Do khác biệt về thời gian đón năm mới nên những người Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc ở Nhật Bản rất ít khi có cơ hội được hồi hương ăn Tết.
Tết Nguyên đán từ bao đời nay luôn là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Mỗi dịp Tết đến xuân về lại là lúc mỗi người trong chúng ta tạm gác mọi bộn bề lo âu để quay về đoàn tụ và sum họp với gia đình.
Tuy nhiên, do nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, mà biết bao người con tha hương phải rời xa mảnh đất hình chữ S, để rồi chẳng thể có một cái Tết trọn vẹn nơi xứ người, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh như năm nay.
Lo lắng và áp lực giữa dịch bệnh
Nhật Bản đối mặt với sự gia tăng mạnh số nhiễm COVID-19 trong những ngày cuối năm. Ảnh minh họa. |
Những tháng cuối năm 2020 đầu năm 2021, Nhật Bản bất ngờ đối mặt với sự bùng phát dữ dội của dịch bệnh COVID-19. Chính quyền địa phương đã phải kêu gọi người dân "hãy ở nhà" trong thời điểm cuối năm và đầu năm mới, hạn chế di chuyển và không ra ngoài nếu không cần thiết.
Bạn Nguyễn Huyền Trang, 26 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại Tokyo, cho biết nhịp sống nơi đây dường như không có quá nhiều thay đổi.
"Người dân địa phương tỏ ra không quá lo lắng trước tình hình số ca nhiễm tăng, đặc biệt là những người trẻ. Họ vẫn đi làm và ăn uống bên ngoài bình thường. Những người lớn tuổi thì tỏ ra lo lắng, cẩn thận và ít ra bên ngoài hơn", Trang nói.
Trang cho biết thêm rằng bản thân cũng vẫn phải trôi theo nhịp sống của nơi đây dù dịch bệnh đang khá phức tạp. Hằng ngày cô vẫn đến công ty làm việc bình thường, chỉ hạn chế ra ngoài những ngày cuối tuần và dịp lễ đặc biệt.
Chị Vũ Minh Hằng, 32 tuổi, đang sống và làm việc tại thành phố Takasaki, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100m về hướng Bắc, cho biết nơi chị sống số ca nhiễm COVID-19 không cao bằng các khu vực khác, song "căng thẳng và lo lắng" vẫn là cảm xúc chung của mọi người.
"Không giống như những ngành nghề có thể làm việc tại nhà, tôi làm thu ngân siêu thị trong một nhà ga tàu điện và hằng ngày phải tiếp xúc với hàng nghìn người. Dù hiện tại mọi người đã ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy rất lo lắng", chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng cho biết thêm, không chỉ có mối lo về sức khỏe, dịch bệnh còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế người dân và những người lao động nước ngoài như chị.
"Chúng tôi không còn được tăng ca và số giờ làm việc hằng ngày cũng bị giảm bớt. Điều này không chỉ làm giảm thu nhập hàng tháng mà còn ảnh hưởng đến cả mức thưởng tết cuối năm. Thực sự rất áp lực!", chị Hằng thở dài nói.
Nỗi buồn ngày Tết của những người con xa quê
Tuy thuộc nền văn hóa Á Đông nhưng Nhật Bản từ lâu đã chuyển sang đón Năm mới theo lịch dương. Cũng chính điều đó đã khiến những người Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc ở xứ Phú Tàng rất ít khi có cơ hội được hồi hương ăn Tết.
Nhiều năm xa nhà, chị Trang phải quen dần với sự cô đơn. Ảnh: NVCC. |
Chị Trang cho biết vì đã ở Nhật khá lâu rồi nên cũng quen với việc đón Tết xa nhà. "Quen ở đây là quen với sự cô đơn. Trong khi ngày Tết là dịp để quây quần bên người thân, bạn bè thì mình vẫn phải chạy theo guồng quay của công việc nơi xứ người", chị tâm sự.
Để có thể vơi bớt nỗi cô đơn, hằng năm chị Trang vẫn thường cùng những bạn đồng hương ở Tokyo tụ tập ăn Tết và đi dã ngoại cùng nhau. "Năm nay chắc sẽ khác một chút do dịch bệnh, tụi mình vẫn giữ dự định tổ chức ăn Tết ở nhà một người bạn nhưng chắc sẽ chẳng có buổi dã ngoại nào nữa cả ", chị Trang nói.
Cũng giống như chị Trang, chị Hằng mỗi năm cũng đều bị cuốn theo guồng quay của công việc nên rất ít khi có cơ hội về Việt Nam ăn Tết. Năm nay là một năm đặc biệt khi cô gái gần 2 tuổi của vợ chồng chị đã bắt đầu biết nhận thức và khám phá thế giới xung quanh.
Không thể về Việt Nam nhưng chị Hằng vẫn cố gắng giúp con gái có thể cảm nhận được hương vị Tết truyền thống. Ảnh: NVCC |
Sinh ra nơi đất khách quê người đã là một thiệt thòi nên vợ chồng chị Hằng đã lên kế hoạch xin nghỉ phép vào dịp Tết Nguyên đán 2021, để có thể đưa con gái nhỏ về nước đoàn viên với gia đình và họ hàng, cũng như được cảm nhận hơi ấm của quê hương. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến mọi kế hoạch bị đổ bể.
"Do dịch bệnh phức tạp nên mọi chuyến bay thương mại Nhật Bản - Việt Nam đều bị đình chỉ, kế hoạch về quê ăn Tết của gia đình tôi vì thế cũng bị hủy bỏ", tuy nhiên, chị Hằng khẳng định năm nay vẫn sẽ làm một cái Tết đặc biệt ở bên Nhật, để con gái nhỏ của chị có thể khám phá và cảm nhận được nét văn hóa truyền thống lâu đời của quê hương.
"Năm nay chắc chắn vợ chồng tôi sẽ gói bánh chưng. Tôi đã đặt mua lá dong trên mạng rồi. Tận 400.000 đồng 2 bó đấy nhé", chị Hằng hào hứng chia sẻ.
"Trước thềm năm mới, chỉ mong sao dịch bệnh sẽ sớm qua đi, để cuộc sống tại Việt Nam, Nhật Bản và khắp thế giới có thể quay lại trạng thái bình thường, để những người con xa xứ như chúng tôi có thể trở về thăm quê sớm nhất có thể", chị Hằng bộc bạch.
Nỗi niềm của chị có lẽ cũng chính là nỗi niềm của những người con xa xứ trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là những lúc Tết đến, xuân về.
Hoa Vũ
Nỗi kinh hoàng dọn nhà ra bãi rác ngày Tết của người Việt |
Tục tống cựu nghinh tân, hân hoan đón Tết của người Việt |