Vaccine COVID-19 Astra Zeneca có thể làm chậm quá trình lây lan virus

Theo một bài báo mới đây, loại vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển có khả năng làm chậm quá trình lây truyền virus gây ra COVID-19.

Bài báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford là nghiên cứu mới nhất cho thấy vaccine này có thể làm giảm sự lây truyền của virus. Dù vậy, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là dữ liệu sơ bộ và mức độ bảo vệ của vaccine vẫn chưa được kết luận.

Vaccine COVID-19 Astra Zeneca có thể làm chậm quá trình lây lan virus - 1
(Ảnh minh họa)

Các nhà nghiên cứu đo lường tác động của vaccine đến khả năng lây truyền bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm từ những người tham gia mỗi tuần, tìm kiếm các dấu hiệu của virus. Nếu không có virus xuất hiện trên những mẫu này thì dù có người nhiễm bệnh, họ cũng không thể lây bệnh cho người khác.

Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện lượng mẫu dương tính với virus giảm 67% trong số những người được tiêm chủng.

Bài báo xem xét dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi, kết quả lần đầu tiên được báo cáo vào cuối năm 2020. Dù vậy nó chưa được giới chuyên môn đánh giá. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng cần phải phân tích thêm dữ liệu trước khi có thể đưa ra kết luận.

Ông Matt Hancock, Bộ trưởng Y tế Anh, đã ca ngợi kết quả vào hôm 3/2 là "thực sự tuyệt vời".

Các nhà nghiên cứu Oxford và AstraZeneca cũng phát hiện ra rằng một liều vaccine duy nhất có hiệu quả 76% trong việc ngăn ngừa COVID-19. Dữ liệu được đo 3 tháng sau khi tiêm mũi đầu tiên, không bao gồm khoảng thời gian 3 tuần đầu tiên cần để biện pháp bảo vệ có hiệu lực.

Đây là một kết quả đáng khích lệ, ủng hộ cho chiến lược mà Anh và các quốc gia khác triển khai nhằm ưu tiên cung cấp càng nhiều liều vaccine đầu tiên càng tốt, giảm lo ngại về việc tiêm liều thứ hai muộn hơn so với kế hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Oxford và AstraZeneca nhận thấy rằng vaccine có vẻ hiệu quả hơn khi khoảng cách giữa hai mũi tiêm dài hơn khoảng cách dự kiến ​​ban đầu là 4 tuần.

Ban đầu, họ nhận thấy rằng vaccine có hiệu quả 62% khi được tiêm dưới dạng hai liều tiêu chuẩn, và 90%, khi liều đầu tiên của vaccine được giảm xuống một nửa. Các nhà nghiên cứu khi đó nghĩ mức độ hiệu quả khác nhau là do liều lượng thấp hơn. Nhưng họ dần dần đi đến kết luận rằng khoảng thời gian giữa các liều là cách giải thích hợp lý hơn.

Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đang chờ dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng thu hút khoảng 30.000 người tham gia, có thể có vào cuối tháng này. Nghiên cứu dự kiến ​​sẽ cung cấp cho AstraZeneca đủ dữ liệu an toàn để vào khoảng đầu tháng 3 hướng tới cung cấp vaccine để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ.

PHƯƠNG ANH (Nguồn: The New York Times)

Nguy cơ nước giàu Nguy cơ nước giàu "thâu tóm" vaccine Covid-19
Mỹ Mỹ "thất lạc" 20 triệu liều vaccine Covid-19
Thế giới sẽ ra sao nếu vaccine COVID-19 không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng? Thế giới sẽ ra sao nếu vaccine COVID-19 không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng?
/ vtc.vn