Nhiều bác sĩ cảm thấy xót xa khi điều trị cho nhiều bạn trẻ có biểu hiện tâm thần do bị ảnh hưởng của những nội dung YouTube độc hại.
Tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, trong vài năm trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận một số ca bệnh nghiện Facebook, YouTube. Những ca bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều khiến bản thân ông lo lắng.
Theo ông, từ khi bùng nổ mạng xã hội, YouTube mới xuất hiện những căn bệnh như vậy, chứ trước kia thì không. Bác sĩ Phương đã và đang chữa trị cho rất nhiều thanh niên, sinh viên nghiện Facebook, YouTube. Trong đó nhiều trường hợp thi trượt hợp đại học rồi chẳng hiểu cãi nhau trên mạng xã hội và đòi lao từ tầng 2 tự tử.
Thông thường những bệnh lý liên quan đến nghiện mạng xã hội, nghiện YouTube rất khó bị phát hiện thời gian đầu. Đến lúc nghiện thì gần như 100% các cháu đều có biểu hiện trầm cảm hết.
Bệnh lý nghiện mạng xã hội, nghiện YouTube hiện nay chưa có thuốc chữa. (Ảnh: V.N) |
Hơn 20 năm công tác trong ngành điều trị tâm thần, trầm cảm…điều khiến tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), cảm thấy ám ảnh nhất đó chính là bi kịch của những đứa trẻ không thể trở lại bình thường.
Từng tiếp xúc và điều trị cho nhiều thanh thiếu niên nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện YouTube, tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu cho rằng, đây thực sự là một tình trạng bệnh lý đáng báo động và có xu hướng gia tăng qua các năm. “Cần dẹp bỏ những kênh YouTube nhảm nhí, dung tục”, bà Thu nhấn mạnh.
Hiện có hai loại nghiện vật chất và nghiện hành vi. Nghiện vật chất có thể hiểu là nghiện các loại chất kích thích như ma túy, thuốc lá, rượu. Nghiện Facebook, YouTube đó là nghiện hành vi.
Những đứa trẻ sau khi trải qua giai đoạn điều trị nghiện điện thoại, mạng xã hội, dù được chữa trị thành công hay không vẫn không thể nào trở lại bình thường như trước và rất dễ bị tái nghiện.
“Nhiều trường hợp khiến tôi cảm thấy vô cùng đau lòng. Có những em trước khi nghiện game, nghiện YouTube là những học sinh vô cùng xuất sắc”, bà Thu nói và bày tỏ, bà ủng hộ việc Nhà nước quản lý chặt các kênh YouTube độc hại, ảnh hưởng đến giới trẻ.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ, ông từng tiếp xúc với hàng trăm ca bệnh như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, tâm thần…liên quan đến nghiện Facebook, nghiện YouTube.
“Nghiện mạng xã hội, nghiện YouTube tàn phá con người ta rất ghê gớm”, ông Dũng nói.
“Tôi kịch liệt lên án những kênh YouTube sản xuất các nội dung có tính chất cổ súy bạo lực, nội dung dung tục, kinh dị. Khi người ta sản xuất những video này họ chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền. Mà cái gì càng lạ thì người ta càng thích thú xem. Càng xem nhiều lại càng kiếm được nhiều tiền.
Có phải là chúng ta đang trả tiền cho chính những người đang làm hại con em chúng ta hay không. Vì thế, nếu được gặp ông giám đốc của YouTube, tôi xin được nói một câu: Ông phải hành động để bảo vệ trẻ em, không thể chạy theo lợi nhuận mãi được”, bác sĩ Dũng nói.
Mới đây ông Dũng cũng điều trị cho một bệnh nhân từ Lai Châu. Cậu bé này học giỏi, đẹp trai nhưng mắc chứng nghiện điện thoại nặng. Hiện gần như bé là không thể làm được việc gì.
Cũng có những bạn trẻ nghiện game, nghiện YouTube sẵn sàng bỏ nhà ra đi hoặc tự tử nếu không được chơi game, dùng điện thoại. Một bạn ở Thường Tín (Hà Nội) đang học đại học nhưng nghiện các nội dung trên YouTube, thường xuyên bỏ nhà ra đi.
Theo ông Dũng trẻ em như tờ giấy trắng và có xu hướng bắt chước những gì chúng nhìn thấy. Đặc biệt những gì càng lạ thì trẻ em bắt chước càng nhanh. Điều này lý giải vì sao những video trên YouTube lại có ảnh hưởng đến trẻ em nhiều như vậy.
Cai nghiện YouTube khó hơn cai nghiện ma túy. (Ảnh: V.N) |
Những năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ngày càng nhiều các ca bệnh điều trị liên quan đến bệnh lý nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, trong đó phần lớn là đối tượng thanh thiếu niên, trẻ em.
Vị bác sĩ khuyên, trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý có biện pháp điều chỉnh những nội dung trên YouTube thì ngay trong các gia đình phụ huynh phải là người nhắc nhở, giám sát con em mình.
Những ca bệnh nặng được chuyển đến đây đều trong giai đoạn nặng. Nhiều phụ huynh không ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh trên. Khi phát hiện ra thì đứa trẻ đã vĩnh viễn không thể trở lại như xưa.
“Cai Facebook, cai YouTube khó hơn cai nghiện ma túy. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn của gia đình, y bác sĩ. Tại Việt Nam chúng ta đang dần dần chấp nhận nghiện Facebook, YouTube như một loại bệnh lý”, ông Dũng nói.
Những cái chết thương tâm do bắt chước YouTube |
Đăng tải các clip có nội dung độc hại sẽ bị xử lý như thế nào? |
Năm 2021, sẽ có công cụ phát hiện video xấu độc trên YouTube |