Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam đứng thứ 10 trên 11 nước trong Đông Nam Á; người dân có mức độ tin tưởng vaccine rất cao.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng Covid-19 quay trở lại với các biến thể nguy hiểm hơn, sau vài tháng tương đối êm ả. Các chuyên gia nhận định vaccine sẽ đóng vai trò quan trọng giúp khu vực thoát khỏi đại dịch.

Tháng 12/2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực tiêm chủng vaccine Covid-19. Tiếp đến là Indonesia vào ngày 13/1, dùng Sinovac của Trung Quốc.

Việt Nam khởi động tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine AstraZeneca từ ngày 8/3. Nhóm ưu tiên là bác sĩ, nhân viên tham gia phòng chống dịch, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ xuất nhập cảnh, công an, quân đội... Đến ngày 17/5, Việt Nam đã tiêm hai liều vaccine cho hơn 22.500 người (0,04% dân số), tiêm ít nhất một liều cho 970.000 người (1% dân số).

Theo kho dữ liệu Our World in Data của Phòng thí nghiệm Dữ liệu Thay đổi Toàn cầu, tỷ lệ tiêm hai liều vaccine ở Việt Nam đứng thứ 10 trên tổng 11 nước trong khu vực, cao hơn Timor Leste. Singapore dẫn đầu với hơn 20% dân số đã tiêm hai liều vaccine. Tiếp theo là Campuchia với 6,87%, Indonesia với 3,26% và Malaysia 2,25%, tính đến ngày 15/5.

Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á
Biểu đồ tỷ lệ dân số đã tiêm vaccine Covid-19 tại Đông Nam Á từ ngày 21/1 đến ngày 15/5 Ảnh: Our World In Data

Tỷ lệ người đã tiêm chủng trên 100 dân tại Việt Nam là 0,92, đứng thứ 11 trong khu vực. Con số này ở Singapore là 54,7, tại Campuchia là 19,25 và ở Indonesia là 8,27.

Tốc độ tiêm chủng ở Việt Nam tăng mạnh kể từ giữa tháng 4. Chỉ trong 20 ngày, từ 18 đến 28/4, gần 700.000 người nhận liều vaccine đầu tiên.

Thái độ với vaccine

Mức độ tin tưởng vào vaccine tại Đông Nam Á khá cao, song các nhóm cộng đồng có quan điểm khác nhau. Một số người cực kỳ nghi ngờ chiến dịch tiêm chủng, số khác nói lợi ích của vaccine nhiều hơn rủi ro. Trong khi một số người muốn có thêm nhiều loại vaccine để lựa chọn, có những người không ngại tiêm phòng ngay lập tức.

Mao Makara, một nhân viên bảo vệ ở Phnom Penh, Campuchia, cho biết: "Tôi cũng hơi lo lắng, nhưng sẽ tiêm phòng khi đến lượt. Tôi nghĩ ít nhất nó cũng bảo vệ được phần nào".

Yustinus Budiwanto, 52 tuổi, sinh sống tại Bandung, Indonesia, chia sẻ: "Người Indonesia thường nói ‘Hãy sẵn sàng mang ô trước khi trời mưa'. Tôi muốn có miễn dịch đủ mạnh để chống lại virus trước khi mắc bệnh".

Trả lời VnExpress ngày 17/5, anh Phạm Văn Giáp, bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương, người đã tiêm vaccine Covid-19 hôm 6/5, cho biết: "Tôi là bác sĩ tuyến đầu, rất dễ tiếp xúc với mầm bệnh. Tiêm chủng giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho bản thân và cũng để phục vụ tốt cho công việc".

Về vấn đề đông máu và sốc phản vệ xung quanh vaccine AstraZeneca, bác sĩ Giáp cho rằng tỷ lệ này rất nhỏ. "Nếu chúng ta cứ quá lo ngại, virus sẽ có cơ hội lây lan, không thể đạt miễn dịch cộng đồng", anh nói thêm.

Theo công ty phân tích dữ liệu YouGov, tỷ lệ dân số Đông Nam Á sẵn lòng tiêm vaccine dao động từ 50% (tại Philippines) đến 85% (tại Việt Nam). Thái độ người dân không thay đổi nhiều kể từ tháng 12 đến nay. Song mức tin tưởng của người Thái giảm từ hơn 80% vào tháng 1 xuống còn 60% trong tháng 4.

Tiến độ tiêm vaccine Covid 19 ở Đông Nam Á
Tiêm vaccine Astrazeneca cho tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm y tế TP. Đông Hà, Quảng Trị, ngày 13/5. Ảnh: Hoàng Táo

Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Tháng 4, Thái Lan và Philippines liên tục ghi nhận số ca nhiễm ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Song khoảng 40% người Đông Nam Á cho biết họ đã thích nghi với các hạn chế, tự tạo thói quen trong hoàn cảnh "bình thường" mới.

Theo cơ quan nghiên cứu thị trường Ipsos, người dân Việt Nam và Singapore nằm trong nhóm hài lòng về phản ứng của chính phủ với Covid-19. Việt Nam có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất. 91% dân số cảm thấy giới chức xử lý tốt đại dịch. Con số này tại Singapore là 88%, Malaysia là 72% và Indonesia là 69%.

Mục tiêu tiêm chủng

Hầu hết các nước Đông Nam Á đều sử dụng nguồn cung vaccine từ sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đa số các chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50% đến 70% dân số trưởng thành trong năm 2021 hoặc 2022.

Việt Nam chủ yếu dùng vaccine AstraZeneca. Hãng sẽ phân phối cho quốc gia khoảng 30 triệu liều. Cơ chế Covax đã cung cấp đến Việt Nam khaongr 1,6 triệu liều trong tổng cam kết hơn 38 triệu.

Bên cạnh đó, chính phủ cho biết đang đàm phán với Pfizer, Moderna, CureVac, Johnson & Johnson và Viện Gamaleya. Việt Nam đã nhận được cam kết khoảng 110 triệu liều trong năm 2021 từ các đơn vị và nhà sản xuất. Ngoài ra, hai loại vaccine sản xuất trong nước là Nanocovax và Covivac đang được thử nghiệm lâm sàng.

Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 50% dân số trưởng thành vào cuối năm nay. Bên cạnh vaccine AstraZeneca, nước này đặt hàng thêm vaccine của Sinovac, Trung Quốc.

Chính quyền Singaore đã dành khoảng 750 triệu USD cho vaccine, nhằm thu hút các công ty như Moderna, Pfizer và Sinovac. Nước này ước tính tiêm chủng đủ cho khoảng 5,5 triệu dân số vào quý 3 năm 2021.

Thục Linh (Theo Our World in Data, Bangkok Post, Eseas)

FDA sắp thông qua vaccine COVID-19 dành cho tuổi "teen" của Pfizer FDA sắp thông qua vaccine COVID-19 dành cho tuổi "teen" của Pfizer

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ phê duyệt vaccine COVID-19 dành cho trẻ em và thiếu niên từ 12 ...

Mỹ tặng tiền lôi kéo dân tiêm vaccine Covid-19 Mỹ tặng tiền lôi kéo dân tiêm vaccine Covid-19

Từng có thời điểm việc đặt được lịch tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ không khác gì trúng xổ số. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác.

WHO chấp thuận đưa vaccine Moderna vào sử dụng khẩn cấp WHO chấp thuận đưa vaccine Moderna vào sử dụng khẩn cấp

Hôm 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine do Moderna phát triển để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

/ vnexpress.net