Sau đợt ốm kéo dài vài tháng vừa qua, sức khỏe của NSND Trần Hạnh sa sút đáng kể. Đôi mắt của ông mờ dần, chỉ nhìn thấy bóng người, chứ hình hài cụ thể, ông nhìn không rõ. Chưa kể, đôi tay của ông đã run, không cầm được các đồ vật
Lão nghệ sỹ Trần Hạnh chia sẻ, 60 năm làm nghề, ông chưa bao giờ nghĩ được nọ được kia. Chỉ mong làm nhân vật thật tốt, thật tròn vai, được khán giả yêu quý thế là mừng rồi. Lần này, được Nhà nước, Chính phủ quan tâm tặng danh hiệu, ông mừng lắm, nhưng không có cũng không giận.
Trong câu chuyện chia sẻ với cánh phóng viên tới thăm ông, nghệ sỹ Trần Hạnh cho thấy, ông thật sự là người nghệ sỹ của nhân dân với cách nói chuyện thật thà, gần gũi nhưng rất… duyên. Lão nghệ sỹ nhớ lại, ông đã tới với nghề diễn từ chính cuộc sống khó khăn của một anh thợ đóng giày, 1 vợ và 3 con. Hồi ấy, ông đã gần 30 tuổi.
Sức khỏe của lão nghệ sỹ Trần Hạnh sa sút sau trận ốm vừa qua
“Tôi có được ông giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội lúc bấy giờ quen và yêu quý. Ông ấy bảo, cậu làm ăn thế này làm sao nuôi được vợ con, để tôi viết cho cậu mấy chữ để cậu đi làm. Thế là tôi được đi làm ở Đoàn kịch nói Hà Nội, được lương hạng hai, 40 đồng, đong được mấy yến gạo, nuôi được vợ con. Hồi ấy vợ tôi làm nghề đan, gửi hàng sang Liên Xô nhưng không ăn thua”, NSND Trần Hạnh nhớ lại.
Việc ông chuyển sang đóng kịch được bà xã rất ủng hộ vì có tiền nuôi con, chứ làm giày có tiền đâu, nghèo đói lắm. Anh em đồng nghiệp thân quen thỉnh thoảng lại biếu dăm cân gạo. Gạo hồi ấy 4 hào/cân, lương 40 đồng là sống được. Sau này bà xã ông chỉ trách, mấy chục năm làm nghề, người ta lên ông nọ bà kia, mà ông vẫn chỉ thế này.
Được làm nghề diễn ông thích lắm, thích nhất là luôn được thay đổi, được vào nhiều vai, nhiều nhân vật, lúc vui lúc buồn, nhiều cảm xúc. Dù không học diễn xuất một cách chuyên nghiệp, nhưng sau 5 năm vào đoàn kịch, ông được giao vai chính trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”. Sự thành công ấy, theo NSND Trần Hạnh là do ông được làm việc với các đạo diễn tài năng như: Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức…. Các đạo diễn đã chỉ dẫn ông từng bước chân đi, từng động tác.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, gương mặt lão nghệ sỹ bừng lên niềm hạnh phúc. “Khán giả Hà Nội ngày ấy tuyệt vời lắm. Lúc ấy đất nước vẫn đang còn chiến tranh, nhưng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật rất lớn. Chúng tôi có những ngày diễn 3 buổi, sáng chiều tối, mệt lắm rồi, không thể làm nổi nhưng khán giả vẫn đến cổ vũ nhiệt tình. Đi các vùng nông thôn cũng được người dân chào đón, quý lắm”, ông nói
Nghệ sĩ Trần Hạnh đang sống với vợ chồng người con trai thứ 3
Đến năm 1989 về hưu, ông bắt đầu làm phim truyền hình, phim nhựa. Anh em quý, họ bảo nhau, có vai nào thì gọi Trần Hạnh để ông có tiền nuôi vợ con. Làm phim thì ông nhớ nhất phim Người không may mắn. Còn thì hàng trăm vai truyền hình, điện ảnh khác, lão nghệ sỹ không nhớ hết.
Ở tuổi 90, NSND Trần Hạnh không còn ân hận điều gì. Ông đã đi qua những năm tháng nhọc nhằn bằng sự thanh thản, an nhiên và sống cùng niềm hạnh phúc của nghề diễn. Được anh em bạn bè, khán giả quý mến, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, lão nghệ sỹ quá hạnh phúc, không mong gì hơn.
“Tôi có 5 người con, có hai con gái, xong đến hai con trai và một cô con gái (đã mất). Tôi mừng vì có một cô con dâu tử tế. Tôi có phúc lắm! Hiện giờ nó là người dõi theo tôi mọi lúc, mọi nơi, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho tôi. Gia đình cũng có lúc khó khăn, giờ tôi được thanh thản như thế này, mọi việc đều nhờ con dâu gánh vác hết. Con dâu là người hiếm có lắm.
Tôi bây giờ cũng chẳng ước mong gì cả, chỉ mong cái mắt nó sáng lên và tay nó cứng hơn để đỡ phiền con phiền cháu. Tôi mổ đục thuỷ tinh thể cách đây 10 năm nhưng bây giờ thì mờ tịt”, lão nghệ sỹ chia sẻ.
Nghệ sĩ giờ chân đã yếu, tay run và mắt mờ nhưng vẫn rất gần gũi khi gặp mọi người
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa” (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở "Tiền tuyến gọi" hay trong "Âm mưu và tình yêu" được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Trần Hạnh được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình như vai ông bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi”, bố An trong phim “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong phim “Người cầu may”, ông Lâm trong phim “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”.... Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
NSND Trần Hạnh và mối nhân duyên kỳ lạ với người vợ tảo tần
Nhận được tin mẹ ốm nặng, nghệ sĩ Trần Hạnh vội trở về nhà mà không biết, đó là ngày cưới của chính ông và ... |
NSND Trần Hạnh: "Mắt phải của tôi hỏng hoàn toàn, mắt trái không nhìn rõ"
NSND Trần Hạnh cho hay, bước sang tuổi 90 mắt phải của ông bị hỏng hoàn toàn, mắt trái không còn nhìn thấy rõ. |
90 tuổi mới được phong tặng danh hiệu NSND, diễn viên Trần Hạnh nói gì?
Trước đây người ta chưa nghĩ tới và vô tình bỏ qua tôi, người ta không ác ý thì sao mình phải trách? - Diễn ... |