Việc Trung Quốc lên tiếng tố Mỹ “gây rối ở Biển Đông” trong bối cảnh chính Trung Quốc bị thế giới và khu vực lên tiếng chỉ trích vì những hành động hung hăng và gây hấn trên vùng biển này được xem như một sự phản kích nhằm cố “vùng vẫy” thoát khỏi thế cô lập do chính họ dựng với bản thân mình.
Biên đội tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tuần tra ở Biển Đông nhằm cảnh báo và răn đe tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc |
Trung Quốc cáo buộc Mỹ, đề cao quan hệ với ASEAN
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc), dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy trong cuộc gặp đại sứ các nước ASEAN ngày 4-9 vừa qua nói rằng, Mỹ “cố tình gây rối ở Biển Đông”, đồng thời cản trở hòa bình, ổn định tại khu vực. Ông La Chiếu Huy cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, tạo sức ép lên nền kinh tế toàn cầu thì việc Mỹ “đàn áp toàn diện” Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Quan chức cấp phó của cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng cáo buộc, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhắm vào việc răn đe Bắc Kinh, đẩy các nước ASEAN vào tình thế phải lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc, và điều này đi ngược với ý chí duy trì hòa bình, ổn định của các quốc gia tại khu vực. Ông La Chiếu Huy dẫn số liệu của phía Trung Quốc cho rằng trong nửa đầu năm 2020 này Mỹ đã điều động hơn 2.000 lượt máy bay quân sự tới Biển Đông như để minh chứng cho lời cáo buộc Washington đang muốn răn Trung Quốc.
Đáng chú ý, sau khi đưa ra những chỉ trích và cáo buộc nhằm vào Mỹ như là một bên “gây rối” và “gây mất ổn định” ở Biển Đông, ông Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi, ASEAN hãy cùng bắt tay với Trung Quốc để “bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương tại khu vực”. Theo theo như ông La Chiếu Huy, ASEAN và Trung Quốc cần có những nỗ lực chung để thúc đẩy các cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao nhằm “chuyển đi một thông điệp về sự đoàn kết, hợp tác và phát triển”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng “gợi ý” rằng, hợp tác giữa 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc sẽ tập trung vào 4 điểm chính. Trong đó, điểm đầu tiên và quan trọng nhất theo ông La Chiếu Huy, là quản lý một cách hiệu quả tình trạng khác biệt, không thống nhất giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhân đây, vị Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc đang hợp tác với các nước thành viên ASEAN để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) và tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) là đang “cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Những điểm còn lại mà Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác với ASEAN gồm: tăng cường hơn nữa việc hợp tác chống đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ tâm dịch Trung Quốc, hợp tác trong các hoạt động phục hồi nền kinh tế và xây dựng kế hoạch làm việc cho năm tiếp theo. Trong đó, Trung Quốc hứa hẹn về “ngoại giao vaccine” khi tuyên bố sau khi nước này chế tạo thành công vaccine phòng ngừa Covid-19 sẽ công bố bán ra thị trường toàn cầu với “giá cả phải chăng”; cũng như cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN bất chấp đại dịch…
Chốt lại, vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc thêm một lần nữa “tô hồng” mối quan hệ với ASEAN khi nói Trung Quốc sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập các quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN vào năm 2021 bằng việc tận dụng cơ hội này để nhìn lại hợp tác giữa hai bên nhằm “làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn” các chương trình hợp tác toàn diện, mang lại lợi ích cho khu vực.
ASEAN luôn thượng tôn pháp luật để bảo vệ lợi ích cốt lõi
Những phát biểu với nội dung cáo buộc, chỉ trích Mỹ như là một bên gây rối và làm mất ổn định ở Biển Đông, đồng thời đề cao quan hệ và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN là một nhân tố quan trọng giúp duy trì hòa bình và ổn định trên vùng biển này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ từ đầu năm tới nay đã gia tăng mạnh các hoạt động để ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc. Trong đó, đáp lại những cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã tổ chức các chuyến tuần tra, diễn tập thường xuyên của lực lượng hải quân và không quân.
Không chỉ điều khu trục mang tên lửa dẫn đường, máy bay chiến đấu tuần tra áp sát các đảo, thực thể nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự với quy mô và cường độ ít thấy từ trước tới nay ở khu vực. Trong đó, đặc biệt là 3 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đồng thời diễn tập quy mô lớn cùng lúc ở Biển Đông. Những hoạt động này của Mỹ, theo nhìn nhận của các chuyên gia, đều tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan.
Những động thái thể hiện sự cảnh báo, răn đe mạnh mẽ của Mỹ diễn ra sau khi Washington nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hoạt động “hung hăng”, “gây hấn” và “bắt nạt” các bên liên quan khác, đồng thời tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Mỹ cho rằng, những hành vi này của Trung Quốc đã đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông và khu vực.
Với cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia trong khu vực như ASEAN, đều thấy rất rõ ai mới là người “gây rối” và “gây mất ổn định” ở Biển Đông. Thực tế thời gian qua ở Biển Đông cho thấy, Trung Quốc là nước đưa tàu khảo sát, thăm dò xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đâm chìm tàu cá của Việt Nam; quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia… và nguy hiểm nhất là ráo riết tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.
Trung Quốc với những hành động đe dọa tự do hàng hải, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan, gây mất an ninh, ổn định ở Biển Đông… đang ngày càng bị chỉ trích và cô lập hơn ở khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đó, những phát biểu hay hứa hẹn của ông La Chiếu Huy được cho là sự “phản kích” trước hết nhằm vào Mỹ, sau đó là muốn “vùng vẫy” phá vỡ thế cô lập của Trung Quốc, lấy DOC và đàm phán COC như là thứ “bình phong” cho các hoạt động quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền của các bên ở Biển Đông.
Là một tổ chức khu vực thành công nhất và luôn giữ vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các vấn đề khu vực, ASEAN chắc chắn luôn giữ lập trường thượng tôn pháp luật để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình. Vì thế, theo các chuyên gia, ASEAN hoàn toàn biết rõ cần phải đứng ở đâu và như thế nào trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Những diễn biến ở Biển Đông 5 tháng qua
Tình hình Biển Đông từ tháng 4 có nhiều diễn biến phức tạp, khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động diễn tập phi pháp, ... |
Mỹ tung cặp đôi "sát thủ" chống lại tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông
Mỹ kết hợp vũ khí lâu đời và tối tân nhất là oanh tạc cơ từ Chiến tranh Lạnh và tên lửa tàng hình tiên ... |
“Sát thủ tàu sân bay” Trung Quốc gây thêm căng thẳng ở Biển Đông
Việc Trung Quốc phóng liền một lúc 4 quả tên lửa tầm trung “Đông Phong” DF-21D và DF-26 từ sâu trong lục địa ra Biển ... |