biến phức tạp. Tại các thành phố lớn trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội, lực lượng CSGT được xem là dùng sức người để giảm tải vi phạm. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã phải đối mặt không chỉ với người vi phạm, mà còn nhiều những loại đối tượng phạm pháp khác nhau.

Theo Phòng CSGT - CATP Hà Nội, trong năm 2017, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã phát hiện và bắt giữ 385 vụ với 434 đối tượng phạm pháp hình sự. So với năm 2016 tăng 68 vụ với 21,4%. Cũng trong năm này, trên địa bàn thành phố xảy ra 13 vụ chống người thi hành công vụ. Sang các năm 2018, số vụ việc chống người thi hành công vụ là 20 vụ.

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm, điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá: "Quá trình xử lý vi phạm giao thông, CSGT gặp nhiều trường hợp chống đối với các biểu hiện, hành vi khác nhau. Đối với những người vi phạm là công nhân viên chức, thậm chí có chức vụ, quyền hạn khi bị CSGT kiểm tra thì viện đủ lý do không ký vào biên bản xử lý. Có đối tượng còn gọi điện thoại cho những người này, người kia để tạo sức ép, gây áp lực với CSGT. Riêng những đối tượng có tiền án, tiền sự, bản tính côn đồ, manh động, chúng sử dụng vũ khí hay bất cứ thứ gì có thể gây thương tích, chống đối quyết liệt CSGT".

su xuong cap cua van hoa giao thong

CSGT ở TP Hải Phòng bị đối tượng lao cả xe vào người, hất văng xuống đường chấn thương nặng

Cũng theo đại diện Phòng CSGT - CATP Hà Nội, trong thời gian qua, Phòng CSGT đã liên tục tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng xử, kiến thức pháp luật... cho lực lượng CSGT. Qua phân tích các vụ chống người thi hành công vụ, gần như 100% nguyên nhân vụ việc đều xuất phát từ các đối tượng vi phạm.

Rõ ràng, thái độ cậy các mối quan hệ của công nhân viên chức, hay người có chức vụ quyền hạn, cho đến bản tính côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật của các đối tượng phạm pháp là nguyên nhân dẫn tới những vụ chống người thi hành công vụ, với hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội bày tỏ bức xúc: "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải hội tụ đủ những yếu tố như pháp luật đã quy định. Ngoài kỹ năng nhận biết về biển báo, quy định an toàn thì người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện phải có văn hóa giao thông, đó là biết nhường nhịn, chia sẻ với nhau, cao hơn là chấp hành những quy định, nội quy, hướng dẫn của CSGT trên đường".

Đơn giản nhất là khi vi phạm, người tham gia giao thông phải nhận thức được hành vi sai của mình và tự khắc phục chứ không phải nhờ người này hay người kia “cầu cứu” hoặc nghiêm trọng hơn là hành hung, chống đối CSGT, những người thực thi nhiệm vụ. Tất cả những trường hợp này phải bị xử lý nghiêm, để không ai dám vi phạm pháp luật, Luật Giao thông, cũng như có hành vi đi ngược lại chuẩn giá trị đạo đức.

su xuong cap cua van hoa giao thong Lái xe chở gỗ lậu liều mạng tông Đại úy CSGT nhập viện: Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn bị đang củng cố hồ sơ xử lý hành vi chống người thi hành ...

su xuong cap cua van hoa giao thong Nhặt gạch đập cảnh sát giao thông đang lập biên bản

Đang giải quyết vi phạm không đội mũ bảo hiểm, Hùng vơ cục gạch ở ven đường đập nhiều nhát vào vị đại uý cảnh ...

su xuong cap cua van hoa giao thong Thấy CSGT không đeo camera, người vi phạm quyết không ký biên bản

Cao điểm xử phạt: CSGT Sài Gòn tổng kiểm tra xe, anh thợ hồ cho rằng, biết là chạy sai nhưng có rất nhiều người ...

/ anninhthudo.vn