Từ một "thất bại hoàn toàn" ban đầu, Pfizer đã đứng lên và trở thành nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới với cam kết ba tỷ liều.
Những thử nghiệm giúp Pfizer nhận thấy vaccine công nghệ mRNA, có thể cung cấp mã di truyền hướng dẫn cơ thể tạo ra protein của virus để từ đó kích thích phản ứng miễn dịch, có hiệu quả với nCoV. Tuy nhiên, vaccine này chỉ thực sự có giá trị khi được đưa từ phòng thí nghiệm đến sản xuất hàng loạt, cung cấp vaccine cho Mỹ và cả thế giới chống Covid-19.
Thử nghiệm sản xuất quy mô lớn đầu tiên được tiến hành tại một nhà máy của Pfizer ở thành phố Kalamazoo, bang Michigan. Đây được xem là "canh bạc" của công ty đối với công nghệ mRNA mới, cũng như chiến lược từ chối viện trợ từ chính phủ.
Tuy nhiên, canh bạc đầu tiên thất bại vào tháng 9 năm ngoái. "Thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi là một thất bại hoàn toàn", Pat McEvoy, giám đốc điều hành của Pfizer tại nhà máy Kalamazoo, nói.
Thất bại đã khiến Pfizer sau đó buộc chấp nhận sự giúp đỡ của chính phủ để tiếp tục theo đuổi tham vọng sản xuất vaccine quy mô thương mại.
Một lọ vaccine Covid-19 của Pfizer tại trung tâm y tế ở Middletown, bang Ohio hồi tháng 1. Ảnh: AP. |
Tổng thống Joe Biden đầu tháng này tuyên bố cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước có thu nhập thấp, bên cạnh kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều đang được triển khai. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng cam kết của Mỹ chỉ như "muối bỏ bể" so với nhu cầu của thế giới.
"Gánh nặng của thế giới đang đặt trên vai chúng tôi. Chúng tôi có khả năng sản xuất cho một giải pháp đối phó đại dịch, nhưng cũng biết rằng chúng tôi chưa làm đủ nhanh", Chaz Calitri, phó chủ tịch của Pfizer tại Mỹ và châu Âu, nói.
Pfizer là một trong ba loại vaccine được cấp phép sử dụng tại Mỹ, bên cạnh Moderna và Johnson & Johnson. Hiệu quả của các loại vaccine này đã được minh chứng khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm mạnh, chỉ bằng 5% so với đỉnh điểm hồi đầu tháng 1, tạo điều kiện cho Mỹ từng bước mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế.
Công ty này dự kiến sẽ sản xuất đủ ba tỷ liều vaccine trong năm nay, gấp đôi mục tiêu ban đầu và đủ giúp 1,5 tỷ người hoàn thành chương trình tiêm chủng. Doanh số vaccine của Pfizer trong năm 2021 dự kiến đạt 26 tỷ USD, khiến đây trở thành loại thuốc bán chạy nhất từ trước đến nay.
Pfizer thậm chí cũng bắt đầu mở rộng nghiên cứu và sản xuất vaccine công nghệ mRNA cho các bệnh khác như cúm mùa, HIV, lao, bệnh dại, sốt rét hay Zika.
Tuy nhiên, bức tranh tươi sáng này của Pfizer chưa được vén màn trước ngày 20/3/2020, khi McEvoy nhận được mail từ sếp của ông, Calitri.
Ba ngày trước đó, Pfizer tuyên bố hợp tác với công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech để phát triển và sản xuất vaccine Covid-19. BioNTech đã xác định sẽ sản xuất vaccine mRNA, nhưng cần một đối tác sản xuất lớn có chuyên môn kỹ thuật và phân phối để sản xuất vaccine với quy mô toàn cầu.
Calitri là một trong những giám đốc điều hành chọn nhà máy Kalamazoo và đội của McEvoy để sản xuất, đóng gói và vận chuyển vaccine.
"Tôi cần xác nhận với anh ngay lúc này. Anh sẽ làm tốt chứ?", Calitri viết cho McEvoy. Câu trả lời ngắn gọn của McEvoy đến ngay sau bảy phút. "100%".
Khi tập hợp đội để thực hiện nhiệm vụ mới, McEvoy hiểu các bước sản xuất chính phải xây dựng từ đầu, bởi họ chưa có máy móc lớn cần cho quá trình trộn hạt nano và lọc thành phẩm.
Tới tháng 7, thời điểm mà Pfizer giành được hợp đồng đầu tiên trị giá 1,95 tỷ USD để bán 100 triệu liều cho Mỹ, McEvoy và các giám đốc khác của Pfizer đã đưa nhóm lãnh đạo dự án phát triển Operation Warp Speed của tổng thống Donald Trump khi đó tham quan nhà máy. Moncef Slaoui, một giám đốc giàu kinh nghiệm được Trump chọn làm cố vấn cho dự án, sau chuyến thăm cho biết ông rất ấn tượng với kế hoạch sản xuất của Pfizer.
Pfizer đã đặt hàng tất cả tủ đông đặc biệt có thể có được từ nhà cung cấp Thermo Fisher và sau đó tiếp tục đặt hàng số lượng lớn hơn. Vì vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C, các công nhân chỉ có 46 tiếng để hoàn thành việc đóng hộp vaccine thành phẩm và chuyển vào kho đông, trước khi bị hỏng.
Tuy nhiên, những vấn đề về hệ thống trộn và lọc trong quá trình sản xuất vaccine mRNA đã dẫn tới thất bại trong thử nghiệm đầu tiên của Pfizer vào tháng 9. Đội của Pfizer đã tìm đủ cách để khắc phục những vấn đề này và thời điểm họ thành công cũng là lúc nhận được tin tích cực từ các thử nghiệm lâm sàng. Pfizer ngày 9/11 cho biết vaccine cho thấy hiệu quả 90% trong việc ngăn Covid-19.
Kết quả thử nghiệm đáng mừng nhưng đã khiến các kỹ sư sản xuất chịu áp lực lớn về việc đảm bảo số lượng cam kết. Pfizer khi đó tiết lộ họ đã phải giảm sản lượng dự kiến trong năm 2020 từ 100 triệu xuống 50 triệu liều. Công ty này cho biết vấn đề không nằm ở nguồn nguyên liệu thô hay vấn đề sản xuất. Họ nói kết quả thử nghiệm đến muộn hơn dự kiến khiến họ không có đủ thời gian để xuất xưởng đủ số liều cam kết.
"Đây là một công việc đầy áp lực và nó thậm chí áp lực hơn khi bắt tay vào làm", Calitri cho hay.
Hai ngày sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Pfizer ngày 11/12, các thùng vaccine trong đợt phân phối 2,9 triệu liều đầu tiên bắt đầu xuất xưởng ở Kalamazoo.
"Các giám đốc cấp cao có mặt khi đó nói rằng 'Pat, chúng ta phải tìm cách tăng sản xuất gấp 4 lần. Chúng tôi cần một câu trả lời vào tuần tới'", McEvoy kể.
Hai ngày sau, giám đốc dự án Melissa French, người có 27 năm làm việc tại nhà máy Kalamazoo, được triệu tập để tham gia dự án. Nhiệm vụ của bà giúp Pfizer tự sản xuất một thành phần hiếm nhưng quan trọng cho quá trình phát triển vaccine là cationic lipid ion hóa, giúp các hạt nano của vaccine có thể hoạt động. French phải lập tức hủy kế hoạch nghỉ Giáng sinh hai tuần bên bốn đứa con.
French dẫn dắt một nhóm 40 người thực hiện mọi công đoạn từ thiết kế và lắp ráp thiết bị trong hơn một tháng. Đến 20/1, họ khởi động quy trình phức tạp nhiều bước để chuẩn bị cho lô sản phẩm đầu tiên.
Tổng thống Joe Biden thăm nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 của Pfizer ở Kalamazoo hồi tháng 2. Ảnh: NYTimes. |
Pfizer từng không nằm "trong vòng quan tâm" của chính phủ Mỹ khi không chấp nhận hỗ trợ từ chính phủ trong quá trình phát triển và sản xuất vaccine. Cho tới tháng 12/2020, khi kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy đây là giải pháp hiệu quả cho đại dịch, chính quyền Trump đã yêu cầu công ty sản xuất thêm 100 triệu liều cho Mỹ, ngoài đơn đặt hàng 100 triệu liều ban đầu.
Tới lúc đó, chính quyền Trump và sau đó là chính quyền Biden đã có thứ mà Pfizer muốn. Nhà Trắng có thể sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để có thể giúp Pfizer tiếp cận nguồn nguyên liệu thô và thiết bị của Mỹ. Ngày 22/12, chính quyền Trump cung cấp danh sách DPA cho Pfizer. Hai ngày sau, Pfizer tuyên bố đồng ý bán cho Mỹ thêm 100 triệu liều vaccine.
"Thực tế là họ cần giúp đó", Slaoui nói, thêm rằng việc các đối thủ cạnh tranh của Pfizer như Moderna có thể sử dụng DPA sẽ khiến công ty này gặp bất lợi. "Các nhà sản xuất có thể tiếp cận các nguyên liệu và thiết bị sẽ gây bất lợi cho Pfizer. Chúng tôi sử dụng DPA để lấy nguồn lipid cho Moderna và túi vô trùng cho X, Y, Z và Pfizer sẽ bị đẩy xuống cuối hàng".
Bảy tuần sau, chính quyền Biden thông báo sử dụng DPA giúp Pfizer mua thêm máy móc sản xuất vaccine. Kỹ sư của Pfizer cho biết sự hỗ trợ này đã giúp họ tăng thêm công suất lọc, cho phép sản xuất được số lượng vaccine lớn hơn.
"Chúng tôi đã tìm thấy đồng minh tuyệt vời từ chính quyền Biden", CEO của Pfizer Albert Bourla nói khi Biden tham quan nhà máy Kalamazoo hôm 19/2.
Sau "phép màu khoa học" để phát triển thành công vaccine mRNA, Biden nói thành công của Pfizer ở Kalamazoo là "phép màu thứ hai" để sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Lý do Singapore được chọn sản xuất vaccine Covid-19 Pfizer |
Mỹ sẽ tặng 500 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer cho thế giới |