Sở Y tế TP.HCM yêu cầu cơ sở y tế tư nhân không được từ chối người mắc COVID-19 đến khám bệnh và không thu phí điều trị COVID-19 của bệnh nhân.
Chiều 11/10, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, trả lời về vấn đề thu phí điều trị COVID-19 tại các sơ sở y tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã ra văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính cho cơ sở y tế tư nhân về vấn đề này.
Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị COVID-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, bệnh viện không được thu thêm tiền của bệnh nhân.
“Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị COVID-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết”, bà Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai. |
Về nhân lực điều trị COVID-19 sau khi các lực lượng hỗ trợ rút khỏi thành phố, Bà Mai cho biết, 3 bệnh viện dã chiến (13, 14, 16) sẽ giữ lại để sẵn sàng các tình huống. Đồng thời, thành phố cũng tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng chi viện rút.
“Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế”, bà Mai khẳng định.
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện thành phố áp dụng xét nghiệm COVID-19 theo chiến lược và quy định cụ thể cho từng đối tượng.Ở trường học, sân bay, doanh trại, lực lượng tiếp xúc nhiều người như shipper có quy định xét nghiệm khác nhau.
Theo ông Tâm, người đã tiêm vaccine vẫn thực hiện xét nghiệm bởi về nguyên tắc y khoa, việc tiêm chủng chỉ giúp giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi bị lây nhiễm.
Ông Nguyễn Hồng Tâm. |
Về việc giảm tải chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, ông Tâm cho biết, theo quy định, có trường hợp làm mẫu gộp và có trường hợp làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm dạng gộp hay test nhanh để tiết kiệm chi phí.
Về vấn đề người dân bị bỏ lỡ mũi tiêm chủng mở rộng ở đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, theo ông Tâm, trong thời gian cao điểm dịch, hoạt động tiêm chủng các bệnh khác có phần bị gián đoạn. Nhưng riêng tiêm chủng lao và viêm gan siêu vi B đối với trẻ sơ sinh vẫn được triển khai.
“Hiện tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã ổn định, người dân có thể đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng trở lại. Khi đưa trẻ đi tiêm cần thực hiện nghiêm 5K, nắm bắt thông tin từ địa phương”, ông Tâm nói.
Theo HCDC, từ khi TP.HCM bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 đợt 1 đến hết 10/10, thành phố tiêm được 12.288.283 mũi, trong đó 5.069.498 người tiêm mũi 2. Tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm 1 mũi là 98,02%. Tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi là 72,4%. Người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 75,95%; người trên 50 tuổi được tiêm 2 mũi là 63,83%.
MAI CÁT
Tất cả các quận, huyện ở TP.HCM đề nghị công bố kiểm soát được dịch COVID-19 |
Bộ Y tế đề nghị điều tra vụ tiêm vaccine COVID-19 thu phí ở TP.HCM |