Thiên tai làm 74 người chết và mất tích, thiệt hại 4.000 tỉ đồng

Thiên tai nguy hiểm với 16 loại hình xảy ra từ đầu năm đến nay đã làm 74 người bị chết và mât tích, 155 người bị thương.

Nhiều tỉnh phải ban bố tình huống khẩn cấp

Theo ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo – Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, điển hình của các hình thái thiên tai

năm nay là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 sang năm 2020 tại đồng bằng sông Cửu Long, làm 6/13 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 54.700ha lúa bị thiệt hại; 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt; gây lún sụt nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông (1.121 điểm đường giao thông với tổng chiều dài 23.905km; 240m đê biển Tây đã sụt lún và 4.215m nguy cơ sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau).

Hạn hán tại miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã làm 16.956ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trong đó, 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã công bố tình trạng thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh. Do nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã chủ động điều chỉnh giảm diện tích sản xuất vụ Đông Xuân cho khoảng 23.500ha cây trồng, trong đó, Khánh Hòa: 500ha lúa, Ninh Thuận: 7.500ha, Bình Thuận: 15.500 ha lúa.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 225 trận dông, lốc, mưa lớn trên 46 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ khiến 45 người chết, 135 người bị thương, 63.883 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 44.922ha lúa, hoa màu bị ngã đổ, thiệt hại. Ước giá trị thiệt hại về kinh tế 898 tỉ đồng.

Gia tăng động đất, sạt lở

Từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 66 trận động đất tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong đó, tại Lai Châu, từ ngày 16-19.6.2020, tại huyện Mường Tè, đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất với độ lớn từ 2.5 - 4.9 Richter, trong đó trận động đất độ lớn 4.9 Richter vào 13 giờ 12 phút ngày 16.6.2020 tâm chấn tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè đã làm 2 người bị thương, một số nhà dân bị nứt.

Các hình thái thiên tai gây sạt lở đất tại Lào Cai. Ảnh: Quảng Việt
Các hình thái thiên tai gây lũ lụt, sạt lở đất tại Lào Cai. Ảnh: Quảng Việt

Tại Sơn La, ngày 27.7.2020, tại huyện Mộc Châu đã xảy ra trận động đất độ lớn 5.3 gây rung lắc tại chấn tâm và một số địa phương lân cận và liên tiếp 31 dư chấn sau đó (từ 27.7-7.8) làm 303 nhà và một số cơ sở hạ tầng nứt tường, hư hỏng.

Mưa lớn từ 16-19.8 đã gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Điện Biên (xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ), Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình,…. làm 8 người chết; sạt lở nhiều tuyến đường giao thông với tổng khối lượng đất đá khoảng 70.000m3.

"Từ đầu năm đến nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu long (Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu,…) và ven biển miền Trung, nhiều đợt động đất ở khu vực miền núi phía Bắc" - ông Trần Quang Hoài cho biết.

Vũ Long

Mưa lớn kéo dài đến 20.8: Sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất Mưa lớn kéo dài đến 20.8: Sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất
Nghệ An công bố thiên tai do nắng nóng Nghệ An công bố thiên tai do nắng nóng
/ laodong.vn