Việc phát sinh những ổ dịch Covid-19 mới hết sức nguy hiểm như ổ dịch tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp hạn chế, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm này...
Trung Quốc đóng cửa chợ đầu mối Tân Phát Địa - nơi là ổ dịch mới nguy hiểm ở Thủ đô Bắc Kinh với 21 triệu dân
Mối lo lắng về “cơn sóng thần” Covid-19 thứ hai
Trung Quốc và Nhật Bản đang hết sức lo ngại về đợt bùng phát thứ hai của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) sau khi ghi nhận thêm hàng chục ca mắc mới trong một vài ngày gần đây. Những trường hợp mắc Covid-19 mới này diễn ra trong bối cảnh những quốc gia này được cho là đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để phục hồi các hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như các hoạt động thường nhật khác của người dân.
Đáng lo lắng nhất là những ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc diễn ra vào ngày 11-6 vừa qua, chỉ đúng 2 ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố Bắc Kinh không còn ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, bệnh nhân cuối cùng bình phục và xuất viện vào ngày 8-6. Trước ca mắc mới vào ngày 11-6, Bắc Kinh đã trải qua 56 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.
Ca nhiễm Covid-19 ngày 11-6 được xác định có liên quan tới chợ Tân Phát Địa (Xinfadi), một trong những chợ đầu mối lớn nhất cung cấp thực phẩm cho các chợ, siêu thị, nhà hàng ở khắp Bắc Kinh, thành phố với 21 triệu dân. Giới chức Trung Quốc cho rằng, ổ dịch Tân Phát Địa có “nguy cơ lây lan rất cao” do lượng người ra vào chợ đông, tần suất lớn.
Từ ca bệnh mới đầu tiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng lần này tại Bắc Kinh đã lan ra 8/16 quận và thành phố này cũng ghi nhận 106 trường hợp mắc từ ngày 11 đến 15-6, chủ yếu có liên quan đến khu chợ đầu mối Tân Phát Địa. Nguy cơ về một làn sóng dịch Covid-19 mới đã làm dấy lên nỗi lo sợ rằng, Bắc Kinh có thể trở thành ổ dịch tương tự như thành phố Vũ Hán trước đây. Đáng chú ý, khu chợ bán buôn Tân Phát Địa có diện tích lớn gấp hơn 20 lần chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, nơi đại dịch Covid-19 khởi phát vào cuối năm ngoái tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.
Nhằm ngăn chặn không để đợt bùng phạt dịch hiện nay dẫn tới “làn sóng dịch Covid-19” thứ hai không chỉ tại Thủ đô Bắc Kinh mà với cả quốc gia đông dân nhất thế giới này, chính quyền một số quận ở thành phố Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp phong tỏa như lập lại các chốt kiểm soát an ninh, ra lệnh người dân xét nghiệm và đóng cửa trường học… Giới chức y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 9.000 người làm việc, có mối liên hệ tới chợ Tân Phát Địa, đồng thời truy dấu vết và lấy mẫu gần 30.000 người từng đến chợ trong 14 ngày trước khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 11-6 vừa qua. Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu tất cả người dân từng đến chợ và những người tiếp xúc gần với họ không ra khỏi nhà trong vòng hai tuần để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát y tế.
Tuyệt đối không mất cảnh giác, chủ quan lơ là trước đại dịch
Những ca mắc mới sau thời gian gần 2 tháng không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 mới tại một trong những thành phố được xem là “an toàn nhất Trung Quốc” đã khiến dấy lên sự lo ngại sâu sắc về việc bùng phát “làn sóng dịch Covid-19” thứ hai khi tái khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt bình thường của người dân. Đó cũng là mối lo ngại chung trên toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để khôi phục những hoạt động kinh tế-xã hội vốn bị đình trệ, thậm chí gần như “đóng băng” thời gian dài vừa qua trong giai đoạn được cho là “làn sóng dịch Covid-19” lần thứ nhất.
Tương tự như Trung Quốc, diễn biến dịch Covid-19 ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản những ngày qua cũng làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai sau khi có thêm 48 ca mắc mới được ghi nhận ngày 15-6, tăng 1 ca so với 47 ca mới một ngày trước đó. Nhiều ca nhiễm mới trong số này có liên quan đến một số cơ sở vui chơi, giải trí ban đêm tại khu Shinjuku. Điều này khiến giới chức Nhật Bản lo lắng bởi chính quyền Tokyo vào ngày 12-6 đã nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh tại thành phố này sau khi dỡ bỏ cảnh báo về khả năng gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ một ngày trước đó, tức ngày 11-6.
Trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, việc phát sinh các ổ dịch mới kèm theo sự gia tăng trở lại các ca nhiễm làm dấy lên nỗi lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây cũng là mối nguy hiểm thách thức giới chức các nước khi mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian phong tỏa.
Nhờ khống chế dịch thành công, nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ việc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại và đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài khi nhiều công ty của châu Âu và Bắc Mỹ đang có xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Chúng ta hiện nay đang thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới có nhiều điểm sáng. Chúng ta đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế cả trong phòng chống dịch Covid-19 và sự an toàn của nền kinh tế...
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao phải tiếp tục cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những diễn biến đáng lo ngại ở các nước trong khu vực.
Điều đó đòi hỏi chúng ra phải tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trung Quốc: Thành phố Bắc Kinh siết chặt các biện pháp chống dịch
Các trường học trên toàn thành phố Bắc Kinh sẽ bị đóng cửa, và các lớp học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy trực ... |
Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp hạn chế sau khi phát hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 mới
Người dân Bắc Kinh được khuyến nghị tránh xa nơi tập trung đông người và tránh tụ tập ăn uống đông người. |