Từ ngày 1/11, học sinh các cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có thể sử dụng điện thoại di động trong giờ học, nếu được giáo viên cho phép. Quy định mới này của Bộ Giáo dục và đào tạo đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Điều 37 của Thông tư 32 nói về các hành vi học sinh không được làm. Theo đó, mục 4 của điều này ghi rõ hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rằng, sở dĩ Bộ thay đổi quy định như vậy để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, không hạn chế những hoạt động dạy học nếu thầy cô thấy rằng học sinh sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào nguồn học liệu trên mạng sẽ hiệu quả hơn, giúp thúc đẩy đổi mới phương pháp tổ chức dạy và học.
Tuy nhiên, không ít giáo viên, phụ huynh lo lắng rằng làm thế nào để quản lý học sinh chỉ sử dụng điện thoại di động để học tập?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Trong việc tổ chức hoạt động, giáo viên phải giao nhiệm vụ phải theo dõi, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ đó. Giáo viên có phương án kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học rồi mới yêu cầu học sinh báo cáo, trao đổi, thảo luận. Cuối cùng, giáo viên chốt lại kiến thức và kỹ năng học sinh có được từ hoạt động này. Như vậy, nếu giáo viên tổ chức tốt phương pháp dạy học ở trong lớp thì chúng ta không phải lo việc trong lúc học học sinh có thời gian sử dụng điện thoại trong trường hợp giáo viên không cho phép".
Trên thực tế, việc sử dụng điện thoại di động trong trường học ra sao vẫn là câu chuyện tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới. Tại châu Âu, quy định có cho học sinh dùng điện thoại trong trường học hay không, ở mỗi nơi cũng có khác nhau. Đây cũng là đề tài tranh luận dài kỳ của các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh và học sinh.
Đứng ở góc độ của nhà nghiên cứu giáo dục, bà Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Khoa học giáo dục Nam Việt cho rằng, về thực chất, Thông tư 32 lần này của Bộ GD và ĐT chỉ “nới lỏng” một chút so với thông tư trước kia về việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị công nghệ. Như vậy, thay vì tuyệt đối cấm học sinh sử dụng điện thoại di động thì giờ đây học sinh sẽ được sử dụng loại phương tiện này phục vụ việc học khi có sự cho phép của giáo viên.
Theo bà Nhẫn, điều quan trọng nhất là giáo viên, nhà trường giải thích rõ cho học sinh hiểu không cấm không có nghĩa là được dùng tự do tùy sở thích mà chỉ dùng khi giáo viên yêu cầu. Muốn giảm bớt áp lực quản lý, giáo viên cần dặn trước cả lớp bài học cần sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Giáo viên sẽ là người tìm hiểu trước các đường link, trang, mục cần truy cập và ghi rõ lên bảng để học sinh vào đúng chỗ, tìm đúng nguồn được yêu cầu. Ngoài việc tra cứu thông tin để làm bài tập nhóm, hỗ trợ quá trình học tập, việc sử dụng điện thoại trong nhà trường là không được phép.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh, Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM cho biết, ngành giáo dục TPHCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị công nghệ phục vụ dạy và học trong giờ học. Còn sử dụng như thế nào cho hiệu quả là do nhà trường và các thầy cô giáo.
"Thông tư 32 theo kịp thực tế hiện nay. Trước giờ theo quy định của Bộ thì trong giờ học là cấm, còn trong trường học thì không cấm. Thực tế trong nhiều trường học của TP này thì trong trường học thầy cô cấm, nhưng trong giờ học nếu như giáo viên bộ môn có nhu cầu và tổ chức dạy học có sử dụng trang thiết bị, trong đó có điện thoại để khai thác tiện ích phục vụ cho dạy và học thì các nhà trường đều cho phép", ông Trọng cho hay.
Khi đã xác định việc cho học sinh THPT, THCS dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập, được sự cho phép của giáo viên là cần thiết thì tất yếu ngành giáo dục và từng trường, từng giáo viên, từng học sinh đều phải có sự chuẩn bị.
Vẫn còn ý kiến đa chiều về vấn đề này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, từ đây đến ngày Thông tư 32 có hiệu lực, các trường cần có sự định hướng cụ thể với giáo viên và đưa ra những quy định khắt khe để siết chặt việc sử dụng điện thoại di động ngay cả trong mục đích học tập. Đến khi nào nhà trường bảo đảm được độ an toàn với thông tin truy cập từ chiếc điện thoại thông minh mà học sinh mang đến giờ học, phụ huynh mới thật sự an tâm. Và khi đó, điện thoại di động mới phát huy thế mạnh hỗ trợ tra cứu thông tin, bổ sung kiến thức của mình.
PV (th)
Công khai số điện thoại, ông Đoàn Ngọc Hải bị nhắn tin lăng mạ, xin tiền |
Cần xây dựng quy tắc riêng về sử dụng điện thoại di động trong từng lớp học |
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh nguy hiểm thế nào? |