Ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi họp báo về tình hình triển khai một số đoạn thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng cho biết, vào ngày 30/9 tới đây, Bộ sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam chuyển sang hình thức đầu tư công gồm Dự án Mai Sơn-QL45; Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Dự án Phan Thiết-Dầu Giây. Trong quá trình thực hiện các dự án, Bộ GTVT đã mời Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước phối hợp giám sát đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam.
Siết chặt nhà thầu
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đến nay, Thủ tướng đã chấp thuận đồng thời khởi công xây dựng 3 dự án trên vào ngày 30/9/2020, cụ thể: Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45: Tổ chức khởi công tại Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Tổ chức khởi công tại địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án Phan Thiết - Dầu Giây: Tổ chức tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
3 dự án cao tốc Bắc Nam đầu tư công sẽ khởi công vào ngày 30-9. |
Theo đó, mỗi dự án sẽ khởi công 1 gói thầu xây lắp vào ngày 30/9. Danh tính các nhà thầu trúng các gói thầu sẽ được công bố trong tuần tới. Còn các gói thầu khác tiếp tục được Bộ GTVT đánh giá hồ sơ để chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 10-2020.
Tại cuộc họp, các phóng viên đã đặt câu hỏi về những giải pháp để nhà thầu chính không chia nhỏ cho nhiều thầu phụ, ảnh hưởng tiến độ và chất lượng như chỉ đạo của Thủ tướng khi khởi công đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT thẳng thắn: Rút kinh nghiệm các dự án trước đây và 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã triển khai, Bộ GTVT đã quy định nhiều điều kiện trong hồ sơ mời thầu.
Theo hợp đồng, nhà thầu chính chịu trách nhiệm toàn bộ về gói thầu và được quyền thuê thầu phụ. Nhưng quá nhiều thầu phụ thì không tốt, khó kiểm soát chất lượng. Hợp đồng của Bộ GTVT đã khống chế số lượng thầu chính, thầu phụ, phân rõ hạng mục thầu chính, thầu phụ được làm theo tỉ lệ nhất định. Ràng buộc như vậy để chọn được nhà thầu có năng lực thực sự, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Theo ông Lâm, trong hồ sơ mời thầu đã quy định các điều kiện thưởng phạt giữa các bên. Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ thi công hằng tháng, quý, năm để đảm bảo tiến độ và phê duyệt kế hoạch đó để kiểm soát. Nếu nhà thầu vi phạm tiến độ lần 1 sẽ phê bình, lần 2 khiển trách xem xét điều chuyển khối lượng và lần 3 sẽ đánh giá lại năng lực nhà thầu và điều chuyển khối lượng thi công cho nhà thầu khác.
Nhiều giải pháp ngăn tiêu cực, phòng tham nhũng
Theo tính toán sơ bộ của Bộ GTVT, đoạn cao tốc từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến quốc lộ 45 (Thanh Hóa) có 4 làn xe, dài 63km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng; đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 100,8km, 4 làn xe tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng; đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 12.577 tỷ đồng. Sau khi khởi công 3 đoạn cao tốc trên, sẽ có tổng cộng 6 đoạn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đều được thi công xây dựng.
Ba đoạn đầu tư công trước đó đã khởi công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Các tuyến này có mục tiêu hoàn thành vào năm 2021, riêng cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành vào năm 2023. Về công tác giải phóng mặt bằng, tới nay, các địa phương đã giải phóng mặt bằng đạt khoảng 93%, phần còn lại phải cần thêm 2 - 3 tháng nữa mới hoàn thành.
Hai đường găng lớn nhất trong giải phóng mặt bằng là tiến độ các khu tái định cư và di dời công trình kỹ thuật. Theo ông Đông, tiến độ hoàn thành các khu tái định cư tới nay mới đạt 50%. Bộ GTVT đã thống nhất với các địa phương để có giải pháp tạm thời, là hỗ trợ chi phí để người dân thuê nhà tạm trong lúc đợi hoàn thiện các khu tái định cư.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã mời Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước phối hợp giám sát đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam. Việc này được giải thích là nhằm ngăn chặn tiêu cực, phòng chống tham nhũng và đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT mời các bộ ngành tham gia.
Trước đó, Bộ mời các bộ ngành giám sát thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, mỗi ngành có chức năng riêng, cùng chia sẻ thông tin từ khâu đấu thầu đến triển khai dự án sẽ hiệu quả hơn. Bộ GTVT đánh giá chính xác hơn các hồ sơ thầu và minh bạch các hồ sơ này. Nếu khâu nào có dấu hiệu sai phạm thì chuyển giao Công an điều tra.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin dự án để các bên cùng sử dụng hiệu quả", ông Đông nói.
Phạm Huyền
Không nên chỉ định thầu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ làm cao tốc Bắc – Nam |
Dần “lộ diện” 32 nhà đầu tư dự tuyển cao tốc Bắc – Nam |