Ở ngôi vị đế vương mà làm việc của nông phu, dù chỉ là hành động mang tính biểu tượng nhưng hành động đó của vua Lý Thái Tông lại được sử sách ca ngợi, đánh giá cao.
Một hành động mang tính biểu trưng lớn
Sách Đại Việt sử lược có đoạn viết ngắn gọn rằng: “Năm Mậu Dần, niên hiệu Thông Thụy thứ 5 [1038], vua ngự ra Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền”.
Tịch điền là lệ khuyến nông diễn ra, hàng năm vào đầu mùa cày, khi đó Hoàng đế tự mình đi cày và tuyên bố rằng: Hoàng đế mà còn đi cày thì trong thiên hạ không một ai được phép coi thường nghề cày cấy.
Lệ cày tịch điền ở nước ta bắt đầu từ đời vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, các đời vua của các triều đại sau này nhiều người đều thực hiện tục lệ này. Người đầu tiên nối tiếp việc cày tịch điền của vua Lê Đại Hành là Lý Thái Tông, sử chép: “Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, vua về Kinh sư”.
Trên đây là những ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư; còn nơi vua Lý Thái Tông ra làm lễ cày tịch điền là vùng Bố Hải Khẩu, xưa kia là cửa biển, còn có tên gọi là Kỳ Bố hoặc Giang Bố Khẩu hay Kỳ Bố Hải Khẩu, nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Trong sách Việt sử tiêu án có ghi chép tương tự về chuyện này như sau: “Vua ta cày tịch điền ở cửa Bố Hải, xây đền thờ vua Thần Nông. Người tả hữu Vua nói rằng: "Cầm cái cày đi cày ruộng là việc con nhà nông, vua không làm việc ấy". Vua nói: "Không làm thì không xướng xuất cho người ta được". Vua đẩy cái cày ba lần rồi thôi”.
Cũng trong sách này, tác giả Ngô Thì Sĩ cho biết thêm, trước đó Lý Thái Tông đã đi cày tịch điền và bình luận ca ngợi về việc làm ấy: “Vua đi đến Đỗ Động, cầy tịch điền. Có người nhà nông dâng vua một gốc lúa chiêm có một bẹ sinh ra 9 bông, Vua xuống chiếu cải tên ruộng đó là “ứng thiên”. Đời nhà Lý rất trọng việc làm ruộng, năm nào vua cũng có đi xe, cấy, xem gặt, đủ rõ chính thể của nhà Lý”.
Vua cày tịch điền. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết vào thời nhà Nguyễn cũng có đoạn chép: “Mậu Dần, năm thứ 5 (1038). (Tống, năm Bảo Nguyên thứ 1). Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua thân đi cày ruộng tịch điền.
Nhà vua đi ra cửa Bố Hải, sai quan tư đắp đàn tế Thần nông, chính mình tự tay cầm cày, làm lễ cung canh [mình cày ruộng]. Những người ở tả hữu ngăn rằng: "Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần chi phải làm?". Nhà vua nói: "Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng nhà tông miếu và lấy gì để nêu gương cho thiên hạ?". Bấy giờ nhà vua mới cày ba luống rồi thôi”.
Sách Đại Việt sử ký tiền biên dẫn lời bình của sử thần triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên nói: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình đi cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn khiến cho dân được giàu có đông đúc là đáng lắm thay!”.
Một số nét chính về ông vua đi cày
Lý Thái Tông là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trong 26 năm ở trên ngôi báu, ông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước và để lại nhiều dấu ấn thú vị, đáng nhớ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá Lý Thái Tông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.
Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, con trưởng của Lý Thái Tổ, thân mẫu là Lê Hoàng hậu (bà tên thật là Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê Đại Hành). Ông sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000) tại Hoa Lư, được đưa lên ngôi hoàng đế ngày 4 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) với tôn hiệu là: Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế. Tất cả có 50 chữ. Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ. Như vậy tôn hiệu của Lý Thái Tông có tổng cộng 66 chữ.
Tượng thờ Lý Thái Tông tại đền Đô. (Hình minh họa – Nguồn: dulichvn).
Về niên hiệu, trong thời gian ở ngôi, Lý Thái Tông đã đặt tất cả là 6 niên hiệu, gồm: Thiên Thành (1028-1034), Thông Thụy (1034-1039), Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042), Minh Đạo (1042-1044), Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049), Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054).
Theo chính sử ghi lại, có thể thấy Lý Thái Tông là vị vua rất quan tâm đến nông nghiệp, ông nhiều lần ra ruộng xem nhân dân gặt lúa. Điều đặc biệt là Lý Thái Tông là vua Lý đầu tiên và cũng là vua Lý thực hiện cày ruộng tịch điền nhiều lần nhất. Lần đầu tiên ông cày ruộng tịch điền ở Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1032); tháng 2 năm Mậu Dần (1038) vua lại đi cày ruộng tịch điền ở Bố Hải Khẩu (nay thuộc TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042) ông lại đi cày ruộng tịch điền tại Khả Lãm (nay thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).
10 trận thủy chiến vang danh sử Việt khiến ngoại bang kinh hoàng
Thủy chiến Đầm Dạ Trạch, Bạch Đằng Giang, Rạch Gầm - Xoài Mút là ba trong số 10 trận thủy chiến vang danh sử Việt. |
10 ông vua nước Việt để lại tiếng xấu muôn đời
Bên cạnh các vị vua tài giỏi, mang bình yên, thịnh vượng cho nhân dân, sử Việt cũng ghi nhận những ông hoàng tai tiếng, ... |