Sách giáo khoa, từ điển sai chính tả: Khi “khuôn vàng, thước ngọc” không còn chuẩn mực

Sách giáo khoa (SGK), từ điển lâu nay vẫn luôn được coi là chuẩn mực, là “khuôn vàng thước ngọc” để soi chiếu thì nay lại sai sót đến mức khó chấp nhận. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những lỗi sai đến mức sơ đẳng được chỉ ra, nhưng tại sao vẫn không rút kinh nghiệm? Các chuyên gia đã đặt vấn đề về những quy trình lỏng lẻo trong biên tập, thẩm định và xuất bản.

Nhiều lỗi sai khó chấp nhận

Gần đây, liên tiếp các vụ việc lỗi sai trong SGK, trong từ điển khiến dư luận lo ngại. Có thể kể đến việc viết sai tên vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn thành “Lí Thái Tổ”, “Lí Công Uẩn” trong SGK Ngữ văn 8, hay trong SGK Ngữ văn 9 lại nhầm văn bản thành đoạn văn, SGK Ngữ văn 12 đã thay đổi giới tính của A Phủ…

Mới đây nhất, cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương, NXB ĐHQG Hà Nội - 2017) cũng gây tranh cãi về nhiều từ đưa ra được cho là rất khó chấp nhận, thậm chí các chuyên gia đánh giá là nhầm đến khó tin.

Chuyên gia Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra hàng loạt sự nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D... Nội dung sách cũng nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả...

Một số khi sai một số từ vốn rất quen thuộc như: “TÁNG: táng gia bại sản”, “XẺ: xẻ cơm nhường áo”, “XỈ: xỉ mắng; xỉ nhục”, “REO: reo rắc”, “TRỪU: trừu mến”, “BÁNH: bánh dày”, “DẤU: dấu diếm”, “SỬ: xét sử”…

Là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học, PGS-TS Hoàng Dũng - Trường Đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng, các lỗi sai trong SGK hay cách dạy trong nhà trường hiện nay cơ bản còn một số sai sót nhỏ nhưng có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo ông Dũng đã có quá nhiều cuốn từ điển chính tả nhưng lại sai chính tả đến mức tệ hại. “Có nhiều cuốn từ điển sai quá trầm trọng như “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương, Nhà xuất bản (NXB) ĐHQG Hà Nội - 2017) hay trước đây là “Từ điển tiếng Việt” (tác giả Vũ Chất)… Sở dĩ dư luận cảm thấy bất bình là do xuất bản từ điển phải có độ chuẩn xác rất cao” - ông Dũng bày tỏ.

Vị chuyên gia ngôn ngữ này nhấn mạnh đến trách nhiệm của NXB nếu để sai sót nghiêm trọng, đặc biệt là với những tên tuổi có uy tín. Ông cũng thẳng thắn đặt dấu hỏi về quy trình biên tập, thẩm định và xuất bản.

“Tôi cho rằng khâu biên tập rất có vấn đề, chỉ cần một người biên tập bình thường chứ chưa cần giỏi đọc qua là đã thấy nội dung sai sót. Sau sai sót trong cuốn Từ điển tiếng Việt (tác giả Vũ Chất) được chỉ ra năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu quá trình xuất bản các loại từ điển cần có sự thẩm định nội dung của các hội đồng khoa học chuyên ngành. Do đó, tôi rất ngạc nhiên về những sai sót này và cho rằng cần thiết phải xem lại quy trình xuất bản đã thực hiện đúng theo quy định hay chưa. Nếu có hội đồng khoa học chuyên ngành thì tại sao lại sai như vậy?” - ông Dũng chia sẻ với Lao Động.

sach giao khoa tu dien sai chinh ta khi khuon vang thuoc ngoc khong con chuan muc
Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” đang gây tranh cãi. Ảnh: Tuệ Nhi

Cần thu hồi những tác phẩm kém chất lượng

Nêu về cách xử lý, PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì xã hội cần phản ứng, tẩy chay với các tác phẩm kém chất lượng. Những việc làm như vậy sẽ giúp cho việc xuất bản sách, chất lượng ngày càng tốt hơn, thanh lọc bớt những tác phẩm quá kém.

Đồng quan điểm, ông Thái Trường Giang - ĐBQH khoá XIV - nhấn mạnh: “Bất cứ một công trình nào cũng khó tránh khỏi sai sót nhất định trong quá trình biên tập nhưng sai ít hoặc lỗi rất nhỏ có thể chấp nhận được. Nhưng một cuốn từ điển chính tả mà sai quá nhiều lỗi là không thể chấp nhận được. Đã gọi là từ điển thì phải chuẩn mực để mọi người học theo, tham khảo”.

Ông Giang đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các NXB khi kiểm duyệt các nội dung trước khi ra sách.

“Tôi kiến nghị phải thu hồi để khắc phục những lỗi sai trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt nói riêng và những cuốn sách có lỗi sai nghiêm trọng nói chung. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của biên tập, chủ biên, nhà xuất bản”.

Vị ĐBQH cũng thẳng thắn đề nghị các tác giả có lỗi sai nghiêm túc tiếp thu góp ý về tác phẩm, có những lỗi không thể “cãi” được nhưng thái độ tiếp thu không chân thành, tìm mọi cách cãi bất chấp lập luận khiên cưỡng.

Về vấn đề SGK có sai sót, Bộ GDĐT đã đề nghị NXB có hướng khắc phục phù hợp. Đồng thời, bộ yêu cầu các NXB, ban biên tập, chương trình giáo dục phổ thông cần đối chiếu, xem xét vấn đề toàn diện, phải hết sức thận trọng, chuẩn mực, thuyết phục trong biên soạn SGK và các tài liệu học tập.

HUYÊN NGUYỄN

sach giao khoa tu dien sai chinh ta khi khuon vang thuoc ngoc khong con chuan muc Bộ GD-ĐT yêu cầu giải trình lỗi sai chính tả trong sách Ngữ văn lớp 8

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định việc viết các tên các vị vua thời Lý thành “Lí” trong SGK Ngữ văn lớp 8 của NXB ...

sach giao khoa tu dien sai chinh ta khi khuon vang thuoc ngoc khong con chuan muc GS Nguyễn Minh Thuyết: Có những chỉ đạo ngầm về chọn sách tham khảo

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rất khó tránh việc có những chỉ đạo ngầm, chỉ đạo miệng khi chọn SGK. Để minh bạch, nội ...

/ laodong.vn