Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Yên cho biết, đợt mưa lớn trái mùa và gió giật bất thường trong hai ngày cuối tháng 3/2022 đã gây thiệt hại nặng cho địa phương.
Hai ngư dân ở huyện Tuy An mất tích do lốc xoáy khi đang vận hành tàu cá nhỏ trên biển và đang giằng neo lồng tôm hùm rạng sáng 31/3, đến ngày hôm sau mới phát hiện thi thể ông Nguyễn Sam (SN 1982, trú ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải), trong khi nạn nhân Trần Văn Thiện (SN 2008, trú ở xóm Cát, xã An Hòa Hải) đến chiều 3/4 vẫn chưa tìm thấy.
Tại một số làng biển ở TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, những đợt sóng lớn xô đập dữ dội cùng với gió giật mạnh đã đánh chìm 117 tàu cá. 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị sóng gió đánh hư hỏng, 14 căn nhà người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700ha lúa vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn trổ bông, chín sáp cùng với 508 ha rau màu bị đổ ngã, ngập nước; 960m3 kênh mương ở huyện Sông Hinh bị sạt lở, 2.000m3 đất đá đường giao thông ở thị xã Sông Cầu đã bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại về tài sản do đợt mưa lớn trái mùa và gió giật gây ra ở Phú Yên khoảng 170,6 tỷ đồng.
Trong và sau thiên tai, 115 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tuy An, Công an thị xã Sông Cầu và Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH Công an tỉnh Phú Yên đã được huy động bám địa bàn các xã An Phú, An Hòa Hải, Xuân Thịnh, Xuân Hải dầm mình trong mưa gió, phối hợp với các Đồn biên phòng Tuy Hòa, Đồn biên phòng An Hòa Hải cùng chính quyền, dân quân nỗ lực kết nối dây thừng cẩu kéo hơn 20 tàu cá của ngư dân ra khỏi tầm nguy hiểm của sóng gió.
Đại úy Lê Bá Quyết Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Tuy Hòa – một trong 20 CBCS trong Đội thanh niên xung kích Công an TP Tuy Hòa đến làng biển Long Thủy, xã An Phú từ rạng sáng 31/3, chia sẻ: “Chứng kiến những đợt sóng lớn từ phía biển xô đập tàu cá chao nghiêng, chúng tôi thật sự thấu hiểu nỗi vất vả lo toan của ngư dân trước thiên tai nên nỗ lực giúp dân với tinh thần vì nhân dân phục vụ”.
Thiếu úy Trần Huỳnh Đức, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Tuy Hòa cho biết, dù phải dầm mình trong mưa gió lạnh buốt nhưng anh cùng đồng đội không lo ngại vất vả mà chỉ mong sớm cẩu kéo được những tàu cá đang đối mặt với nguy cơ bị đánh chìm bởi sóng to, gió lớn.
Cùng với việc cẩu kéo tàu thuyền, CBCS Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tuy An khẩn trương giúp dân thu gom vật tư kỹ thuật, ngư cụ còn sót lại sau khi bị sóng gió xô đập vỡ nát tàu cá, lồng bè tôm hùm. Không chỉ giúp dân hạn chế thiệt hại do thiên tai và khắc phục hậu quả, mà trong những ngày mưa to, gió lớn bất thường, lực lượng Công an còn tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm lợi dụng tình huống người dân đang đối mặt với thiên tai để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết, địa phương này có 42 tàu cá cùng với ngư cụ đã bị sóng gió đánh chìm, tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 5,3 tỷ đồng, 34 tàu cá trong số đó đã được tìm thấy, cẩu kéo vào bến bãi có sự tham gia của lực lượng Công an.
“Tàu cá của tôi cùng một số đồng nghiệp ở làng biển này bị sóng gió xô đập chao đảo. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng Công an, bộ đội biên phòng, dân quân địa phương và sự trợ giúp của xe cơ giới bánh xích chuyên dụng đào đất thì số lượng tàu bị đánh chìm còn nhiều hơn nữa”, ông Trần Văn Phú (trú ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa) xúc động cho biết.
Sáng 3/4, đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra trong những ngày qua tại địa bàn 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh cho biết, đây là đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương và một số sông khác ở địa bàn tỉnh. Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,3m đến 1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê, gây ngập úng lúa và hoa màu.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa. Đồng thời các địa phương đang kiểm tra, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục, nhất là đối với các công trình đê bao nội đồng, các cống qua đê để lập kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm cấp nước phục vụ sản xuất.
Qua kiểm tra, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế khẩn trương chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân. Tiến hành cắt điện ở những nơi còn bị ngập sâu và có cảnh báo để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra với người dân trong vùng ngập nước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa lũ trong những ngày qua đã làm khoảng 20.090 ha lúa bị ngập úng, trong đó 12.502 ha ngập nặng; 2.400 ha rau màu, cây ăn quả cũng bị ngập; nhiều quai đê nội đồng bị hư hại. Hiện nhiều khu vực, tuyến đường giao thông huyết mạch ở khu vực thấp trũng tại huyện Quảng Điền, Phong Điền còn bị ngập trong nước như QL49B, TL4, TL6, TL8A… có nơi ngập đến 0,5m, cấm các phương tiện lưu thông.
Hữu Toàn - Anh Khoa
Thừa Thiên-Huế oằn mình hứng chịu đợt mưa lũ trái mùa |
Mưa lũ miền Trung: Thuỷ điện tại Huế xả lũ, nhiều nơi ở Quảng Trị bị chia cắt |