Trước băn khoăn của nhiều người về việc cúng trái cây gì, thực phẩm gì ngày rằm tháng bảy, Đại đức Thích Minh Quang khuyên "mua gì cúng đó, thèm gì cúng nấy".
Sắm lễ gì để cúng rằm tháng bảy là băn khoăn của nhiều gia đình, cùng với đó là những tranh luận về việc đốt quần áo, vàng mã cho ông bà tổ tiên sao cho họ kịp “nhận” và “mặc” trước khi đóng cửa ngục.
Nói về vấn đề này, Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) chia sẻ “công thức” 6 yếu tố một ban thờ cần có, không chỉ lễ rằm tháng bảy mà cả trong các ngày rằm, mùng một hay lễ tết khác, đó là: Nhang – đăng – quả - thực – nước – hoa.
“Về nhang, chúng ta chỉ nên thắp 3 cây nhang. Nếu ở chùa, chúng ta cần hiểu theo nghĩa khác, nhưng tại gia thì quý vị có thể hiểu: Một cây nhang là thắp cho tổ tiên, các cụ các ông bà đã mất trong quá khứ. Một cây nhang là cầu cho hiện tại được khỏe mạnh, bình an. Cây còn lại là cầu cho tương lai con cháu được duy trì và tiếp nối. Vậy đó là quá khứ - hiện tại và vị lai”, Đại đức nói.
Về đăng – trên ban thờ nên có một đôi đèn dầu, thể hiện cho ánh sáng của trí tuệ Phật, của chúng sinh và ánh sáng của đời xưa tiên tổ được tiếp nối đến đời mình.
Theo thầy Thích Minh Quang, loại quả nào cũng có thể cúng rằm. (Ảnh: Internet) |
Về các loại quả để thờ cúng, Đại đức nói hóm hỉnh: “Mọi người thường bảo quả này quả kia không được thờ vì tên của nó không may mắn. Nhưng thực tế cá nhân thầy cho rằng chỉ có 3 loại quả không được thờ - là bom, mìn, lựu đạn. Còn quả nào cũng thờ được cả. Do anh thèm gì thì anh cúng nấy. Anh thèm chuối thì anh cúng chuối, thèm đu đủ cúng đu đủ... Cúng gì là do sự thèm, sự thích của anh, chứ có bao giờ mình hỏi các cụ ăn gì để mình mua đâu?
Hôm nay mua cân táo về cúng, nhỡ trẻ con trong nhà không biết, lỡ lấy một vài quả ăn mất thì sao? Nhiều người bảo không cúng được vì không thanh tịnh. Nhưng ai biết đâu bao nhiêu quả táo ngon, bà bán táo đã nếm trước từ sáng rồi, nên không thể nói là không thanh tịnh. Chẳng lẽ chuối lại cúng cả buồng? Mình cúng là tâm thanh tịnh hơn tướng thanh tịnh, nên cân táo kia vẫn đặt lên cúng được”.
"Thực" được hiểu là là cơm canh cần bày cúng. Tuy nhiên với góc nhìn của mình, Đại đức Minh Quang khuyên nên hiểu thực ở đây còn là thực thà. Cả câu nói của dân gian “Có thực mới vực được đạo” cũng nên hiểu theo nghĩa "tâm thật thà thì mới tải được đạo, lớp nghĩa thứ hai mới là đồ ăn uống, là cơm canh bánh trái.
Vậy chúng ta nên cúng những món gì?
“Cá nhân thầy khuyên rằng chúng ta mua gì cúng đó, cúng xong sẽ thụ lộc. Nhưng ít nhất cần có một hộp bánh và chai nước. Ngày rằm, mùng một chúng ta mua thêm hoa quả, xôi chè cúng nhưng khi hạ lộc xuống thì hộp bánh và chai nước cần giữ nguyên cho đến lần lễ tiếp theo để trên ban thờ luôn có đồ lễ lưu lại, hoặc khi con cháu đến chơi thì có thể hạ lộc của các cụ xuống cho con cháu ăn. Sau đó ta lại mua một hộp bánh khác đặt lên, thắp nén nhang mới dâng cúng các cụ. Có lễ lưu như vậy sẽ ấm cúng ban thờ hơn" - Đại đức Thích Minh Quang nói.
Về nước, Đại đức khuyên nên có hai chai, hoặc hai chóe nước nhỏ trên ban thờ để cho thanh tịnh, mát mẻ. Về hoa, hoa nào cúng cũng được, và không hoa nào bằng hoa của việc sống thiện, sống tốt, sống từ bi và giúp người.
5 quán chay cho ngày rằm tháng bảy ở Sài Gòn |
Đĩa hoa ngày rằm tiền triệu, dân Hà thành kính ông bà mùi hương cổ tích |
Bài cúng Rằm tháng Bảy theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam |