Tướng Thước: Mỗi lần cán bộ vi phạm phải rút ra được bài học để tránh tái diễn

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - đã nói như vậy với Lao Động về việc thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao đương chức và kể cả cán bộ đã về hưu có vi phạm, khuyết điểm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Việt Cường)

Tướng Thước nhấn mạnh: Việc Đảng và Nhà nước cương quyết xử lý nghiêm cán bộ cấp cao đương chức và về hưu có vi phạm, khuyết điểm đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong công tác phòng, chống tham nhũng và không có vùng cấm đối với bất kỳ ai. Vi phạm về Đảng thì xử lý kỷ luật Đảng, vi phạm kỷ luật về công chức thì cứ theo Luật Công chức, còn vi phạm pháp luật thì xử lý về mặt pháp luật, không dung túng, loại trừ ai.

“Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo thì phải xử lý một cách nghiêm túc, đó cũng là lòng dân, ý Đảng. Qua mỗi lần cán bộ vi phạm cũng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ, để tránh không tái diễn” – Tướng Thước nhấn mạnh.

Tướng Thước nhấn mạnh: Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công". Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là toàn đảng, toàn dân, toàn quân cùng vào cuộc để phòng chống tham nhũng thì mới thành công.

Ngoài ra, Tướng Thước cũng cho rằng, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn thì việc kê khai tài sản cũng rất quan trọng, do vậy việc kê khai tài sản của cán bộ phải được kiểm tra chặt chẽ để qua đó làm rõ nguồn gốc tài sản của cán bộ có được là do đâu, tránh trường hợp cán bộ kê khai tài sản rồi để đấy, kê khai cho có hình thức và cơ quan, cấp trên do nể nang không kiểm tra, kiểm soát, như vậy khác gì tiếp tay cho vi phạm.

Còn PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lại cho rằng, muốn phòng, chống được tham nhũng lớn thì cũng phải chú ý đến phòng, chống và xử lý nghiêm cả tham nhũng vặt, vì từ những tham nhũng vặt nếu không xử lý sẽ tích tụ thành lớn.

Ông Phúc nhấn mạnh: Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt cần phải tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, việc này lâu nay chúng ta làm chưa tốt. Cấp ủy, chi bộ Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát xem đảng viên, cán bộ trong cấp ủy của mình làm những gì để kịp thời uốn nắn. Phải phòng là chính.

/ Xuân Hải/laodong.com.vn