Việc tàu chiến Mỹ liên tục hiện diện ở Biển Đông dấy lên câu hỏi liệu động thái của Washington có phải chỉ nhằm đối phó, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc?
Theo dữ liệu từ tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI, trụ sở Bắc Kinh), tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu vận tải đổ bộ USS San Diego đã đi qua eo biển Malacca, tiến vào Biển Đông hôm 8/4.
Hôm 9/4, trên twitter, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: “Các thủy thủ trên đảo USS Makin đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật”, đồng thời kêu gọi một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ điều động kết hợp tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay đến Biển Đông dưới thời Biden. Hồi tháng 3, Washington cũng từng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến viễn chinh USS America đến khu vực. Thời điểm đó, nhóm tác chiến viễn chính được dẫn đầu bằng tàu đổ bộ tấn công USS America.
Tàu USS Makin Island đi vào Biển Đông vào cuối ngày 7/4. (Ảnh: Twitter) |
Trước đó, hồi tháng 2, tàu khu trục tên lửa dẫn đường John S. McCain đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông sau khi có chuyến đi, quá cảnh qua eo biển Đài Loan một ngày trước đó. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền.
Sự hiện diện mới nhất của một tàu tấn công đổ bộ Mỹ ở Biển Đông diễn ra vào thời điểm cả Trung Quốc và Mỹ đều điều tàu sân bay vào Biển Đông. Washington điều tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến hành các cuộc tập trận với Malaysia vào hôm 7-8/4. Trong khi đó, Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển từ eo biển Miyako - ngoài khơi phía tây nam Nhật Bản, để tiến hành "các cuộc tập trận" gần Đài Loan.
Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển lân cận Trung Quốc là tín hiệu từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới các đồng minh trong khu vực cũng như với Bắc Kinh. Theo đó, Washington cam kết duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực để đối phó Trung Quốc. Bắc Kinh đã hy vọng quan hệ với Washington sẽ được cải thiện sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở. Tuy nhiên, không có nhiều thay đổi trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết: “Quan hệ Trung - Mỹ đang tương đối căng thẳng, nên Washington đang tăng cường năng lực quân sự gần Bắc Kinh hơn. Do đó, việc chú trọng và tăng cường hiện diện tàu chiến sang Biển Đông và các khu vực tây Thái Bình Dương là động thái dễ hiểu”.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore, cho biết đây không phải là lần đầu tiên một nhóm tàu đổ bộ của Mỹ đến Biển Đông, song điều này lại có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra ở vùng biển này.
“Hiện diện của tàu USS Theodore Roosevelt và các tàu chiến khác của Mỹ ở Biển Đông “thể hiện cam kết an ninh của Washington đối với khu vực, đặc biệt là nghĩa vụ của họ đối với liên minh Philippines-Mỹ”, chuyên gia Collin Koh nói.
Chuyên gia Song Zhongping cho rằng, ranh giới trên biển của ba hạm đội chính của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - Hạm đội 3, Hạm đội 5 và Hạm đội 7, đã bị xóa mờ dưới thời ông Trump. Do đó, để tăng cường sự phối hợp, hiệu quả tác chiến của các hạm đội, Mỹ đã điều việc tàu USS Makin Island (thuộc Hạm đội 5) quá cảnh từ Ấn Độ Dương, vào Biển Đông.
“Ngoài Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khả năng chiến đấu thực tế của Hạm đội 3 là mạnh nhất, vì vậy Mỹ cần hướng lực lượng chiến đấu này đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu chính là liên tục phối hợp lực lượng quân sự giữa các hạm đội để gia tăng sức mạnh. Tàu Makin Island sẽ tiến hành các cuộc tập trận trên hành trình đến cảng San Diego”, ông Song Zhongping nói.
Nhà bình luận quân sự Liang Guoliang cũng nhận định: “Tàu USS Makin Island sẽ phô diễn sức mạnh của hải quân Mỹ. Washington muốn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh, rằng hải quân Mỹ có khả năng đổ bộ mạnh nhất thế giới để đối phó mối đe dọa từ biển, đảo của Trung Quốc”.
Trong những tuần gần đây, căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đông khi Philippines phản đối về việc một số lượng lớn tàu Trung Quốc ồ ạt hiện diện ở đá Ba Đầu. Tương tự, tại biển Hoa Đông, sự hiện diện gia tăng của lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc gần các đảo ở mà Nhật Bản cũng đang dấy lên nhiều quan ngại.
Mỹ dồn dập điều các nhóm tàu tác chiến vào Biển Đông
Nhóm tác chiến đổ bộ Makin Island tiến vào Biển Đông từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca từ đêm 7/4, sáng 8/4. |
Trung Quốc làm "phép thử Biển Đông" với chính quyền Biden?
Việc Trung Quốc để hàng trăm tàu neo đậu ở đá Ba Đầu có thể là phép thử của Bắc Kinh với chính quyền Biden. |