Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc mô tả các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Kazakhstan là khủng bố và cam kết bảo vệ nước này trước sự can thiệp của nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi hôm 10/1, nói sẽ giúp chính phủ Kazakhstan chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh của cả hai nước, trong công việc song phương chống lại sự can thiệp”, ông Vương nói, “để bảo vệ hệ thống chính trị và chế độ an toàn của hai nước, nhằm ngăn chặn và phản đối mọi nỗ lực nhằm vào 'các cuộc cách mạng màu', đồng thời hợp tác chống lại sự can thiệp và xâm nhập của bất kỳ lực lượng nước ngoài nào".
Trung Quốc đề nghị giúp đỡ Kazakhstan. (Ảnh minh họa: EPA-EFE) |
Cuộc điện đàm diễn ra 3 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp cho Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, trong đó ủng hộ các nỗ lực của chính quyền Kazakhstan nhằm kiềm chế tình hình bất ổn.
Các nhà chức trách cho biết 164 người đã thiệt mạng vào tuần trước trong những vụ đụng độ bạo lực nhất kể từ 30 năm trước tại Kazakhstan.
Ông Tokayev đã cho phép quân đội nổ súng tiêu diệt các phần tử bạo loạn và yêu cầu các lực lượng Nga giúp lập lại trật tự thông qua một cơ chế trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), liên minh khu vực do Moskva đứng đầu.
Kazakhstan rất quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đây là nơi có các dự án như trung tâm giao thông ở thành phố biên giới Khorgos và một đường ống dẫn dầu lớn. Ngoài ra, từ lâu Trung Quốc cũng lo ngại rằng bạo lực ở các nước láng giềng Trung Á có thể tràn vào bên trong biên giới của họ.
Dù vậy, theo Rraffaello Pantucci, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, Trung Quốc sẽ không can thiệp ở Kazakhstan theo cách của Nga và SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) khó có thể làm như vậy vì Bắc Kinh thiếu kinh nghiệm quân sự. Nhưng tình hình bất ổn có thể khiến Trung Quốc muốn đánh giá lại tình hình an ninh trong khu vực.
Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Kazakhstan bắt đầu sau khi giá nhiên liệu tăng cao vào ngày đầu năm mới. Biểu tình trở nên bạo lực trong vòng vài ngày, một số người đốt ô tô và chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, cũng như sân bay ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.
Theo SCMP, giá khí hóa lỏng tại Kazakhstan tăng là do nhà nước cắt bỏ dần các khoản trợ cấp cho người tiêu dùng và để thị trường quyết định giá.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng mở rộng sang các vấn đề khác, bao gồm điều kiện làm việc tồi tệ và cáo buộc tham nhũng liên quan đến gia đình cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Chính phủ Kazakhstan cho rằng bạo lực trong các cuộc biểu tình được thúc đẩy bởi "các nhóm khủng bố được được đào tạo và điều phối ở nước ngoài" và "các nhóm Hồi giáo cực đoan" không xác định. Họ cho biết sẽ không truy tố những người biểu tình ôn hòa.
Tổ chức do Trung Quốc hậu thuẫn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan |
Nga tức giận với phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ |
Nga thiết lập tiền lệ chưa từng có khi can thiệp vào cuộc bạo loạn ở Kazakhstan |