Dù không bao giờ được sử dụng trên thực địa nhưng quả bom nguyên tử mang biệt danh “Lõi Quỷ” vẫn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho chính những người tạo ra nó.
Hai quả bom mang biệt danh "Cậu Bé" (Little Boy) và "Gã Mập" (Fat Man) được quân đội Mỹ thả xuống Nhật Bản vào đầu tháng 8.1945 là hai lần duy nhất thế giới chứng kiến thảm họa nguyên tử xảy ra trong thời chiến.
Tấn bi kịch tại Hiroshima và Nagasaki đã cướp đi hơn hai trăm nghìn mạng sống vô tội và quét sạch cả một vùng rộng lớn thành bình địa. Đó là một cảnh tượng đau thương chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Nhưng ít ai biết rằng thảm kịch đó có thể còn trở nên kinh hoàng gấp nhiều lần nếu Nhật Bản không sớm đầu hàng quân Đồng minh để kết thúc Thế chiến thứ hai. Ngày 13.8.1945, một quả bom nguyên tử thứ ba đã được chuẩn bị sẵn sàng thả xuống đất nước vẫn đang choáng váng sau hai thảm họa vô tiền khoáng hậu.
Và cách đó nửa vòng Trái đất, các nhà khoa học làm việc cho Dự án Y tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos thuộc bang New Mexico (Mỹ) cũng "chịu ảnh hưởng" từ quyết định đầu hàng của nước Nhật.
Chiến tranh kết thúc đồng nghĩa với việc quả bom nguyên tử thứ ba dự định thả xuống Nhật Bản sẽ không được sử dụng. Phần lõi của nó – khối cầu nặng 6,2kg chứa plutonium và gallium nguyên chất – có biệt danh là "Rufus" sẽ được giữ lại tại Los Alamos để tiếp tục nghiên cứu thêm.
"Lõi Quỷ” được chụp vào năm 1945.
Và lịch sử trớ trêu đã đưa cơn ác mộng của người dân Nhật Bản về lại với chính những người đã tạo ra nó. Những tai nạn thảm khốc xảy ra trong quá trình thử nghiệm với "Rufus" đã khiến các nhà khoa học Mỹ cuối cùng phải đặt cho nó một cái tên mới đáng sợ hơn rất nhiều: "Lõi Quỷ" (Demon Core).
"Lõi Quỷ": Quái vật vô hình trong phòng thí nghiệm
Các nhà khoa học tại Los Alamos ý thức rất rõ mối nguy hiểm tiềm tàng trong công việc của mình. Đó là các "thí nghiệm tới hạn" nhằm xác định ngưỡng tạo ra trạng thái "siêu tới hạn" của plutonium, trạng thái có thể khởi phát một vụ nổ phóng xạ kinh hoàng nhờ phản ứng hạt nhân dây chuyền xảy ra ở cấp độ nguyên tử.
Các thí nghiệm được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Dự án Manhattan (mà Phòng thí nghiệm Los Alamos cũng là một phần trong đó) nhằm tìm hiểu xem họ có thể kích thích khối chất phóng xạ đến mức nào trước khi phản ứng chết người kia xảy ra.
Các nhà nghiên cứu thậm chí đã đặt biệt danh cho loại thí nghiệm này là "vuốt đuôi rồng", đủ để biết hậu quả sẽ thảm khốc thế nào nếu con quái vật bị đánh thức.
1. Tai nạn đầu tiên xảy ra chỉ chưa đầy một tuần sau sự kiện Nhật Bản đầu hàng, và chỉ hai ngày sau thời điểm mà quả bom dự kiến được thả. Vào đêm 21.8.1945, nhà vật lý Harry Daghlian trở lại phòng thí nghiệm sau bữa tối để "vuốt đuôi rồng" một mình.
Anh không đi cùng nhà khoa học nào khác mà chỉ có một nhân viên cảnh vệ đứng gác, tức là đã vi phạm quy trình an toàn khi làm việc.
Daghlian tiến hành thí nghiệm bằng cách dùng nhiều viên gạch làm từ hợp chất tungsten carbide xếp vây quanh khối plutonium. Các neutron được bức xạ ra sẽ bị phản xạ ngược trở lại và kích thích khối chất phóng xạ dần đạt đến điểm tới hạn.
Từng viên gạch một được Daghlian xếp thành bức tường phản xạ bao quanh khối cầu plutonium, cho đến khi thiết bị theo dõi neutron báo rằng lõi bom sắp "vượt ngưỡng".
Daghlian chuyển mình để lấy bớt một viên gạch ra, nhưng lại vô tình làm rơi nó vào ngay đỉnh của khối cầu. Trạng thái siêu tới hạn ngay lập tức được kích hoạt, và một chớp sáng xanh lam lóe lên cùng với sóng nhiệt bùng phát.
Daghlian vội với tay để lấy viên gạch ra ngay, nhưng không may là đã quá muộn. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, anh đã lãnh trọn liều phóng xạ chết người vào mình. Bàn tay anh tê buốt, bỏng rộp.
Tiếp đó là hàng tuần liền chịu đựng những cơn buồn nôn và nôn ói dai dẳng, cuối cùng anh rơi vào hôn mê và qua đời chỉ 25 ngày sau sự cố vô ý. Nhân viên cảnh vệ đi cùng anh cũng phơi nhiễm với bức xạ dù không tới mức gây chết người.
Sau tai nạn đau lòng của Daghlian, quy trình an toàn của thí nghiệm đã được xem xét lại, nhưng những thay đổi được áp dụng vẫn chưa đủ để phòng ngừa những sự việc tương tự lặp lại. Và thế là "Lõi Quỷ" lại tìm được cho mình những nạn nhân mới.
2. Vào ngày 21.5.1946, một đồng nghiệp của Daghlian là nhà vật lý Louis Slotin tiến hành thí nghiệm tới hạn bằng cách dùng một lớp vỏ beryllium hình vòm đậy lên lõi phóng xạ.
Beryllium cũng phản xạ neutron giống như tungsten carbide để kích thích plutonium đạt đến điểm tới hạn. Slotin đã rất cẩn thận khi dùng một chiếc tua vít để kê giữ cho lớp vỏ hình vòm không bao giờ đậy kín hoàn toàn phần lõi, nhờ đó các neutron có thể thoát ra bớt khi lõi phóng xạ trở nên "căng thẳng".
Và phương pháp đó đã có hiệu quả, cho đến khi tai nạn xảy ra.
Thí nghiệm với ”Lõi Quỷ” vào năm 1946.
Chiếc tua vít bị trượt đi, và lớp vỏ ụp xuống đậy kín phần lõi. Chỉ trong tích tắc, số neutron dội ngược lại tăng vọt, kích thích khối phóng xạ.
Một nhà khoa học khác có mặt trong phòng thí nghiệm lúc đó là Raemer Schreiber khi nghe tiếng rơi của lớp vỏ đã quay lại nhìn và trông thấy chớp sáng xanh lam rùng rợn cùng hơi nóng phát ra do trạng thái siêu tới hạn được kích hoạt - lần thứ hai chỉ trong vòng vài tháng.
Trong một bản tường trình sau đó, Schreiber đã mô tả chớp sáng xanh lóe lên rất rõ dù lúc đó căn phòng được chiếu sáng tốt, và dù chớp sáng chỉ kéo dài không quá "vài phần chục giây" cũng như Slotin đã nhanh tay dựng chiếc tua vít lên lại, nhưng cũng như lần trước, mọi thứ đã được an bài rồi.
Slotin cùng với bảy người khác có mặt trong phòng lúc đó, bao gồm một nhân viên cảnh vệ và một thợ chụp ảnh, đều bị phơi nhiễm phóng xạ. Riêng Slotin phải chịu một liều chết người thậm chí còn cao hơn liều đã nhiễm vào Daghlian.
Sơ đồ phòng thí nghiệm tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Sau một đợt buồn nôn và nôn ói khởi đầu, Slotin có vẻ như đã hồi phục tại bệnh viện. Nhưng trong vài ngày sau đó anh lại sụt cân, đau bụng và bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Trong một bản thông cáo báo chí được phát đi từ Los Alamos, tình trạng của anh được mô tả là giống như "cháy nắng ba chiều".
Đã từng ở bên an ủi Daghlian trong những ngày cuối đời, Slotin hiểu hơn ai hết điều gì sắp xảy đến tiếp theo. Theo Schreiber kể lại, những lời đầu tiên mà Slotin thốt ra ngay sau sự cố với chiếc tua vít chỉ đơn giản là: "Rồi, thế là xong."
Chỉ chín ngày sau tai nạn, Slotin qua đời.
Quyết định của Los Alamos
Hai sự cố chết người cách nhau chỉ vài tháng đã buộc Los Alamos phải thay đổi. Quy định mới đã chấm dứt việc tiến hành thí nghiệm tới hạn một cách "thủ công", thay vào đó các nhà khoa học phải dùng máy móc được điều khiển từ xa để thao tác với các chất phóng xạ từ khoảng cách vài trăm mét.
Họ cũng bỏ cái tên "Rufus" đi và từ đó khối plutonium nguy hiểm kia luôn được gọi là "Lõi Quỷ". Nhưng rốt cuộc đó cũng là lần cuối cùng nó gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các nhà khoa học. Sau tai nạn của Slotin và cùng với độ phóng xạ ngày càng tăng của nó, "Lõi Quỷ" đã bị nung chảy và đưa trở lại kho dự trữ hạt nhân của Mỹ để chờ được sử dụng khi cần thiết.
Dù lõi bom đáng sợ không còn cơ hội gây đau thương cho nạn nhân nào nữa, nhưng điều khiến mọi người bị ám ảnh là sự trùng hợp đến lạ kỳ trong hai vụ tai nạn của Daghlian và Slotin: cả hai sự cố đều xảy ra vào thứ Ba, đều là ngày 21 của tháng, và cả hai nhà vật lý đều qua đời trong cùng một phòng bệnh tại bệnh viện.
Tất nhiên đó chỉ đơn thuần là sự trùng hợp. "Lõi Quỷ" chỉ là cái tên, và nếu có một thứ ma quỷ nào đó để đổ lỗi thì chính là tham vọng theo đuổi và phát triển vũ khí hạt nhân của loài người ngay từ ban đầu. Bi kịch do nó gây ra không chỉ gieo tang tóc cho người dân vô tội trong thời chiến, mà còn cướp đi mạng sống của những nhà khoa học tận tụy ngay giữa thời bình.
Ảnh: Căn hầm đặc biệt chống bom nguyên tử ở Hoàng thành Thăng Long
Hầm T1 nằm bên dưới tòa nhà Cục Tác chiến trong khuôn viên Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có khả năng chống ... |
Thiên thạch 1.500 tấn 'qua mắt' NASA, nổ mạnh bằng 10 quả bom nguyên tử
NASA phát hiện muộn vụ nổ thiên thạch mạnh thứ hai trong 30 năm qua do vật thể chỉ lớn cỡ một chiếc xe buýt. |