Với 184 bệnh nhân được ghi nhận trong ngày 24/5, tổng số ca nhiễm trong nước ở đợt dịch thứ tư đã lên 2.439, riêng Bắc Giang là 1.024 ca, Bắc Ninh 505.
Sau 28 ngày bùng phát, tổng số ca nhiễm của đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay cao gấp 2,85 lần so với tổng số ca nhiễm của đợt dịch từ ngày 28/1 (liên quan Hải Dương, Quảng Ninh). Đợt dịch này lan ra 30 tỉnh thành và chưa có dấu hiệu dừng lại khi hôm nay là ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm tăng trên đà ba con số.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, người dân cả nước hỗ trợ, chia sẻ với Bắc Ninh và Bắc Giang, giúp hai tỉnh đối phó với dịch hiệu quả. Đây là hai điểm nóng trong đợt dịch thứ tư.
"Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch tốt sẽ góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước. Do đó, chúng tôi mong các địa phương trong cả nước hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang để có những hỗ trợ hết sức thiết thực đến nhân dân và người lao động", ông Long nói khi cùng các doanh nghiệp, tổ chức trao tặng tiền, nhu yếu phẩm ở 2 địa phương này, ngày 24/5.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), tháng 5/2021. Ảnh: Hoàng Phong. |
Bắc Giang, Bắc Ninh hiện là hai địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất. Dịch tấn công vào các khu công nghiệp khiến số lượng ca nhiễm tăng nhanh, khó kiểm soát. Ông Long dự báo, thời gian tới hai tỉnh này tiếp tục ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng. Đến nay, Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người. Bắc Giang phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân và nhiều người dân khác cũng đang phải sinh sống trong vùng cách ly, phong tỏa.
Ngày 24/5, Bộ Y tế cũng ghi nhận hai người tử vong do Covid-19. Trong đó, một trường hợp là nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang không có bệnh lý nền và không nằm trong danh sách bệnh nhân được đánh giá là "rất nặng" và "tiên lượng tử vong". Người còn lại là nam, 50 tuổi ở Hải Dương có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm. Như vậy, tổng số tử vong do Covid-19 trong đợt dịch thứ tư là 9 và kể từ đầu dịch đến nay là 44.
Hôm qua, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc, không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19. Thay vào đó, các đơn vị, địa phương chỉ công bố, khuyến cáo những điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi có người dương tính Covid-19), để người dân từng đến đây thực hiện ngay biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh.
"Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh, không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ...) của bệnh nhân mắc Covid-19", Bộ Y tế nêu rõ.
Tại TP HCM, sau khi liên tiếp ghi nhận 6 ca nhiễm trong cộng đồng hôm nay Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu từ ngày 25/5, người đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan phải thành lập một Tổ Covid-19 để kiểm soát khách ra, vào.
Thành phố cũng yêu cầu hạn chế tối đa người thăm nuôi bệnh, nhân viên y tế, bệnh nhân, người thăm nuôi phải cài đặt phần mềm Bluezone nếu có điện thoại thông minh để theo dõi lịch trình. Ban quản lý các khu công nghiệp nghiên cứu điều chỉnh giờ làm việc của các doanh nghiệp theo hướng giãn cách các ca làm việc, giảm mật độ tụ tập đông người vào buổi sáng, giờ tan ca.
Trong khi đó, Hà Nội mấy ngày gần đây đã phát sinh thêm 4 chùm ca bệnh mới trên địa bàn. Trong đó có chùm ca bệnh tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Park 11 Times City. Hôm nay, Thủ đô đã phải phong toả 4 tòa nhà với tổng số 1.909 hộ và 5.752 cư dân ở khu đô thị Goldmark City bị cách ly tạm thời vì một ca nghi nhiễm nCoV từng tham gia hỗ trợ tổ bầu cử ở đây.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn sân tòa nhà R4A, khu đô thị Goldmark City sáng 24/5. Ảnh: T.N. |
Để phòng dịch lây lan, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chữ Xuân Dũng đã yêu cầu tất cả người dân đến, về Hà Nội phải khai báo y tế online phục vụ việc giám sát và truy vết khi cần, từ ngày 25/5. Các trường hợp đến, về Hà Nội từ 10/5 đến 24/5 cũng phải khai báo y tế và hoàn thành trước ngày 25/5.
Liên quan vấn đề vaccine, tại cuộc họp chiều 24/5 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện bằng được chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả hơn. Ông lưu ý Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, sản xuất vaccine. Bộ Tài chính thiết kế cơ chế, chính sách khuyến khích việc này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.
Hữu Công
Thêm 96 ca COVID-19 mới, Bắc Giang 44 trường hợp
Chiều 24/5, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 96 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 1 ca được cách ly ... |
Thêm 33 ca Covid-19, chủ yếu ở Bắc Giang
Bộ Y tế trưa 24/5 ghi nhận 33 ca dương tính nCoV trong nước, gồm tại Bắc Giang 28, Hải Dương 4 và Đà Nẵng ... |
Bắc Giang tìm người đi các chuyến xe chở công nhân Công ty Samsung
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bắc Giang tìm người đi các chuyến xe chở công nhân Công ty Samsung Electronics Việt Nam liên ... |