Thách thức với kế hoạch hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD của Biden

Trump và Obama từng bế tắc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng Biden tin ông có thể đưa nước Mỹ tới tương lai bằng cách này.

Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 31/3 vượt xa những cam kết thông thường về xây dựng, khi chạm đến hầu như mọi ngõ ngách của đất nước.

Các khoản tiền trong kế hoạch của Biden hướng đến những mục tiêu như chống biến đổi khí hậu, mở ra cơ hội giải quyết tình trạng bất bình đẳng chủng tộc, mở rộng băng thông, đầu tư vào sản xuất và tăng thuế doanh nghiệp để chi trả cho mọi thứ.

Biden coi xây dựng cơ sở hạ tầng là một lời hứa cơ bản cần phải tôn trọng trước khi đảng Dân chủ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Để đạt được thành công trong vấn đề mà những người tiền nhiệm đã bế tắc, ông sẽ phải tập hợp được sự ủng hộ của các thế lực chính trị đối lập nhau. Trong khi đó, giới quan sát nhận định "canh bạc" này của Tổng thống Mỹ khó có thể suôn sẻ.

"Đúng, đây là một kế hoạch lớn và táo bạo. Chúng ta có thể hoàn thành nó. Trong 50 năm nữa, mọi người sẽ nhìn lại và nói rằng đây chính là khoảnh khắc mà nước Mỹ đã chiến thắng", Biden phát biểu tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, hôm 31/3.

4148 000 97699y 2383 1617275974

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, hôm 31/3. Ảnh: AFP.

Các nhóm doanh nghiệp kêu gọi Biden tăng thuế xăng dầu và phí giao thông để chi trả cho kế hoạch. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên cho hay Tổng thống phản đối phương án này, bởi khi đó chi phí sẽ đánh vào người lao động Mỹ, mà ông từng hứa sẽ không tăng thuế đối với bất cứ ai thu nhập dưới 400.000 USD.

Thay vào đó, Biden dự định tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đồng thời áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để ngăn các công ty trốn thuế. Đề xuất này sẽ làm thay đổi cốt lõi chủ trương cắt giảm thuế của cựu tổng thống Donald Trump. Bản thân Biden cũng coi kế hoạch là sự thay đổi cơ bản của chủ trương này, vốn đã được áp dụng nhiều thập kỷ trước dưới thời cố tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan.

Tuy nhiên, quyết định của Biden có khả năng hủy hoại mọi cơ hội đạt được đồng thuận lưỡng đảng. Trước bài phát biểu công bố kế hoạch của ông, các đảng viên Cộng hòa đã phản đối kế hoạch mà họ coi là tượng trưng cho chủ nghĩa tự do về thuế và chi tiêu.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell ví kế hoạch của Biden như "con ngựa thành Troy" nhằm tăng thuế. Trong khi đó, Trump ra tuyên bố rằng bên thắng lớn sẽ là Trung Quốc, bởi việc làm của Mỹ sẽ bị chuyển ra nước ngoài nếu thuế doanh nghiệp cao hơn. "Điều này chính xác là đi ngược với nước Mỹ trên hết. Đó là đặt nước Mỹ xuống cuối cùng", Trump cho hay.

Về phía đảng Dân chủ, một số nghị sĩ lo rằng kế hoạch của Biden sẽ không làm được gì nhiều trong vòng 8 năm. Vài người khác lại coi đây là cơ hội để thúc đẩy những thay đổi táo bạo hơn, như bãi bỏ mức trần khấu trừ thuế bang và địa phương, hay còn gọi là SALT, được ban hành dưới thời Trump. Tình huống này được cho là trở ngại lớn với Biden, bởi từng lá phiếu của phe Dân chủ đều quan trọng, đặc biệt khi số ghế của hai đảng cân bằng tại Thượng viện.

Một số nhà hoạt động môi trường đánh giá kế hoạch của Biden cũng không đủ để ngăn các đợt biến đổi khí hậu, ngay cả với những đề xuất nâng cấp lưới điện và xây dựng 500.000 trạm sạc xe điện. Họ có thể thúc đẩy Tổng thống theo đuổi mục tiêu thậm chí lớn hơn.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal, chủ tịch Nhóm Cấp tiến Quốc hội gồm gần 100 thành viên, cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi Biden cần cam kết chi nhiều tiền hơn. "Kế hoạch không có nhiều ý nghĩa nếu ông ấy thu hẹp tham vọng trước đây về cơ sở hạ tầng, hoặc thỏa hiệp với những thực tế về biến đổi khí hậu", bà nói.

Về phía các nhóm doanh nghiệp, họ từ lâu đã ủng hộ đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng, nhưng không phải bằng cách tăng thuế lên các thành viên của họ. Văn phòng Thương mại Mỹ và Hội Bàn tròn Doanh nghiệp Mỹ đều kịch liệt phản đối đề xuất này.

Giới chức Nhà Trắng hoan nghênh cuộc tranh luận sắp tới, như một cách để hướng sự chú ý đến kế hoạch của họ, tương tự chiến lược mà Biden sử dụng với gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được thông qua tháng trước. Nếu việc tăng thuế bị phản đối thì nên lấy kinh phí từ đâu? Ý kiến của các nghị sĩ ra sao? Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng không cấp bách như cứu trợ Covid-19.

Vì vậy, các ủy ban quốc hội có thể sẽ chia nhỏ và xem xét riêng biệt mỗi chi tiết, bóc tách từng yếu tố như cơ sở hạ tầng đường cao tốc hoặc thủy lợi, vốn đã nhận được một số sự ủng hộ lưỡng đảng. Trên thực tế, những sai lầm trong quá khứ đồng nghĩa với việc nhiều ý tưởng đã được các nghị sĩ xem xét nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, nếu nỗ lực lần này tiếp tục thất bại, quỹ đạo kinh tế của Mỹ có thể sẽ bị tàn phá. Sau khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19, các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm xuống dưới cả mức tương đối chậm chạp dưới thời Obama và Trump. Khi đó, phát triển cơ sở hạ tầng được cho là sẽ trở thành biện pháp trọng tâm để tăng năng suất lao động.

"Đây là lần đầu tiên tôi thấy một kế hoạch toàn diện thực sự có thể tạo ra thay đổi cơ bản về năng suất lao động Mỹ", Sadek Wahba, người sáng lập công ty đầu tư cơ sở hạ tầng I Squared Capital, nhận xét.

"Thời cơ thực sự đã đến. Nếu bây giờ chúng ta không làm, tôi sẽ vô cùng bi quan về khả năng duy trì năng suất của chúng ta trong thập kỷ tới", Wahba nói thêm.

Ánh Ngọc (Theo AP)

Đảng Cộng hòa phản đối Đảng Cộng hòa phản đối "đến cùng" kế hoạch của Biden
Tổng thống Biden tung kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng trị giá hơn 2.000 tỷ USD Tổng thống Biden tung kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng trị giá hơn 2.000 tỷ USD
Hơn 128 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Biden nói Hơn 128 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Biden nói "chiến thắng còn xa"
/ vnexpress.net