Quy hoạch sân bay Nội Bài lên công suất 100 triệu khách/năm, đảm bảo hạn chế tối đa việc mở rộng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Thủ đô Hà Nội..
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau khi thị trực tiếp đi kiểm tra việc thi công đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài cũng như thị sát toàn bộ khu vực cảng và nghe báo cáo về việc điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không này giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc thi công dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và nghe báo cáo về điều chỉnh quy hoạch sân bay này. |
Ngay tại công trường thi công đường cất hạ cánh, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn hoạt động bay trong điều kiện vừa thi công, vừa phải đảm bảo khai thác.
Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Vấn đề an toàn cho khai thác hàng không vô cùng quan trọng. Bộ GTVT cần chỉ đạo Ban QLDA, các nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng tốt, tiến độ nhanh, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác.
“Tuyệt đối không chủ quan. Đây là một dự án khó nhưng Ban QLDA, nhà thầu thi công, giám sát đã tổ chức thi công rất tốt, rất bài bản, khoa học”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Việc sửa chữa sân bay Nội Bài đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. |
Đặc biệt, cần tập trung điều phối hoạt động bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như hạn chế tối đã ảnh hưởng của việc thi công cải tạo nâng cấp đến đến hoạt động khai thác của hãng hàng không.
Cũng theo Phó Thủ tướng, cảng HKQT Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, những năm qua, chất lượng hạ tầng của Nội Bài đã đi xuống, đặc biệt là đường cất hạ cánh xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an ninh, an toàn, cần phải nhanh chóng được đầu tư nâng cấp.
Sân bay Nội Bài sẽ có 3 đường băng, công suất 100 triệu khách/năm
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lấy số liệu báo cáo của Bộ GTVT cho biết, năm 2019, Nội Bài đã đón tới 29 triệu hành khách, vượt công suất thiết kế 4 triệu lượt. Tình trạng quá tải sẽ càng trở nên trầm trọng hơn từ những năm 2023 trở đi. Trong khi đó thời gian qua, việc đầu tư, nâng cấp sân bay này còn chắp vá, chưa có nghiên cứu tổng thể, khoa học và thực tiễn.
“Để nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo phát triển hệ thống cảng hàng không Việt Nam nói chung và Cảng HKQT Nội Bài nói riêng có thể phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Nội Bài 1 cách khoa học, tổng thể, chiến lược”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ GTVT đã tập trung tổ chức nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, đến nay đã chọn được phương án phát triển Cảng HKQT Nội Bài đảm bảo quy mô 100 triệu khách vào 2050 và 60 triệu khách vào năm 2030).
“Quy hoạch Nội Bài công suất 100 triệu khách/năm, đảm bảo hạn chế tối đa việc mở rộng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Thủ đô Hà Nội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo đại diện Bộ GTVT, hiện nay tư vấn ADPi (Cộng hòa Pháp) đã hoàn thiện phương án quy hoạch gồm 4 đường cất hạ cánh, phía Bắc 2 đường, phía Nam 2 đường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường dự án. |
Cụ thể, theo nghiên cứu của Tư vấn, nhà ga hành khách (cả quốc tế và nội địa) của Nội Bài đều trong tình trạng vượt công suất thiết kế. Nhà ga hàng hóa hiện đã bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
“Dự báo đến năm 2025, sân bay Nội Bài sẽ thông 47,2 triệu hành khách, 1,2 tấn hàng hóa. Con số này vào năm 2030 là 63,1 triệu hành khách, 2 triệu tấn hàng hóa”, ông Nguyễn Bách Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay.
Căn cứ trên chỉ tiêu quy hoạch sân bay cấp 4F, khai thác các loại máy bay lớn nhất hiện nay như Boing B777-X, B747-8, B777-300ER và A380, quy mô đến năm 2030 đạt 63 triệu hk/năm và 2 triệu tấn hàng hoá/năm; đến năm 2050 đạt 100 triệu hk/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm, tư vấn đã đưa ra cấu hình khai thác cụ thể cho từng giai đoạn.
Theo đó, đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất hạ cánh, trong đó giữ nguyên 2 đường hiện hữu phía Bắc và xây dựng mới 1 đường cất hạ cánh phía Nam cách đường cất hạ cánh 1B hiện hữu 2.200m. Hệ thống đường lăn, sân đỗ được xây dựng đồng bộ với đường cất hạ cánh và nhà ga. Giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó mở rộng T2 + T1 đạt công suất 30 - 40 triệu khách/năm và xây dựng mới T3 phía Nam công suất 30 triệu khách/năm.
Sau khi đường băng 1B hoàn thành sửa chữa vào cuối năm nay, đơn vị thi công tiếp tục sửa chữa đường băng 1A đến cuối 2021. |
Giai đoạn đến năm 2050, sân bay sẽ có 4 đường cất hạ cánh, trong đó xây dựng mới 1 đường cất hạ cánh phía Bắc và 1 đường CHC phía Nam (tạo thành cặp đường cất hạ cánh). Đường cất hạ cánh C 1B được sử dụng làm đường lăn trên sân đỗ. Hệ thống đường lăn, sân đỗ được xây dựng đồng bộ với đường cất hạ cánh và nhà ga.
Thời điểm này, sân bay Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách, trong đó phá bỏ nhà ga T1 để xây dựng mới T4 công suất 25 triệu hành khách/năm và xây dựng mới nhà ga T5 phía Nam công suất 25 triệu hành khách /năm khi có nhu cầu.
Tiến độ nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài đảm bảo
Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 1A và 1B; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các đường lăn nối; xây dựng các công trình phục vụ bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ tại Nội Bài có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng.
Sân bay Nội Bài hiện đang bị quá tải, các đường cất hạ cánh bị xuống cấp nghiêm trọng. |
“Đến nay, nhà thầu đã huy động hơn 130 đầu xe máy, thiết bị, tổ chức 16 mũi thi công, trong đó trên công trường đang bố trí 8 mũi thi công đổ bê tông xi măng, các mũi còn lại tiến hành thi công đường công vụ, gia công cốt thép, ván khuôn… Hiện tại, đã hoàn thành 100% khối lượng thi công đường lăn tránh S7B, đang chờ đủ thời gian để nghiệm thu đưa vào sử dụng, dự kiến 15/9/2020; Đang triển khai thi công đường công vụ, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/8/2020. Đường CHC 1B và các đường lăn nối (đã triển khai thi công từ 10/8/2020): Sửa chữa các tấm bê tông hư hỏng (đoạn 3000m trên đường CHC) dự kiến hoàn thành 30/8/2020”, ông Roãn cho hay.
Về khó khăn vướng mắc, theo ông Roãn, do dự án thực hiện trong khu vực vừa khai thác bay vừa thi công nên an toàn hàng không là ưu tiên cao nhất. Theo như tính toán năng lực vận chuyển vữa bê tông xi măng vào khu vực thi công thì với thời gian bố trí từ 0h30 đến 5h30 giờ là rất hạn chế, khó đáp ứng được công tác thi công và chưa có thời gian để thực hiện các công tác khác như vận chuyển phế thải ra ngoài khu vực thi công, vận chuyển vận liệu cát đắp, đất đắp, cấp phối đá dăm và bê tông nhựa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan ưu tiên hỗ trợ vốn cho dự án giao thông cấp bách sửa chữa đường băng của 2 sân bay lớn nhất cả nước (Nội Bài và Tân Sơn Nhất) để sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân và doanh nghiệp./.
Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài |
Sân bay Nội Bài dừng phát thanh các chuyến bay từ 30/7 để giảm tiếng ồn |
Toàn cảnh "đại công trường" cải tạo đường băng sân bay Quốc tế Nội Bài |