Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7.2020, đã tác động mạnh đến ngành hàng không. Trước tình cảnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Mở lại đường bay vực dậy nền kinh tế
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã khiến hoạt động của ngành Hàng không thiệt hại nặng nề. Các hãng đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% đến 70% so cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác để giãn nợ, giảm lãi vay; chuyển nhượng tài sản, bán bớt tàu bay; giảm lương nhân viên, giảm giá vé... Nhưng do tác động quá lớn của đại dịch, các hãng bay đều bị suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Theo ước tính, năm 2020, các hãng Hàng không Việt Nam thiệt hại lên tới trên 4 tỉ USD.
Trước thực trạng trên, bên cạnh các đề xuất giải pháp hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế phí, Hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19 để sớm khởi động lại thị trường. Cùng với đó, cần nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Việc mở lại đường bay quốc tế để tiếp sức cho ngành Hàng không và du lịch, góp phần vực dậy nền kinh tế, không chỉ có ý nghĩa tích cực về kỳ vọng khôi phục ngành Hàng không, mà còn mang lại doanh thu, tạo dòng tiền cho các hãng trong bối cảnh đang bị suy kiệt hiện nay. Một số nước đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, thống nhất yêu cầu hành khách nhập cảnh phải xét nghiệm và cách ly.
Theo các chuyên gia kinh tế, mở lại đường bay quốc tế trong hoàn cảnh hiện nay là cần thiết, bởi nguyên tắc sống còn đối với bất cứ quốc gia nào là kiểm soát dịch bệnh nhưng luôn đi kèm với khôi phục từng bước hoạt động kinh tế.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không TS Bùi Doãn Nề cho hay, ngành này là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế, tiến bộ và hội nhập quốc tế. Một số nơi có nhu cầu đi lại lớn với Việt Nam đã kiểm soát dịch khá tốt như: Quảng Châu, Tokyo, Seoul. Do đó, từng bước mở cửa hàng không sẽ giúp các hãng duy trì hoạt động, giảm bớt căng thẳng về dòng tiền đang khan hiếm, bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động, từ đó có cơ hội hồi phục, đóng góp vào ngân sách và nền kinh tế nhiều hơn.
Nhiều ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7.2020, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước nên việc nối lại đường bay quốc tế cũng đang bị tạm dừng. Vì vậy, đề xuất của Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng, hiện cục đã xây dựng phương án về vấn đề này và đã báo cáo Bộ GTVT.
Trước đề xuất của Hiệp hội Hàng không Việt Nam, đại diện Vietjet Air cho rằng, những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam là phù hợp bởi những kiến nghị này chính là những vướng mắc mà các hãng hàng không đang gặp phải, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành.
Đại diện Vietjet cũng cho biết, đối với việc mở đường bay quốc tế thường lệ, đã đến lúc Chính phủ cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch. Mở cửa đi với quản lý được các rủi ro liên quan bệnh dịch vì chúng ta đã ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên hàng không càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là sự sống còn đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Do đó, mở lại đường bay quốc tế là mở cửa cho sự phát triển, mở cửa cho hoạt động đầu tư.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Vietnam Airlines lại cho rằng, thời điểm này khó có thể mở lại các chuyến bay quốc tế. Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, sau khi Việt Nam kiểm soát tốt đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, đã có những ưu tiên mở đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Đài Loan... Hãng đã tập trung chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng khi được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, các kế hoạch này sẽ phải tạm dừng lại. Các chuyên gia cho rằng, việc cho mở lại các đường bay quốc tế có nguy cơ nhất định; có thể gây ra ảnh hưởng khó lường. Lợi ích không thể bù đắp được hậu quả gây ra.
Đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã có hướng dẫn về an toàn trong việc vệ sinh nhà ga, lên tàu lên xuống tàu bay và các hoạt động trên chuyến bay… Do đó, cần khẩn trương ban hành quy định, quy trình đối với các chuyến bay thương mại quốc tế; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng hãng, trong đó có y tế, hải quan, hãng hàng không, du lịch.
Những chuyến bay “giải cứu” mở đầu cho các đường bay quốc tế trở lại |
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng mở lại đường bay quốc tế |
Đề xuất nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế trong tháng 7 tới |