Việc cướp bóc các tác phẩm nghệ thuật cổ ở Ý không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã mang đến cho “những kẻ cướp mộ” cơ hội đột kích các địa điểm khảo cổ, nhà thờ và bảo tàng (vốn đang đóng cửa) để lấy đi các hiện vật vô giá trong khi cảnh sát dồn sức vào thực thi các nhiệm vụ chống dịch.
Kho tang vật của cảnh sát chuyên bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật ở Rome, Italia |
Tác động của đại dịch và suy giảm kinh tế
Ở Anzio, phía Nam Thủ đô Rome của Italia, khu di tích cổ gồm các cung điện hoàng gia Nero trên biển đã là mục tiêu của những kẻ trộm mộ trong những năm qua. Khu vực này được bảo vệ bởi một hàng rào rỉ sét mà người dân đi tắm biển tận dụng để treo khăn tắm của mình. Vào một ngày nắng đẹp tháng 5-2021, phóng viên CNN đã chứng kiến một người đàn ông dùng xẻng chọc thủng hàng rào, đào bới giữa ban ngày mà không bị cản trở. Trong thời gian Italia ra lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19, 3 tên trộm đã xâm nhập khu vực từng bị đánh cắp trong nhiều thế kỷ này.
Thoạt nhìn, quảng trường Largo di Torre Argentina ở trung tâm Rome có vẻ buồn tẻ so với vẻ tráng lệ của Thủ đô. Một bên hàng rào di tích là những bức tường vẽ đầy tranh graffiti, bên kia là hệ thống đường sắt và tàu vẫn chạy ầm ầm. Nhưng ở độ sâu 3m phía dưới mặt đường là những cây cột rải rác được dựng lên quanh nơi Julius Caesar bị đồng minh phản bội và sát hại vào năm 44 trước Công nguyên. Đó chính là nơi xảy ra vụ ám sát khét tiếng nhất trong lịch sử Đế chế La Mã, với tàn tích là 4 ngôi đền có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Nhưng chính khu vực này có thể dễ dàng thấy những tên trộm xảo quyệt tiếp cận các kho báu của Italia như thế nào. Khu di tích chứng kiến những vụ bắt giữ thường xuyên, vì khách du lịch và những người khác có thể dễ dàng nhảy xuống mà không bị phát hiện. Nó được cho là một trong những địa điểm bị đánh cắp nhiều nhất ở Rome, dù hầu hết các đồ vật quan trọng, bao gồm bình hoa và tượng đã bị lấy đi từ nhiều năm trước. Hiện giờ, Rome không bố trí đủ kinh phí để tiếp tục khai quật hoặc làm cho khu vực này trở nên an toàn hơn.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Italia đã cắt giảm ngân sách hàng năm cho ngành văn hóa kể từ năm 2011, và sang năm 2021 thì con số này là 1% ngân sách quốc gia. Riêng thành phố Rome chi tiêu tương đối nhiều hơn, vào khoảng 2,4% ngân sách hàng năm. Nhưng phần lớn công tác duy tu bảo dưỡng kho tàng văn hóa vẫn nhờ các công ty tư nhân, bởi nhiều người ở Ý thường hỗ trợ các khoản chi trả này. Ví dụ, thương hiệu giày Tod's đã quyên góp hơn 25 triệu euro (30,6 triệu USD) để giúp khôi phục đấu trường La Mã; hãng Fendi đã rót hàng triệu USD vào việc cải tạo Quỹ Trevi; và Diesel đang giúp tài trợ cho việc khôi phục cầu Rialto ở Venice. Sắp tới, nhờ khoản tài trợ 1 triệu euro (1,2 triệu USD) của nhà kim hoàn sang trọng Bulgari, Largo di Torre Argentina sẽ được tân trang lại.
Theo bà Katie Paul - Giám đốc Dự án Nghiên cứu di sản và buôn bán cổ vật, trong năm 2020 đã có sự gia tăng đáng kể các nhóm buôn bán cổ vật trên toàn cầu. Qua theo dõi, tháng 4 và 5-2020, một trong những nhóm lớn nhất đã tăng gần gấp đôi quy mô lên 300.000 thành viên. “Sự gia tăng này một phần có thể là do tình trạng hạn chế chống dịch và suy thoái ở các nền kinh tế nhiều nơi trên thế giới” - bà Katie nói.
Quảng trường Largo di Torre Argentina ở Rome nhiều năm liền trở thành nạn nhân của những kẻ trộm cổ vật |
Thế giới ngầm “rút ruột” di tích, cổ vật
Một đặc điểm nổi bật trong giới trộm cổ vật ở Italia là các hiện vật không chỉ được khai quật thông qua công tác khảo cổ và đột kích lăng mộ bất hợp pháp, mà còn cả trong quá trình phát triển đô thị. Ở Rome, hệ thống giao thông ngầm của thành phố nếu trong lúc sửa chữa mà nghi có cổ vật sẽ bị trì hoãn và chuyển hướng. Quy định của nhà chức trách là để nguyên trạng, sau này có kinh phí sẽ thực hiện công tác khảo cổ đúng nghĩa. Nhưng những “nghĩa địa” hiện vật cổ đại này dễ thành “mồi ngon” cho những kẻ trộm mộ ẩn nấp bên ngoài.
Theo ứng dụng ID-Art chứa cơ sở dữ liệu về hàng hóa bị đánh cắp của Interpol, trong thời gian châu Âu bị phong tỏa từ tháng 6 đến tháng 10-2020, đã có 56.400 sản phẩm văn hóa đã bị thu giữ và 67 người bị bắt, bao gồm những kẻ trộm mộ và buôn bán cổ vật. Riêng tại Italia, các mặt hàng bị đánh cắp gồm đồ gốm sứ, đồ tạo tác, tác phẩm nghệ thuật và sách trị giá 1,2 triệu euro (1,5 triệu USD) đã được đưa đến tay người mua, thường thông qua các trang “web đen” và chợ đen. |
Darius Arya - một nhà khảo cổ học và là Giám đốc nền tảng giáo dục Ancient Rome Live, đã chứng kiến các địa điểm khai quật của chính ông bị cướp phá, nhưng ông không đổ hết lỗi cho những kẻ trộm mộ. “Có rất nhiều thủ phạm. Đó sẽ là kẻ trộm mộ, người mua cổ vật, những kẻ trung gian, cuối cùng là các nhà đấu giá hoặc sưu tập tư nhân” - Darius Arya nói. Ông cũng cho biết, các cổ vật thường được cất giữ trong kho độ 10 năm trước khi đưa ra chợ đen nhằm vượt qua quy định chặt chẽ của Italia.
Vào tháng 5-2021, ngôi sao truyền hình người Mỹ Kim Kardashian đã bị nêu tên trong một vụ kiện cáo buộc cô đã mua một phần bức tượng La Mã nhập lậu bất hợp pháp có tên là: nửa dưới của Myron's Samian Athena. Bức tượng có niên đại từ thế kỷ 1 hoặc thế kỷ 2 đã bị cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ thu giữ cùng với 40 mảnh khác trị giá khoảng 745.000 USD. Kardashian phủ nhận việc mua bức tượng, thậm chí nói rằng không biết về sự tồn tại của nó. Người phát ngôn của ngôi sao tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng nó có thể đã được mua bằng tên của cô ấy mà không được ủy quyền. Cô ấy không biết về giao dịch này”.
Nhưng vụ thu giữ này cho thấy, có một bộ phận trung gian luôn ra mặt để cung cấp và hợp pháp hóa cổ vật có giá trị cao cho các nhà sưu tập. Thực tế, thống kê của Hiệp hội các nhà buôn nghệ thuật cổ quốc tế cho biết, trong khi buôn bán hợp pháp các hiện vật lịch sử chỉ trị giá khoảng 130 triệu USD/ năm thì giao dịch buôn bán bất hợp pháp lớn gấp nhiều lần, nó ước tính khoảng 2 tỷ USD/năm.
Cuộc chiến bảo vệ cổ vật
Cảnh sát nghệ thuật (Carabinieri) là một nhánh đặc biệt của Cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa Italia. Họ là một trong những người đầu tiên bảo vệ các bảo tàng, nhà thờ sau các thảm họa thiên nhiên, nhưng công việc chủ yếu vẫn là săn đuổi những vụ xâm phạm lăng mộ và thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Theo lực lượng này, những kẻ đột nhập lăng mộ chỉ là cấp thấp nhất của chuỗi buôn lậu, vì bọn họ kiếm được ít tiền nhất và chịu rủi ro lớn nhất nếu bị bắt. Nhưng những món đồ trộm được có thể tìm đến tay những người giàu nhất thế giới.
Arthur Brand - một trong những chuyên gia điều tra các tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của châu Âu cho biết, ít nhất 50% hiện vật La Mã cổ đại trên thị trường ngày nay là đồ bị đánh cắp. Có hàng trăm nghìn kẻ trộm kiểu này đang hoạt động trên khắp thế giới. “Họ có thể là nông dân, có thể là những người sở hữu máy dò kim loại, nhưng hầu hết họ rất chuyên nghiệp” - Arthur Brand nói.
Tướng Roberto Riccardi - chỉ huy lực lượng Carabinieri cho biết, lực lượng của ông hiện sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái để truy đuổi những kẻ trộm mộ. Các thành viên lực lượng này cũng lùng sục trên internet, các trang “web đen” để tìm kiếm các cuộc đấu giá bất hợp pháp, nơi những kẻ buôn người đang bán bớt chiến lợi phẩm bị đánh cắp. “Thiệt hại từ việc đánh cắp mỗi món đồ này luôn gấp 2 lần. Đầu tiên là thiệt hại về kinh tế, về giá trị nghệ thuật và lịch sử. Thứ hai là họ cướp đi khả năng truy tìm dấu vết lịch sử của các nhà khảo cổ học. Italia rất giàu di sản văn hóa và mọi người luôn đánh giá cao điều đó. Nhưng người mua cần phải biết đến tính chịu trách nhiệm, nếu không sẽ coi như là kẻ ăn cắp lịch sử” - Tướng Roberto Riccardi nhấn mạnh.
(Theo CNN)
Nhiều ngôi làng ở Italy trả tiền để "tuyển" người đến sống
Chính quyền vùng Calabria có kế hoạch cung cấp 33.000 USD trong tối đa 3 năm cho những ai sẵn sàng chuyển tới các ngôi ... |