Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt 1 đã đề nghị nhà xuất bản và tác giả bộ Cánh diều chỉnh sửa, thay thế một số ngữ liệu cho phù hợp.
Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo trung ương ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin về việc chỉnh sách bộ sách Cánh diều, và hướng bổ sung các quy định cần thiết trong quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.
Với sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, một số nội dung vừa được Hội đồng thẩm định yêu cầu điều chỉnh các từ ngữ như "nhá", "nom" "quà", "chén", "cuỗm", "tợp", "lồ ô", "be be", "lỡ xô", "ti vi", "khổ mỡ"... Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn.
Với một số bài tập đọc như "Hai con ngựa", "Cua cò và đàn cá", "Lừa, thỏ và cọp", "Ve và gà", "Ước mơ của tảng đá", "Quạ và chó"... Hội đồng thẩm định cũng đề nghị nhóm tác giả thay thế văn bản khác.
Cùng với đó, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/bài đa nghĩa (đã xuất hiện khá nhiều trong bộ sách). Các tác giả nên chọn các đoạn/ bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
(Ảnh minh hoạ) |
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét trước ngày 15/11/2020. Không riêng gì bộ Cánh diều, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu rà soát lại cả 4 bộ sách còn lại.
Thứ trưởng Độ cho rằng, bộ sách Cánh Diều có lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ thì trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh. Vì theo quy định hiện nay, giáo viên và các trường có quyền chủ động hơn. Đặc biệt, vai trò của giáo viên rất quan trọng.
Về hướng chỉnh sửa, Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ in thêm một tài liệu chỉnh sửa. Những gì cần sửa sẽ được in bổ sung thêm và phát miễn phí cho tất cả các học sinh, giáo viên. Tác giả cũng thống nhất với cách làm như vậy. Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM đang thực hiện việc đó.
Ông cũng khẳng định Bộ GD&ĐT không có văn bản nào quy định giáo viên không được lên tiếng phản ánh về những bất cập trong thực hiện chương trình mới. Đồng thời ông thừa nhận Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận thông tin phản ánh hơi chậm.
Thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học căn cứ vào yêu cầu về ngữ liệu được quy định trong chương trình, căn cứ vào trình độ học sinh, mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.