Quân đội và truyền thông Trung Quốc được cho là đang sử dụng “tâm lý chiến” với binh sĩ Ấn Độ được triển khai ở biên giới, phương pháp họ đã dùng từ năm 1962.
Sau khi Quân đội Ấn Độ - Trung Quốc có các cuộc xung đột mới nhất ở khu vực biên giới căng thẳng ngày 29-30/8 và quân đội Ấn Độ bố trí lại ở khu vực Finger 4, phía Bắc hồ Pangong Tso, hai bên tiếp tục duy trì binh lực ở biên giới, bất chấp các cuộc đàm phán giảm căng thẳng được tổ chức.
Trung Quốc được cho là đang triển khai "tâm lý chiến" khi cho phát những bài hát tiếng Punjab trên loa phóng thanh và nhắc nhở quân đội Ấn Độ về "sự điên rồ chính trị" của lãnh đạo của họ.
Ấn Độ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng ở biên giới. (Ảnh: AP) |
Trung Quốc nói quân đội Ấn Độ đang hành động vô nghĩa trong mùa đông giá rét vì sự tùy hứng của các chính trị gia ở Delhi, mong muốn các binh sĩ Ấn Độ cảm thấy bất mãn.
Tuy nhiên, theo báo Ấn Độ, Bộ Quốc phòng nước này đã chỉ thị giữ cho tuyến đường quan trọng ở biên giới được thông suốt để chuẩn bị cơ sở hạ tầng đối đầu với Trung Quốc trong mùa đông sắp tới. Ấn Độ đã chuẩn bị để xe tăng có thể di chuyển bất cứ lúc nào.
Theo một cựu Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật loa đài tương tự trong các cuộc giao tranh năm 1962 ở khu vực phía Tây và phía Đông cũng như trong cuộc giao tranh Nathu La năm 1967. Không chỉ "tâm lý chiến" ở biên giới, truyền thông Trung Quốc cũng nhắc nhở giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ về "sự mất mặt" vào năm 1962, và nói rằng Ấn Độ cần phải phục hồi nền kinh tế và kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Theo báo Trung Quốc, lập trường cứng rắn của chính phủ Modi về cuộc xung đột ở Ladakh là chiến thuật để chuyển hướng sự chú ý khỏi xung đột trong nước. Truyền thông Ấn Độ trong khi đó cho rằng điều tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc.
Hôm 15/9, Ấn Độ nói Trung Quốc đang đặt các đường dây cáp quang tại khu vực biên giới để đảm bảo liên lạc, tuy nhiên Trung Quốc không công nhận thông tin này.