Mưa to do ảnh hưởng bão Usagi khiến nước lũ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lên nhanh, nhiều nhà dân, trạm y tế, trường học ngập nước.
Phú Yên, chiều 26/11, xã An Hiệp, huyện Tuy An vẫn ngập do mưa lớn, các xã An Thạch, An Ninh, An Dân bị chia cắt. Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND Phú Yên cho biết, do mưa nhiều nên hồ Đồng Tròn ở huyện Tuy An phải xả điều tiết. Nước lũ đang lên cao, chính quyền cử lực lượng túc trực và tiếp tục vận động người dân di dời.
Mưa lũ gây ngập ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, Phú Yên, sáng 26/11. Ảnh: Thiên Lý. |
Trước đó, lũ đổ về quá nhanh khiến nhiều gia đình xã An Hiệp mới chỉ kịp chạy thoát chứ không kịp di dời tài sản. Quốc lộ 1 qua huyện Tuy An cũng bị ngập cục bộ 0,2 - 0,5 m. Ở đoạn gần đèo Quán Cau, nước ngập khiến lái xe không thể tránh ổ gà, ổ voi dẫn đến mất lái.
Mưa lớn cũng khiến một số trường học bị ngập. Cô giáo Hồ Thị Thu, trường tiểu học An Hòa (Tuy An) cho biết trường ngập sâu. "Từ trường về nhà nước xoáy làm tôi suýt ngã xe, có đoạn tắc đường do nước lớn, may mà có lực lượng phòng chống lụt bão hỗ trợ", cô Thu nói.
Nước lũ cũng gây ngập các tuyến đường lên miền núi Đồng Xuân, khiến huyện này bị chia cắt. Ở thị xã Sông Cầu, giáp Bình Định, mưa lớn từ rạng sáng khiến nước lên nhanh, làm người dân không kịp trở tay. Lực lượng tại chỗ phải dùng phao, xuống cao su hỗ trợ đưa người dân ra khỏi vùng ngập.
Đèo Khánh Lê bị lở, đường nối Nha Trang - Đà Lạt cấm xe
Khánh Hòa, hôm nay mưa rải rác nhiều nơi. Tại Nha Trang, các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương vẫn ngập. Những điểm sạt lở ở xã Vĩnh Thái và Phước Đồng đang được chính quyền khắc phục.
Ở TP Cam Ranh, lũ bắt đầu rút dần song nhiều nơi vẫn mênh mông nước, có nơi ngập cả mét. Lãnh đạo TP Cam Ranh cho hay, nước lũ làm đường sá xói lở, hư hỏng. Cầu Nướt Ngọt ở xã Cam Lập bị lũ cuốn sập, khiến 300 hộ dân trên đảo Bình Lập bị cô lập.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, người dân muốn xuống đồng bằng phải đi đường vòng qua tỉnh Bình Thuận gần trăm cây số, do đường tỉnh lộ xuống đồng bằng bị sạt lở.
"Việc khắc phục hiện rất khó khăn bởi đây là đường độc đạo, mặt đường nhỏ, lại sạt lở nhiều điểm nên phương tiện rất khó có thể di chuyển để khắc phục. Đến trưa 26/11 chúng tôi mới tạm cho xe máy đi qua", ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông Khánh Hòa cho biết, các đơn vị đang tập trung khắc phục những tuyến đường bị hư hỏng. Hiện đường nối TP Nha Trang với Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh đã thông tuyến sau khi khắc phục sạt lở đèo Cù Hin.
Đá rơi trên quốc lộ 27C nối Nha Trang với Đà Lạt. Ảnh: An Phước. |
Ông Tạ Thanh Tình - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, tuyến đường huyết mạch nối Nha Trang - Đà Lạt đang sạt lở nhiều vị trí, đất đá tràn lấp mặt đường. Khối lượng sạt lở lên đến 16.000 m3.
Đặc biệt, một số điểm đá rơi khối lượng lớn và còn nhiều đất đá đang dịch chuyển tiếp tục rơi bất kỳ lúc nào, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện. Từ chiều nay, ngành giao thông đã cấm xe qua tuyến đèo. "Các nhà thầu đang dọn đất đá. Dự kiến sáng 29/11 chúng tôi sẽ cho lưu thông trở lại, nhưng hạn chế vào buổi tối đề phòng sạt lở", ông Tình cho biết.
Ninh Thuận thiệt hại 150 tỷ đồng do mưa lũ
Một ngày sau mưa bão gây lũ, Ninh Thuận bắt đầu nắng ráo. Nhưng một số xã ở huyện Thuận Nam và Ninh Hải vẫn còn ngập nước, khiến cuộc sống người dân đảo lộn bị đảo lộn. Tại xã Phước Hải (huyện Ninh Hải), có nhiều đoạn trũng nước cả mét, đường sá ngập khiến người dân không thể đi lại.
Nước ngập quá đầu gối khiến người dân Ninh Thuận đi lại khó khăn. Ảnh: Thanh Châu. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Ninh Thuận cho hay, hơn 13.000 người ở TP Phang Rang- Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam đã được di dời đến nơi cao ráo khi các khu vực này bị ngập sâu.
Tỉnh huy động gần 1.000 người với hàng chục canô, xuồng để ưng trực hỗ trợ. Đặc biệt, máy bay của Trung đoàn Không quân cũng được tăng cường tham gia cứu hộ cứu nạn.
Mưa lũ chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhưng hai ngôi nhà đổ sập, nhiều căn tốc mái. Nhiều vị trí bị sụt lún với chiều dài 40 m, rộng 4 m ở TP Phan Rang - Tháp Chàm. Nhiều đoạn đê biển của các địa phương xói mòn, sạt lở có nơi dài chừng 20 m, đường liên thông bị sạt lở hơn 7.000 m. Nhiều điểm trên đường sắt từ ga Kà Rôm đến Phước Nhơn (huyện Thuận Bắc) ngập, sạt lở, khiến đường sắt tê liệt hơn 30 giờ mới được thông tuyến.
Hơn 5.100 gia súc, gia cầm và vật nuôi trong tỉnh bị chết; hàng nghìn hecta hoa màu bị lũ nhận chìm, hư hại. Hàng chục hecta đìa nuôi tôm, lồng bè nuôi cá bị phá hỏng. Theo thống kê của Ninh Thuận, mưa bão khiến địa phương thiệt hại hơn 150 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại hoa màu.
Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông, đêm nay đến đêm 27/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, to, có nơi rất to. Lượng mưa phổ biến các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (40-70 mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-120 mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-150 mm/ngày). Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông chính phổ biến ở mức báo động 1, 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Phú Yên. |
Thiên Lý - An Phước
Bão số 9: Nước lên chạy thần tốc, toàn thân vẫn ướt như chuột lột
Ban đầu đặt tivi, tủ lạnh lên bộ phản gỗ, sau đó nước lên quá nhanh lại đưa đồ lên gác lửng vậy mà nước ... |
Cầu gãy đôi ở Khánh Hòa, 300 hộ bị cô lập trên đảo
Nước lũ chảy xiết làm sập cầu dài 50 m ở TP Cam Ranh, khiến hàng trăm hộ sống trên đảo Bình Lập phải đi ... |