Sự thật về chiếc thẻ giúp giảm 30% tiền điện mỗi tháng

Được quảng cáo giúp giảm điện năng tiêu thụ tới 30% mỗi tháng, những chiếc thẻ tiết kiệm điện chỉ có giá hơn 1 triệu đồng. Thế nhưng, công dụng của chúng liệu có được như những gì mà người ta đã quảng cáo?

 

Giảm 30% số điện chỉ với 1,5 triệu đồng?

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện không ít các thiết bị được quảng cáo là giúp giảm từ 30-40% điện năng tiêu thụ. Thậm chí, còn xuất hiện những thứ được gọi là thẻ tiết kiệm điện với giá lên tới cả triệu đồng. 

Theo người bán, những chiếc thẻ này được cấu tạo từ những vật liệu cao cấp và hiếm, áp dụng công nghệ Nano lượng tử tiên tiến nhất hiện nay.

Những chiếc thẻ tiết kiệm điện được quảng cáo có tác dụng "thần kỳ".

Khi lắp đặt thẻ vào hệ thống điện, sóng điện sẽ tác động vào thẻ làm kích hoạt các ion Nano. Các điện tích âm kết hợp với các thành phần cấu tạo khác của thẻ sẽ khử sóng hài và sóng bẩn, chỉ cho phép dòng hoạt động chính đi vào thiết bị.

Nhờ vậy, những chiếc thẻ tiết kiệm điện được quảng cáo có thể giúp người dùng tiết kiệm từ 10-30% chi phí tiền điện mỗi tháng. Người bán thậm chí còn "bùa vẽ" cho những chiếc thẻ này các tính năng thần kỳ như giảm sự phát xạ có hại của dòng điện và từ trường đối với sức khỏe con người.

Cứ lắp đặt thẻ vào hệ thống điện là sẽ giảm được 30% tiền điện mỗi tháng?

Với những lợi ích kể trên, mức giá bán chỉ khoảng 1,5 triệu đồng cho những chiếc thẻ tiết kiệm điện này dường như vẫn còn quá rẻ. Tuy vậy, công dụng của chúng liệu có được như những gì mà người ta đã quảng cáo?

Sự thật về những chiếc thẻ tiết kiệm điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), qua quá trình kiểm chứng thực tế, những thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. 

Các thiết bị tiết kiệm điện được bày bán trên mạng cũng không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc bất kỳ đơn vị chuyên ngành nào chứng nhận về hiệu quả.

Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ.

Công dụng của những chiếc thẻ tiết kiệm điện hoàn toàn không như những gì mà người bán đã quảng cáo.

Với kết luận này, có thể khẳng định những thiết bị như thẻ tiết kiệm điện là một chiêu trò lừa đảo khách hàng. Thủ đoạn của kẻ xấu là lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người dùng để lừa đảo.

Trong trường hợp thiết bị này có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công tơ điện, làm cho công tơ chạy chậm lại thì người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện.

Theo khuyến cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), người sử dụng điện tuyệt đối không nên mua và sử dụng các thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện nhưng lại không được bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào chứng nhận. 

Để tiết kiệm điện, người dùng nên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định. Bên cạnh đó, người dùng không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…). Khi bật điều hoà làm mát, chỉ nên đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp. 

 

Trọng Đạt

Một hộ có hoá đơn tiền điện 6 tháng liền giống hệt nhau
Để hơn 115.000 tỉ đồng “nhàn rỗi”, EVN có đang lãng phí nguồn lực tài chính?
Nóng chuyện hóa đơn tiền điện: Chỉ 1 mã số, chấm dứt sai sót nghi ngờ
Chưa thấy ai "được" EVN ghi nhầm giảm tiền điện
/ vietnamnet.vn