Tam Quốc diễn nghĩa và các tác phẩm truyền hình, điện ảnh, ca kịch ăn theo điển tích Tam Quốc đều mô tả mối tình tuyệt đẹp giữa cặp trai tài gái sắc Lưu Bị - Tôn phu nhân. Nhưng thực tế, chính sử không hề có chuyện như vậy.
Lưu Bị - Tôn phu nhân “của La Quán Trung”
Tôn phu nhân là con gái duy nhất và là con nhỏ nhất của Trường Sa thái thú Tôn Kiên, và là em gái của Tôn Sách và Tôn Quyền. Tôn phu nhân lần đầu tiên ra mắt trong Tam quốc diễn nghĩa, dưới cái tên Tôn Nhân, liên quan đến kế sách của Chu Du.
Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Tôn Quyền theo kế của Chu Du, không thực lòng muốn gả em gái, chỉ muốn mang Tôn Nhân ra làm mồi nhử Lưu Bị sang Giang Đông để giam lỏng nhằm đoạt mấy quận Kinh châu. Nhưng Gia Cát Lượng tương kế tựu kế, rong chống mở cờ, phô trương thanh thế, biến hôn nhân giả thành thực, giúp Lưu Bị cưới Tôn Nhân.
Đám cưới được mô tả diễn ra tại chùa Cam Lộ (Trấn Giang), có tham dự của Ngô quốc thái – mẹ kế Tôn Quyền. Tôn Nhân, vốn là kiệt nữ, ngổ ngáo bướng bỉnh, tinh thông võ nghệ nhưng qua lời bà mối lại là cô gái ngoan hiền. Trong đêm động phòng, Lưu Bị đã bị Tôn Nhân “ra mắt” bằng màn vung dao chém kiếm kinh hồn. Tôn Nhân thấy Lưu Bị hoảng bèn nói một câu: "Chém giết nửa đời người, sợ gì binh đao!".
Dù vậy, mối quan hệ vợ chồng Lưu Bị - Tôn phu nhân sau đêm động phòng vung dao giơ kiếm, lại vô cùng mặn nồng. Khoảng cách tuổi tác rất lớn giữa họ, không hề ảnh hưởng tới tình cảm phu thê của cặp trai tài gái sắc. Lưu lại ở rể Đông Ngô một thời gian, Lưu Bị theo kế sách Gia Cát Lượng gửi trước cho Triệu Vân, đã cùng Tôn phu nhân trở về Kinh Châu an toàn.
Chính sự kiện gắn với lời chọc tức của Gia cát Lượng dành cho Chu Du (Chu lang diệu kế yên thiên hạ/ Đã mất phu nhân lại thiệt quân) này đã khiến Đại đô đốc Đông Ngô phẫn uất, thổ máu, phát bệnh nặng. Tuy nhiên, thời gian sau mối quan hệ giữa Ngô và Thục bắt đầu căng thẳng. Tôn phu nhân quay về với anh trai của mình là Tôn Quyền sau khi nhận được thư (giả) nói về tình hình bệnh tình khó qua khỏi của Ngô quốc thái.
Khi hồi hương, Tôn phu nhân định mang theo con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện. Tuy nhiên, việc đó đã bị Trương Phi và Triệu Vân chặn lại. Sau khi hai bên thương thuyết, Tôn phu nhân đã để lại Lưu Thiện và trở về nước Ngô. Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau trận Di Lăng có kẻ phao tin Lưu Bị chết, bà đã trầm mình xuống sông tự vẫn.
Thực tế trong chính sử
Hậu Xích Bích, thế lực của Lưu Bị càng mạnh sau khi lần lượt chiếm được 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Vũ Lăng, Trường Sa. Tuy nhiên, 4 quận phía nam này là những quận nghèo nhất, và địa bàn nam Kinh châu chỉ có vai trò hậu cần, không đóng vai trò chiến lược trong việc thi hành Long Trung sách - tiến sang Ích châu và Trung nguyên.
Cùng lúc ấy, Chu Du khổ chiến với Tào Nhân suốt 1 năm, tới tháng 12 năm 209, Tào Nhân theo lệnh của Tào Tháo bỏ thành Giang Lăng rút về Tương Dương củng cố lại phòng tuyến. Chu Du tiến vào chiếm giữ Giang Lăng, được Tôn Quyền phong làm Thái thú Nam quận.
Thực tế này Lưu Bị và Gia Cát Lượng rơi vào thế khó trong việc thi triển Long Trung Sách, và buộc phải tính tới việc tiếp cận địa bàn các quận phía bắc Kinh châu, trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Bước ngoặt quan trọng, dù vậy, xảy ra ngay sao đó.
Trong năm 209, Lưu Kỳ yểu mệnh qua đời. Lưu Bị tự lập làm Kinh châu mục. Cam phu nhân vợ ông cũng qua đời. Tôn Quyền muốn củng cố liên minh Ngô-Thục với Lưu Bị, liền tính tới phương án gả em gái mình, là Tôn Nhân, cho Bị. Một cuộc hôn nhân chính trị theo đúng nghĩa của nó, được sử gia đời sau đặt tên là sự kiện “Giang Tả cầu hôn”.
Vào quãng thời gian này, Tôn Nhân chỉ vừa tầm 20 tuổi, còn Lưu Bị đã hơn 40 tuổi. Khoảng giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 năm 210, Lưu Bị chính cưới Tôn phu nhân tại núi Tú Lâm. Đám cưới này, không hề có sự tham dự của Ngô Quốc Thái, người đã qua đời 6 năm trước trận Xích Bích và nó cũng diễn ra nhanh gọn, chứ không hề “hấp dẫn” với bao mưu sâu kế hiểm như cách La Quán Trung mô tả trong Tam Quốc diễn nghĩa.
Bản thân Lưu Bị cũng không hề bị giảm lỏng ở Ngô mà “rước nàng về dinh” ngay sau khi hôn lễ tổ chức ở Tú Tâm. Theo ghi chép của chính sử phải 1 năm sau khi thành thân với Tôn phu nhân, Lưu Bị mới thân chính tới Ngô gặp Tôn Quyền.
Lưu Bị sợ Tôn Nhân hơn là yêu
Tôn phu nhân là con nhà võ, dũng mãnh, cương liệt, chẳng kém những người anh. Vì vậy cuộc sống vợ chồng mới của Lưu Bị không hề mặn mà. Do cả hai người vợ trước của Lưu Bị đều đã mất, Tôn phu nhân dần dần kiểm soát nhà và con trai Lưu Thiện của Lưu Bị.
Tôn phu nhân lại thường mang theo một đội nữ binh hầu hạ, tự ý dắt lính tráng theo hầu diễu võ dương oai, nhiều lần phạm vào pháp luật. Lưu Bị thấy vậy, bèn giao cho Triệu Vân giữ chức Tư mã ở Kinh châu, quản lý việc trong cung.
Tam quốc chí của Trần Thọ chép rằng: "Nguyên trước Tôn Quyền gả em gái cho Tiên chủ, em gái vốn là người tài giỏi, nhanh nhẹn cương mãnh, có phong thái của các anh, thị tì hơn trăm người đều quen cầm đao đứng hầu, Tiên chủ mỗi lần vào đều thấy lạnh cả người."
Trong Gia Cát liệt truyện từng ghi lại lời đánh giá của Khổng Minh về Tôn phu nhân như sau: "Chúa công khi ở Công An, phía bắc úy kị Tào công cường mạnh, phía đông lo lắng Tôn Quyền bức bách, ở gần lại sợ Tôn phu nhân sinh biến ngay sát nách. Tình thế lúc ấy, thật là tiến thoái lưỡng nan..."
Năm Kiến An thứ 17 (212), Lưu Bị nhập vào đất Thục, Tôn Quyền sai người kêu Tôn phu nhân về Đông Ngô, và bà dẫn theo con của Lưu Bị là Lưu thiện đi cùng, mục đích chính là giữ làm con tin. Biết chuyện, Gia Cát Lượng lệnh Triệu Vân đến đoạt lại Lưu Thiện. Sau đó, sử sách không có ghi chép gì về Tôn phu nhân nữa. Và dĩ nhiên, mối quan hệ lạnh nhạt với Lưu Bị trong 2 năm làm dâu nhà Thục, chẳng thể khiến Tôn Nhân phải đau lòng đến mức tự sát sau cái chết của Bị.
Giang tả cầu hôn – nền tảng để Lưu Bị “mượn Kinh Châu”
Sau khi lấy Tôn Nhân, Bị dâng biểu về Hứa Xương tiến cử Tôn Quyền làm “Hành xa kỵ tướng quân, Từ châu mục”. Theo kế của Gia Cát Lượng, Lưu Bị đích thân sang Ngô quận gặp Tôn Quyền để đàm phán nhằm cai quản vùng Giang Lăng làm bàn đạp phát triển thế lực. Hai bên gặp nhau tại Kinh Khẩu thuộc Ngô quận, ông đề nghị họ Tôn cho mượn Nam quận, với danh nghĩa “mượn Kinh châu” để cùng chống Tào Tháo.
Chu Du ở Giang Lăng (thuộc Nam Quận) nghe tin, bèn viết thư cho Tôn Quyền phản đối việc này, đề nghị giữ Lưu Bị lại, dùng mỹ nhân lung lạc, và ly cách với các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, điều hai tướng này đi chinh chiến để lợi dụng tài năng của họ. Nhưng Lưu Bị không bị lung lạc.
Thấy Tôn Quyền khất việc cho “mượn Kinh châu”, ông bèn từ giã trở về Công An, lệnh cho Quan Vũ đóng quân đến gần Giang Lăng gây áp lực, buộc Chu Du phải ngày đêm lo phòng thủ dù đang dưỡng bệnh.
Ít lâu sau, Chu Du qua đời, tiến cử Lỗ Túc lên thay. Vì Lỗ Túc ra sức thuyết phục Tôn Quyền hãy coi trọng liên minh Tôn-Lưu để chống Tào, Tôn Quyền bằng lòng với đề nghị “mượn Kinh châu”, tức là giao huyện Giang Lăng cho Lưu Bị. Lỗ Túc rút quân khỏi Giang Lăng, bàn giao cho Lưu Bị, đổi lại, Lưu Bị giao phần còn lại của Giang Hạ (mà ông mới tiếp quản từ Lưu Kỳ) cho Tôn Quyền.
Địa bàn của Lưu Bị được mở lên phía bắc. Ông cắt mấy huyện phía tây Nam quận lập ra quận Nghi Đô, cho Trương Phi làm Thái thú. Ông phong Quan Vũ làm thái thú Tương Dương, đóng đồn ở Giang Bắc, lại chuyển Trương Phi làm thái thú Nam quận. Đây chính là bàn đạp cho việc Lưu Bị mang quân đi chiếm Ích Châu sau này.
La Quán Trung đã "dìm hàng" Lưu Bị như thế nào trong Tam quốc?
Trong Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Lưu Bị là người nhân nghĩa nhưng nhu nhược, chẳng có tài cái ... |
Vì sao Tuân Úc lại bỏ Lưu Bị theo Tào Tháo?
Lưu Bị và Tuân Úc đều chung một mục tiêu, đó là phục hưng nhà Hán, tuy nhiên Tuân Úc lại chọn đi theo Tào ... |