Ukraine và chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh"

Nga đang sử dụng chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" liên quan đến vấn đề Ukraine song giải pháp ngoại giao mới là lựa chọn tốt nhất.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ (1945-1991), thuật ngữ ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" được sử dụng khá phổ biến để mô tả cách thức hai cường quốc hạt nhân này sử dụng trò chơi quyền lực để xử lý các điểm nóng trong quan hệ giữa họ với nhau, nhưng lại không đẩy quan hệ hai nước đến bờ vực, tức phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

Vậy chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" mới giữa Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Ukraine hiện nay là gì và liệu căng thẳng trong vấn đề Ukraine có đưa Nga và Mỹ đến chỗ đối đầu quân sự trực tiếp hay không?

Từ việc thực thi chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" trong lịch sử

Cách tiếp cận chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" thường được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách gắn với tên tuổi của Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Eisenhower giai đoạn 1953-1961 là John Foster Dulles.

Cách tiếp cận này được Mỹ xây dựng trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh vào giữa những năm 1950, dựa vào ưu thế sức mạnh vũ khí hạt nhân và quân sự của Mỹ. Theo đó, tại một số địa bàn chiến lược, nơi mà Mỹ và Liên Xô có sự cạnh tranh quyết liệt về lợi ích, Mỹ sẽ chủ động đẩy vấn đề đến bờ vực của chiến tranh, nhằm thuyết phục đối phương chấp nhận các yêu sách của Mỹ nếu không sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hủy diệt.

Ukraine và chính sách ngoại giao 'Bên miệng hố chiến tranh' - 1
Quan hệ Mỹ - Nga leo thang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Mấu chốt của vấn đề là dùng vũ lực để đe dọa, gây sức ép tối đa lên đối phương, nhưng chỉ được coi là phương án cuối cùng khi việc sử dụng các con bài khác thất bại. Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Life Magazine năm 1956, Ngoại trưởng Dulles đã bảo vệ chính sách này của Mỹ khi cho rằng: "Khả năng đưa vấn đề đến bờ vực nhưng lại không dẫn đến chiến tranh là một nghệ thuật cần thiết".

Tuy nhiên, chính sách này chỉ đặc biệt hiệu quả trong trường hợp Mỹ có ưu thế quân sự tuyệt đối. Còn khi Liên Xô bắt đầu đạt được sự cân bằng về vũ khí hạt nhân với Mỹ, với hệ quả là cả hai cùng chịu tổn thất (mutually assured destruction) nếu như chiến tranh hạt nhân nổ ra, thì cả Xô và Mỹ đều có khả năng như nhau trong việc sử dụng thuyết trò chơi "Bên miệng hố chiến tranh" để tạo lợi thế cho mình.

Ví dụ điển hình nhất của việc cả Mỹ và Xô đều sử dụng cách tiếp cận ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh", đẩy quan hệ hai nước đến bờ vực một cuộc đối đầu hạt nhân toàn diện, rồi sau đó cùng xuống thang, là Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba kéo dài 13 ngày từ 16-28/10/1962.

Vào trung tuần tháng 10/1962, vệ tinh Mỹ phát hiện Liên Xô đang tiến hành triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung tại Cuba, nơi chỉ cách xa nước Mỹ có 90 dặm, và nhắm vào Thủ đô Washington DC cũng như nhiều địa bàn chiến lược trọng yếu khác. Hành động này của Liên Xô là nhằm trả đũa việc trước đó Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Liên Xô. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, 13 ngày khủng hoảng này là quãng thời gian Mỹ và Liên Xô cận kề với nhau nhất trong một cuộc chiến hủy diệt.

Cuộc khủng hoảng chỉ được tháo gỡ khi cả hai bên cùng xuống thang, theo đó Mỹ cam kết sẽ không xâm lược Cuba và rút các tên lửa đã triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để đổi lại, Liên Xô sẽ rút các tên lửa hạt nhân đã triển khai tại Cuba. Sự xuống thang cần thiết và đúng thời điểm của Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà Lãnh đạo Liên Xô Kherusev đã giúp hai nước và thế giới tránh được một cuộc chiến hạt nhân trong gang tấc.

Qua cuộc khủng hoảng này cả Xô và Mỹ đã hiểu rõ hơn "lằn ranh đỏ" các lợi ích của nhau, và xung đột hay chiến tranh sẽ là điều khó tránh khỏi nếu một trong hai bên tìm cách "lấn làn".

Ukraine và chính sách ngoại giao 'Bên miệng hố chiến tranh' - 2
TUAN ANH (2).jpg
Việc 'không đánh mà thắng' thông qua sử dụng sức ép quân sự giúp Nga không phải can dự vào một cuộc chiến hao người tốn của, trong khi tạo được vị thế theo hướng có lợi cho mình trong đàm phán với Mỹ và phương Tây.

TS Hoàng Anh Tuấn

Đến cách tiếp cận ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay

Khác với các điểm nóng khác trên thế giới, Ukraine hiện là điểm nóng phức tạp nhất, hội tụ đủ các yếu tố tôn giáo, văn hóa, lịch sử, là tâm điểm giao thoa các lợi ích địa-kinh tế, địa-chiến lược giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Với Ukraine, họ cho rằng với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và là thành viên của Liên hợp quốc, Ukraine có toàn quyền quyết định xin trở thành thành viên của NATO và EU hay bất cứ tổ chức quốc tế nào.

Mỹ và các quốc gia châu Âu thành viên của NATO và EU ủng hộ quyết định của Ukraine vì điều này phù hợp với lợi ích của họ, giúp mở rộng không gian kinh tế và an ninh của cả EU và NATO.

Tuy câu chuyện là sự lựa chọn của Ukraine, nhưng hệ quả của nó lại tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình và ổn định của châu Âu, cũng như quan hệ giữa Mỹ với Nga và với các nước lớn khác trên phạm vi toàn cầu khi đặt trong bối cảnh địa-chính trị phức tạp hiện nay của nước Nga sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết, và đặc biệt là quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Nga với Mỹ và NATO.

Ukraine và chính sách ngoại giao 'Bên miệng hố chiến tranh' - 3
Nga và Mỹ cận kề "Miệng hố chiến tranh" trong cuộc chiến cân não liên quan đến vấn đề Ukarine.

Đối với Nga, việc Ukraine gia nhập NATO được xem như "giới hạn đỏ" mà Nga không cho phép Mỹ và NATO vượt qua, vì các lý do sau:

Một, là quốc gia chỉ lớn thứ hai sau Nga trong không gian hậu Xô Viết, việc Ukraine trở thành thành viên của NATO không chỉ làm tăng đáng kể sức mạnh quân sự của NATO, mà còn mở rộng biên giới của NATO sát lãnh thổ Nga, đe dọa an ninh toàn bộ khu vực châu Âu thuộc lãnh thổ Nga.

Hai, việc này sẽ khuyến khích xu hướng "ly khai" với Nga từ bên trong các tổ chức kinh tế, an ninh trong không gian hậu Xô Viết mà Nga đang đóng vai trò lãnh đạo và chi phối như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU). Với chính sách "bóc, tách" từng bước như vậy, nếu không có cách thức ứng phó hữu hiệu, Nga không sớm thì muộn sẽ rơi vào tình trạng "thân cô, thế cô" trong việc đương đầu với các sức ép của Mỹ, phương Tây, thậm chí cả Trung Quốc nữa.

Ba, việc "mất" khu đệm Ukraine theo hướng Ukraine xích lại gần hơn với Mỹ và "phương Tây hóa” có nguy cơ làm lan tỏa "cách mạng màu" từ Ukraine sang chính nước Nga và làm cho nước Nga, một nhà nước liên bang được hình thành từ 85 thực thể khác nhau, bị suy yếu và tan rã từ bên trong.

Với các lợi ích quá lớn như vậy nên điều dễ hiểu là chính quyền của Tổng thống Putin phải bằng mọi giá ngăn cản xu hướng "phương tây hóa" và gia nhập NATO của Ukraine.

Nguồn gốc gây ra căng thẳng hiện nay giữa Nga với Ukraine, cũng như giữa Nga với Mỹ và phương Tây xuất phát từ mối lo ngại của Nga về việc Ukraine và phương Tây đang lợi dụng sự suy yếu tương đối của Nga nhằm tìm cách tái chiếm khu vực Donbass và thúc đẩy việc gia nhập NATO.

Để ngăn điều này không trở thành hiện thực, Nga đã ngay lập tức thi hành chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" một cách bài bản, quyết liệt nhất khiến Mỹ và phương Tây tin rằng Nga sẽ sẵn sàng "khai hỏa" nếu như không nhận được sự nhượng bộ và cam kết giải quyết căng thẳng thông qua còn đường ngoại giao.

Tổng thống Putin hiểu rằng với hơn 130.000 quân, Nga khó có thể tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực, nhanh chóng đè bẹp một đạo quân hùng hậu như quân đội Ukraine, đồng thời duy trì sự có mặt quân sự lâu dài ở quốc gia này. Hơn nữa bản thân Nga cũng đang gặp khó khăn tứ bề, nên nếu bị sa lầy tại Ukraine nước Nga sẽ càng lún sâu trong khó khăn kinh tế và cô lập, thậm chí vĩnh viễn viễn mất luôn vị thể cường quốc hiện nay.

Trớ trêu là, chừng đó "ngọn đòn gió" của Putin cũng đủ khiến Mỹ, phương Tây và cả Ukraine bộc lộ các rạn nứt, các yếu điểm chết người của họ cũng như các cân nhắc để xuống thang.

Một là, về phía Ukraine, nước này cam kết quay trở lại thỏa thuận Minsk, chấp thuận ngừng bắn và không tấn công các lực lượng thân Nga ở hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk.

Hai là, Mỹ và NATO khẳng định sẽ không gửi quân sang Ukraine tham chiến trực tiếp cùng quân đội nước này và đối đầu trực tiếp với quân đội Nga. Lý do chính được NATO đưa ra là Ukraine không phải là thành viên của NATO và, do đó, NATO không có nghĩa vụ phải bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là sự đụng đầu về quân sự giữa NATO và Nga chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng vũ khí thông thường mà sẽ mau chóng nổ ra thành cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, một điều mà Putin "không ngán", còn NATO lại không muốn.

Ba là, việc Ukraine trở thành thành viên của NATO sẽ khó, nếu như không muốn nói là không xảy ra, ít nhất là trong tương lai ngắn hay trung hạn. Nhiều quốc gia trong 30 thành viên của NATO, trong đó có Đức và Pháp, đã phản đối việc mở rộng NATO cho Ukraine tham gia vì lo ngại việc này có thể dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Gần đây nhất, Đại sứ Ukraine tại vương quốc Anh Vadym Prystaiko đã phát biểu rằng Ukraine có thể sẽ từ bỏ việc gia nhập NATO để tránh một cuộc chiến trực tiếp với Nga.

Bốn là, không chỉ Nga mà các nước phương Tây đều bày tỏ mong muốn chấm dứt tình trạng đối đầu hiện nay và tìm ra giải pháp thông qua con đường ngoại giao để giải tỏa căng thẳng. Trong các cuộc họp trực tuyến và điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước trong liên minh NATO, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky trong hai ngày cuối tuần 12 và 13/2/2022 vừa qua, lãnh đạo các nước đều cho rằng vẫn còn cơ hội cho giải pháp hòa bình và cam kết tiếp tục đối thoại để tìm ra một giải pháp thỏa đáng.

Khi đã đạt được các mục tiêu chính sách của mình, rõ ràng Nga không có lý do gì để tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao. Đó là lý do mà ngày 15/2 vừa qua Nga tuyên bố rút một phần quân đội của mình ra khỏi khu vực giáp biên giới với Ukraine. Động thái này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng mà còn gửi đi tín hiệu Nga sẵn sàng tìm một giải pháp thông qua thương lượng thay cho đối đầu.

Ukraine và chính sách ngoại giao 'Bên miệng hố chiến tranh' - 4
Áp dụng chính sách ngoại giao "Bên miệng hố chiến tranh" liên quan đến vấn đề Ukraine, Nga dường như là bên hưởng lợi khi "không đánh mà thắng".

Giải pháp nào cho tình trạng căng thẳng hiện nay?

Việc tìm một giải pháp ngoại giao rõ ràng có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Đối với Nga, việc "không đánh mà thắng" thông qua sử dụng sức ép quân sự giúp Nga không phải can dự vào một cuộc chiến hao người tốn của, trong khi tạo được vị thế trong đàm phán với Mỹ và phương Tây có lợi cho mình.

Với Ukraine, việc tránh được một cuộc chiến với Nga thông qua thương lượng ngoại giao mà Ukraine phải đơn thương độc mã và nắm chắc phần thua, cũng có thể xem là một thắng lợi chính trị của nước này. Trong bối cảnh so sánh lực lượng hiện nay giữa Ukraine với Nga, cũng như sự cam kết nửa vời của Mỹ và phương Tây, thì khó có thể đòi hỏi lãnh đạo Ukraine làm tốt hơn những gì họ đã và đang làm. Tuy "giấc mơ" trở thành thành viên của NATO vẫn còn dang dở, nhưng NATO vẫn chưa hoàn toàn đóng cánh cửa gia nhập tổ chức này đối với Ukraine khi điều kiện cho phép.

Đối với các thành viên châu Âu của NATO, họ có lý do để xem đây là một thành công khi giải tỏa được một cuộc xung đột tiềm tàng ngay chính trung tâm châu Âu và có khả năng đe dọa an ninh và ổn định của toàn bộ "Lục địa già" này.

Với Mỹ, chính quyền Biden có thể xem đây là một "thành tích" đối ngoại khi buộc chính quyền của Tổng thống Putin xuống thang và đi vào đàm phán một giải pháp ngoại giao.

Rõ ràng, giải pháp ngoại giao là điều có lợi cho tất cả các bên trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thỏa thuận ngoại giao này, nếu có đạt được, cũng phải thỏa mãn hoàn toàn hoặc phần lớn lợi ích của các bên liên quan. Theo đó, Nga cam kết sẽ giảm sức ép và không tiến hành các hoạt động quân sự chống Ukraine. Đổi lại Ukraine sẽ cam kết tôn trọng thỏa thuận Minsk, không tìm cách thay đổi nguyên trạng ở khu vực Donbass thông qua vũ lực.

Và tất nhiên, Mỹ và NATO phải chấp nhận đóng băng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng có một số cam kết hoặc bước đi tương tự về mặt quân sự nhằm giảm sức ép đối với Nga từ phía đông.

/ vtc.vn