Người đứng đầu tập đoàn Thaco hé lộ thông tin về khả năng sản xuất, lắp ráp thương hiệu ô tô hạng sang BMW.
Kể từ khi được tiếp quản bởi Thaco hồi đầu năm, thương hiệu BMW đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam.
Trong phần tham luận tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT Thaco, ông Trần Bá Dương đã bất ngờ hé lộ thông tin về kế hoạch đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô BMW ngay tại Việt Nam thay vì chỉ đơn thuần nhập khẩu và phân phối nguyên chiếc như hiện nay.
“Khi lắp ráp ô tô, chúng tôi chọn lựa lắp ráp từ chủng loại xe tải, xe bus, kế đến là xe con. Đối với xe con, chúng tôi làm các loại phổ thông như Kia, Mazda, rồi đến Peugeot của châu Âu và sắp tới là BMW”, ông Trần Bá Dương cho biết.
Trước đó, vào ngày 16.12.2018, UBND tỉnh Quảng Nam và Thaco cũng đã chính thức công bố điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam.
Theo thoả thuận đầu tư, khu kinh tế mở Chu Lai sẽ được điều chỉnh với 3 dự án, bao gồm: Dự án mở rộng khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai với diện tích 126 ha, tổng vốn đầu tư 5.830 tỷ đồng; dự án khu công nghiệp chuyên nông - lâm nghiệp, diện tích 450ha, tổng vốn đầu tư 13.800 tỷ đồng; và dự án cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Dự án mở rộng khu công nghiệp cơ khí và ô tô, ngoài mục tiêu tăng cường cho các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản xuất, lắp ráp các thương hiệu ô tô hiện có như Mazda, Kia, Peugeot… thì đây cũng được xem là một động thái chuẩn bị cho việc lắp ráp trở lại thương hiệu BMW.
Việc Thaco đầu tư lắp ráp, sản xuất BMW được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước ngoặt mới của thương hiệu ô tô hạng sang đến từ nước Đức.
BMW là một trong những thương hiệu ô tô có mặt tại Việt Nam từ rất sớm. Tuy nhiên, BMW đã có một chặng đường dài lận đận tại Việt Nam.
Năm 1994, BMW chính thức có mặt tại Việt Nam thông qua hợp đồng hợp tác lắp ráp với Xí nghiệp Sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC). Nhưng suốt quãng thời gian từ đó đến năm đầu năm 2007, hoạt động kém hiệu quả của VMC đã đẩy BMW đến những khó khăn.
Đầu năm 2007, BMW quyết định rút lui khỏi VMC và thị trường ô tô Việt Nam. Đến tháng 7.2007, BMW chính thức quay trở lại thông qua hoạt động hợp tác phân phối với Euro Auto. Thế nhưng, “vận đen” vẫn chưa buông bỏ BMW. Các hoạt động gian lận thương mại của Euro Auto lại lần nữa đẩy BMW vào tình thế khó khăn.
Đến ngày 1.1.2018, tập đoàn BMW và Thaco chính thức bước vào hợp tác với hoạt động ban đầu là tiếp quản quyền nhập khẩu và phân phối chính hãng. Và như đề cập ở trên, thương hiệu BMW sẽ lại lần nữa được sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam.
Dù phải trải qua nhiều lận đận song BMW vẫn đang là một trong số ít các thương hiệu ô tô hạng sang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhất, bên cạnh các thương hiệu khác như Lexus, Mercedes-Benz, Audi hay Porsche, Land Rover…
Vì sao Apple sẽ không bao giờ lắp ráp iPhone tại Mỹ? Apple đã có nhiều kinh nghiệm không mấy tốt đẹp về việc lắp ráp, sản xuất sản phẩm tại Mỹ từ 30 năm trước. |
Thiếu xe nhập, xe lắp ráp hưởng lợi lớn tại Việt Nam Doanh số ôtô tháng 5 không còn giảm mạnh so với cùng kỳ 2017, cho thấy thị trường đang dần ổn định và nhiều khả ... |