Nhà quan sát - sử gia Harari đánh giá về chiến tranh và hòa bình trong lịch sử nhân loại cũng như vì sao diễn biến ở Ukraine có thể quyết định hướng đi của lịch sử.
Ông Yval Noah Harari là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới “Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai và 21 bài học cho thế kỷ 21”.
Nhà quan sát này đã có những đánh giá trên trang The Economist về chiến tranh và hòa bình trong lịch sử nhân loại cũng như giải thích vì sao những diễn biến ở Ukraine có thể quyết định hướng đi của lịch sử nhân loại.
Tập trận chung giữa Nga và Belarus ở bãi huấn luyện Gozhsky ở khu Grodno, Belarus ngày 12/2/2022. Ảnh: Reuters |
Chiến tranh là lựa chọn hay là điều không thể tránh khỏi?
Trong trung tâm của cuộc khủng hoảng Ukraine, có một câu hỏi căn bản về bản chất của lịch sử và nhân loại: Đó là sự thay đổi có khả thi hay không? Liệu con người có thể thay đổi cách cư xử của mình hay lịch sử chỉ là sự lặp lại vô tận, với việc con người không thể thoát khỏi những thảm kịch trong quá khứ và không thể làm gì cả ngoại trừ những thay đổi bên ngoài?
Một trường phái tư tưởng đã phủ nhận mạnh mẽ khả năng thay đổi. Quan điểm này cho rằng thế giới là một khu rừng và kẻ mạnh sẽ đứng trên kẻ yếu. Điều duy nhất ngăn cản một quốc gia "nuốt trọn” một quốc gia khác là sử dụng vũ lực. Đây là cách mọi thứ vốn luôn diễn ra và sẽ luôn diễn ra. Những người không tin vào luật rừng không chỉ đang tự lừa dối chính mình mà còn đang khiến bản thân gặp rủi ro. Họ sẽ không tồn tại được lâu.
Một trường phái tư tưởng khác thì lại lập luận rằng, cái gọi là luật rừng ấy không phải là quy luật tự nhiên. Chính con người đã tạo ra nó và con người có thể thay đổi nó. Theo quan điểm này, trái với những nhận thức sai lầm thường thấy, bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho một cuộc chiến có tổ chức dường như xuất hiện trong một phát hiện khảo cổ học cách đây chỉ 13.000 năm.
Thậm chí sau thời điểm này, trong nhiều khoảng thời gian, khó tìm thấy những bằng chứng khảo cổ về chiến tranh. Không giống như "trọng lực", chiến tranh không phải một "lực cơ bản" trong tự nhiên. Sự tồn tại và mức độ căng thẳng của nó phụ thuộc vào các nhân tố căn bản như công nghệ, kinh tế và văn hóa. Khi những nhân tố này thay đổi, chiến tranh cũng thay đổi.
Bằng chứng về những sự thay đổi này tồn tại quanh chúng ta. Trong một vài thế hệ qua, vũ khí hạt nhân đã biến chiến tranh giữa các siêu cường có nguy cơ trở thành hành động tự sát tập thể điên rồ, buộc những quốc gia mạnh nhất trên Trái Đất phải tìm kiếm những cách thức ít bạo lực hơn để giải quyết xung đột. Trong khi đó, nếu như chiến tranh giữa các nước lớn, chẳng hạn như Chiến tranh Punic lần thứ hai (kéo dài từ năm 218 đến năm 201 TCN với sự tham gia của các thế lực hùng mạnh ở cả phía tây và phía đông Địa Trung Hải-ND) và Chiến tranh Thế giới lần thứ hai là đặc điểm nổi bật trong lịch sử thì trong 7 thập kỷ qua, không có cuộc chiến trực tiếp nào giữa các siêu cường.
Trong quãng thời gian đó, kinh tế toàn cầu đã chuyển từ nền kinh tế dựa trên vật chất sang nền kinh tế dựa trên tri thức. Nếu như trước đây, nguồn gốc chính của của cải và sự giàu có nằm ở các tài sản vật chất như các mỏ vàng, những cánh đồng lúa mạch hay những giếng dầu thì ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có nằm ở tri thức. Người ta có thể chiếm những giếng dầu bằng vũ lực nhưng không thể giành được tri thức theo cách đó. Vì thế, việc chinh phục lãnh thổ ít mang lại lợi ích hơn.
Cuối cùng, "sự dịch chuyển mảng kiến tạo" cũng diễn ra ở văn hóa toàn cầu. Trong lịch sử, một bộ phận lớn giới tinh hoa - những thủ lĩnh người Hung Nô, người Viking hay giới quý tộc La Mã đã từng nhìn nhận một cách tích cực về chiến tranh. Từ Sargon Đại Đế (người cai trị vùng Lưỡng Hà) tới nhà độc tài người Italy Benito Mussolini đều muốn tìm cách trở nên bất hủ bằng những cuộc chinh phạt. Một bộ phận giới tinh hoa khác, chẳng hạn như Giáo hội Thiên Chúa Giáo, coi chiến tranh là cái ác nhưng không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong một vài thế hệ trở lại đây, lần đầu tiên lịch sử thế giới được lãnh đạo bởi giới tinh hoa vừa coi chiến tranh là cái ác, vừa coi đó là điều có thể tránh khỏi. Thậm chí những nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, cựu Tổng thống Donald Trump, chưa kể tới cựu Thủ tướng Đức Merkel hay Thủ tướng New Zealand Ardern, cũng đều là những chính trị gia rất khác với bạo chúa Hung Nô Attila hay vua của người Goth Alaric.
Những nhà lãnh đạo này thường nắm quyền bằng những kỳ vọng về sự cải cách trong nước thay vì các cuộc chinh phạt nước ngoài. Trong khi đó, những nhân vật vĩ đại trong nghệ thuật và tư tưởng, từ danh họa Pablo Picassso cho tới đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick, trở nên nổi tiếng qua việc miêu tả sự ghê rợn của chiến tranh thay vì tô vẽ những người tạo ra nó.
Kết quả của tất cả những sự thay đổi này là hầu hết các chính phủ đều không còn coi chiến tranh là một công cụ có thể chấp nhận được để thúc đẩy lợi ích của mình nữa và hầu hết các quốc gia đều không còn mặn mà với việc chinh phạt hay sáp nhập lãnh thổ nước láng giềng. Sẽ thật sai lầm khi cho rằng chỉ cần vũ lực là có thể ngăn chặn được Brazil chinh phạt Uruguay hay Tây Ban Nha xâm lấn Ma Rốc.
Có nhiều số liệu thống kê cho thấy sự suy tàn của chiến tranh. Kể từ năm 1945, việc vẽ lại biên giới quốc tế hay một quốc gia hoàn toàn bị xóa sổ khỏi bản đồ bởi một cuộc xâm lược là tương đối hiếm. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều loại xung đột khác, chẳng hạn như nội chiến và những cuộc nổi dậy nhưng thậm chí cả khi tính tất cả các cuộc xung đột thì trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, bạo lực chiến tranh khiến ít người thiệt mạng hơn là tự sát, tai nạn ô tô hay các bệnh liên quan đến béo phì. Thuốc súng trên thực tế, khiến ít người chết hơn là đường.
Hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy lần đầu tiên một số doanh trại được thành lập ở Rechitsa, khu vực Gomel của Belarus. (Ảnh: CNN) |
Các học giả đã tranh luận nhiều lần về các con số thống kê chính xác nhưng việc nhìn nhận vượt ngoài những con số toán học cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc chiến tranh giảm bớt không chỉ là câu chuyện thống kê mà còn là một hiện tượng tâm lý. Đặc điểm quan trọng nhất của việc này là sự thay đổi lớn trong chính ý nghĩa của từ "hòa bình".
Trong suốt chiều dài lịch sử, "hòa bình" từng được hiểu chỉ là "sự vắng mặt của chiến tranh". Năm 1913, khi mọi người nói rằng Pháp và Đức hòa bình thì ý của họ là quân đội Pháp và Đức không đụng độ trực tiếp nhưng mọi người đều biết một cuộc chiến giữa hai nước có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Trong những thập kỷ gần đây, "hòa bình" đã được hiểu là "không có khả năng xảy ra chiến tranh". Ngày nay, nhiều quốc gia khó mà hình dung được việc họ bị xâm lược và chinh phạt bởi các nước láng giềng.
"Nền hòa bình mới" không phải là sự thống kê may rủi. Nó được phản ánh dựa trên những số liệu ngân sách được thống kê rõ ràng. Trong những thập kỷ gần đây, các chính phủ trên thế giới cảm thấy đủ an toàn khi dành trung bình chỉ 6,5% ngân sách cho lực lượng vũ trang, trong khi dành nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội.
Chúng ta có lẽ đã quen thuộc với điều này nhưng đây là một sự mới mẻ đáng kinh ngạc trong lịch sử nhân loại. Trong hàng nghìn năm qua, các hoàng tử, những vị sultan hay các hoàng đế thường dành khoản chi tiêu lớn nhất cho quân sự.
Việc chiến tranh giảm bớt không xuất phát từ một điều kỳ diệu thánh thần hay sự thay đổi trong quy luật tự nhiên. Nó xuất phát từ việc con người đang đưa ra những quyết định tốt hơn. Nó cũng là thành quả lớn nhất về đạo đức và chính trị trong nền văn minh hiện đại. Tuy nhiên, thật không may, chính việc nó xuất phát từ lựa chọn của con người cũng đồng nghĩa với việc nó có thể bị đảo ngược.
Tập trận chiến thuật của lực lượng vũ trang Ukraine ngày 4/2. (Ảnh: Reuters) |
Công nghệ, kinh tế và văn hóa tiếp tục thay đổi. Sự nổi lên của các vũ khí mạng, các nền kinh tế do trí tuệ nhân tạo điều khiển và việc tái quân sự nền văn hóa có thể dẫn đến một kỷ nguyên chiến tranh mới với mức độ tồi tệ hơn bất kỳ điều gì chúng ta từng chứng kiến trước đó.
Để hưởng hòa bình, chúng ta cần gần như tất cả mọi người đều đưa ra những lựa chọn tốt. Trái lại, nếu một lựa chọn tồi tệ được đưa ra, dù chỉ một bên thì điều đó có thể dẫn đến chiến tranh.
Đó là lý do tại sao mối đe dọa Nga tấn công Ukraine nên được mỗi người nhìn nhận một cách nghiêm túc bởi điều đó có thể ảnh hưởng đến cảm nhận và cách cư xử của mọi người trên thế giới. Sự quay lại tư duy cũ về chiến tranh có thể dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ chi phí quân sự. Số tiền đáng lẽ nên dành cho các giáo viên, y tá và nhân viên xã hội thì lại phải chi cho xe tăng, tên lửa và các vũ khí mạng.
Sự trở lại đó cũng làm suy yếu hợp tác toàn cầu trên nhiều vấn đề như ngăn chặn biến đổi khí hậu hay điều chỉnh những công nghệ tiềm ẩn nguy hiểm như trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật di truyền. Khi biến đổi khí hậu và cuộc đua trí tuệ nhân tạo tăng tốc, mối đe dọa về một cuộc xung đột vũ trang sẽ chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ và giam hãm chúng ta trong một vòng luẩn quẩn có thể dẫn tới sự diệt vong của nhân loại.
Hướng đi của lịch sử
Nếu tin rằng sự thay đổi của lịch sử là điều bất khả thi thì nhân loại đã không bao giờ và sẽ không bao giờ có thể rời khỏi thế giới của luật rừng, nơi là lựa chọn duy nhất là vào vai con mồi hay kẻ săn mồi.
Với lựa chọn như vậy, hầu hết các lãnh đạo đều muốn đi vào lịch sử như những kẻ săn mồi mạnh nhất và viết tiếp tên họ vào danh sách những kẻ chinh phạt.
Vậy, sự thay đổi có khả thi hay không? Liệu luật rừng có phải là một lựa chọn hay là một điều không thể tránh khỏi? Nếu như vậy, bất kỳ lãnh đạo nào, những người lựa chọn chinh phạt nước láng giềng, sẽ có một vị trí đặc biệt trong lịch sử nhân loại như một người phá hủy những thành tựu lớn nhất của chúng ta. Người đó sẽ đưa chúng ta trở về thế giới của luật rừng khi mà chúng ta nghĩ rằng mình đã thoát khỏi đó.
Nhà quan sát Yval Noah Harari, đồng thời là một nhà lịch sử, giảng viên tại Đại học Hebrew Jerusalem đánh giá: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở Ukraine. Nhưng là một sử gia, tôi tin vào khả năng thay đổi. Tôi cho rằng đây không phải là một suy nghĩ ngây thơ mà là chủ nghĩa hiện thực. Hằng số duy nhất trong lịch sử nhân loại chính là sự thay đổi. Mọi cái cũ đều từng là cái mới. Điều đó phụ thuộc vào lựa chọn của con người".
KIỀU ANH
Giới siêu giàu Ukraine kéo nhau ra nước ngoài trước nguy cơ xung đột |
“Chảo lửa” Ukraine trong thời khắc nguy hiểm |
Mỹ tuyên bố hành động nếu Nga tấn công Ukraine |