Nga cắt quan hệ với NATO, cho đóng cửa văn phòng đại diện tại Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương ở Brussels và văn phòng của NATO tại Moscow. Theo Tổng thư ký NATO, quan hệ giữa Nga và liên minh này đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tại cuộc họp khai mạc ngày 21-10 tại tổng hành dinh NATO ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua một kế hoạch tổng thể mới nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận, qua đó khẳng định trở lại rằng đối tượng chủ chốt của NATO vẫn là Nga, cho dù liên minh này đang ngày càng chú ý đến Trung Quốc.
Theo AFP, chiến lược mới của NATO có mục tiêu dự phòng cách chống lại mọi cuộc tấn công đồng thời ở vùng Baltic và Biển Đen, những cuộc tấn công có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng và tấn công từ không gian. Các nhà ngoại giao thuộc khối NATO cho rằng chiến lược mới mang tên chính thức là “Khái niệm răn đe và phòng thủ ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương” và kế hoạch triển khai chiến lược này đã trở thành cần thiết trong bối cảnh Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức - bà Annegret Kramp-Karrenbauer thì kế hoạch tổng thể của NATO là “một cách để răn đe”. Phát biểu trên một đài phát thanh Đức, bà cho biết là kế hoạch đó cũng đã được điều chỉnh để thích ứng với các hành vi gần đây của Nga như vi phạm không phận các nước Baltic và tăng cường các hoạt động thâm nhập Biển Đen. Còn theo một quan chức Mỹ, sau khi kế hoạch tổng thể được thông qua, các kế hoạch khu vực sẽ được cụ thể hóa từ nay đến hết năm 2022, cho phép NATO quyết định bổ sung thêm loại vũ khí nào và bố trí lực lượng của mình ra sao. Trước mắt, theo AFP, các quan chức NATO vẫn trấn an rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sắp sửa tấn công.
Hồi đầu tuần này, Moscow thông báo đình chỉ nhiệm vụ đại diện của mình tại NATO và chấm dứt các hoạt động của cơ quan liên lạc quân sự và văn phòng thông tin của NATO tại Nga. Các quyết định này được công bố nhằm phản ứng trước việc 8 thành viên của phái bộ Nga tại NATO đã bị rút giấy phép hoạt động vì bị tình nghi làm gián điệp. Quyết định ngày 6-10 của NATO cũng ấn định duy trì chỉ 10 nhân viên trong phái bộ của Nga bên cạnh NATO tại trụ sở ở Brussels. Phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO, Tổng Thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg tuyên bố: “Quan hệ của chúng tôi đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và tình trạng này là do Nga”. Theo ông, Moscow “đã chiếm giữ lãnh thổ của các nước láng giềng, can thiệp vào các tiến trình dân chủ và hành động gây hấn chống lại các thành viên NATO”. Dù vậy, ông Stoltenberg vẫn muốn nối lại liên lạc với Moscow bất cứ lúc nào, đồng thời nhắc lại rằng tổ chức này ngoài Hội đồng Nga-NATO còn có các kênh liên lạc khác với phía Nga, bao gồm cả quân đội. “Ở một số giai đoạn, Nga sẽ phải nhận ra rằng thế giới sẽ an toàn hơn nếu chúng ta bắt đầu một cuộc đối thoại mang tính xây dựng”, ông Stoltenberg nói.
Về phần mình, Moscow phủ nhận mọi ý định gây hấn và ngược lại đã đổ lỗi cho NATO là phía có nguy cơ gây bất ổn định cho châu Âu khi chuẩn bị các kịch bản chiến tranh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, NATO đang tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự và các chuyến bay chiến thuật và trinh sát trong vùng lân cận biên giới Nga. Các mối đe dọa từ các nước phương Tây buộc Nga và Belarus phải áp dụng một học thuyết quân sự mới.
Phát biểu tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Liên minh Nga và Belarus, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã báo cáo về các hoạt động của NATO ở khu vực lân cận biên giới của Liên minh. Ông mô tả tình hình quân sự-chính trị ở vùng biên giới là phức tạp. “Sự hiện diện của NATO gần biên giới của Liên minh đang được tăng cường. NATO đang cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, kho vũ khí, vật liệu chiến tranh và nguồn nguyên liệu. Việc tái triển khai quân đang được thực hiện”, Bộ trưởng Nga cho biết.
Ông Shoigu nhắc lại rằng Mỹ đã chuyển giao cho Ba Lan và các nước Baltic một lữ đoàn thiết giáp và 4 tiểu đoàn chiến thuật đa quốc gia. Các sư đoàn NATO đã được hình thành ở Romania, Ba Lan và Latvia. Theo ước tính của ông, quân đội NATO ở gần biên giới của Liên minh Nga-Belarus đã tăng từ 25.000 lên 40.000 binh sĩ. Ông nói thêm rằng, số lượng các chuyến bay trinh sát và chiến thuật của lực lượng NATO tại các khu vực giáp biên giới với Nga đã tăng 30%.
Ông lưu ý, việc tăng cường các cuộc tập trận được tổ chức ở khu vực này dưới sự bảo trợ của NATO. “Mỗi năm có hơn 30 cuộc tập trận được tổ chức gần biên giới phía Tây của Liên minh Nga và Belarus. Kịch bản của họ là một cuộc đối đầu vũ trang với Nga. Các cuộc tập trận này ngày càng có sự tham gia của các nước không phải thành viên của NATO: Gruzia, Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan. Ông Shoigu tuyên bố rằng các cuộc tập trận này đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên lãnh thổ của các nước Baltic và Ba Lan, cũng như ở Biển Baltic. Ông nói rõ, hành vi này của NATO đã thúc đẩy Liên minh Nga và Belarus áp dụng một học thuyết quân sự mới, sẽ sớm được thông qua. Ông Sergey Shoigu cũng cho biết Bộ Quốc phòng hai nước đã xem xét các hoạt động chung của họ từ năm 2019 đến năm 2021 và đã thông qua một kế hoạch hành động để đảm bảo an ninh quân sự cho giai đoạn đến năm 2024. Ông tuyên bố: “Sự kiện quan trọng nhất được dự báo trong kế hoạch này là cuộc tập trận Lá chắn Liên minh sẽ diễn ra vào năm 2023”.
Quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi nhiều từ sau vụ sáp nhập Bán đảo Crimea cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine. Từ đó đến nay, quan hệ hai bên được đánh dấu bằng hàng loạt trừng phạt, trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và tố cáo nhau can thiệp nội bộ, bầu cử. Và, bây giờ Nga quyết định cắt cầu nối với NATO, vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới một loạt nước Đông Âu cùng những nước bên bờ Biển Đen. Những diễn biến trên cho thấy bầu không khí của cuộc Chiến tranh Lạnh có vẻ như lại đang manh nha trở lại giữa Nga và phương Tây.
Mộc Thạch
Nga: Không thể ngăn Ukraine gia nhập NATO nhưng sẽ tìm cách giảm hậu quả |
Lên kế hoạch ngăn chặn mối đe dọa từ Nga, NATO đang lo sợ điều gì? |
Nga đóng cửa phái bộ tại NATO |