Nhiều tấm lát bê tông của hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) bị đứt gãy, bong rời, đe dọa kết cấu của thân đập với chiều dài khoảng 700 m.
Ngày 8/12, ông Đặng Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý và khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết, đang đề nghị tỉnh cho chủ trương và kinh phí để sửa chữa những tấm bê tông dưới chân đập bị sụt lún, hư hỏng.
"Về lâu dài, đơn vị sẽ đề nghị trung ương và tỉnh thành lập dự án sửa chữa, nâng cấp mái thượng lưu của đập chính hồ Kẻ Gỗ", ông Bình nói.
Một số đoạn dưới chân đập hồ Kẻ gỗ bị sụt lún, trượt sạt. Ảnh: Đức Hùng
Theo báo cáo của đơn vị khai thác, thời điểm xây dựng, mái thượng lưu đập chính được bảo vệ bằng tấm lát bê tông kích thước 1x1x0,15 m từ cao trình đỉnh +35 m xuống cao trình +17 m. Sau thời gian đưa vào sử dụng, mưa bão đã làm nhiều tấm bị sạt, trượt.
Hiện các tấm lát bê tông cũ ở một số đoạn bị xuống cấp với chiều dài khoảng 700 m. Nhiều tấm đứt gãy bong ra khỏi kết cấu, gây sụt lún ăn vào thân đê chính đe dọa đến kết cấu của các khối bê tông mới được xây dựng và gia cố cách đây hơn 10 năm.
Theo tính toán của nhà chức trách, để khắc phục những hư hỏng của hồ Kẻ Gỗ cần khoảng 70 tỷ đồng, trong khi đó đơn vị vận hành không có khả năng sửa chữa.
Phần thân đập chính của hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Đức Hùng
Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) gồm một đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du...
Công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh này cũng là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam. Từ khi xây dựng năm 1976 tới nay, hồ Kẻ Gỗ trải qua hai lần sửa chữa, vào năm 1990 và 2006.