Nhà đầu tư chứng khoán không nên giải ngân sau phiên giảm mạnh

Chỉ số có thể tiếp tục giảm nhẹ trong hôm nay 15/2 và kỳ vọng đà giảm có thể thu hẹp khi VN-Index tiến sát về vùng hỗ trợ cứng 1.445-1.450 điểm (quanh đường MA100).

VN-Index có thể dần bình ổn trở lại

Những diễn biến tiêu cực từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vào cuối tuần trước đã có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong phiên đầu tuần. Kết phiên giao dịch ngày 14/2, chỉ số VN-Index giảm mạnh 29,75 điểm (-1,98%) xuống 1.471, 96 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 322 mã giảm (8 mã giảm sàn), 36 mã tham chiếu, 132 mã tăng (14 mã tăng trần).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022 tăng tốt để kéo thị trường đã đồng loạt bị bán mạnh trong phiên 14/2 khiến nhiều mã giảm mạnh như: SHB (-6,8%), TPB (-6,7%), BID (-6,6%), HDB (-6,4%), CTG (-6%), MBB (-5,7%), OCB (-5,6%), ACB (-4,8%), VPB (-4,4%), VCB (-4,4%)...thậm chí giảm sàn như: STB (-6,9%), LPB (-6,9%) đã tạo áp lực điều chỉnh lớn lên toàn thị trường. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có nhiều mã giảm mạnh như: SSI (-3,3%), VND (-4,9%), HCM (-4%), SHS (-5%), APS (-6,6%), CTS (-5,6%)...

Nhà đầu tư chứng khoán không nên giải ngân sau phiên giảm mạnh - 1
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, chỉ số VN-Index giảm mạnh 29,75 điểm xuống 1.471, 96 điểm

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng nhờ đà tăng của giá dầu trên thế giới, như: GAS (+4,5%), PLX (+1,3%), PVS (+2,8%), PVD (+0,5%), OIL (+1,6%), PSH (+6,9%), PVC (+2,6%)... Dòng tiền cũng đổ vào nhóm hàng không và du lịch để đón đầu xu hướng mở cửa ngành trong năm nay như: HVN (+0,8%), VJC (+5,4%), DAH (+1,8%), CTD (+3,2%), VNG (+2,1%)...

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm (MA20-50) sau phiên 14/2 khiến cho bức tranh thị trường có phần xấu đi. Và vùng hỗ trợ tiếp theo của thị trường trong khoảng 1.425-1.450 điểm tương ứng với vùng đáy của tháng trước. Nếu xét trên góc độ định giá, P/E của VN-Index hiện ở mức 17 lần là mức trung bình của thị trường trong khoảng 5 năm trở lại đây; còn của VN30 là 16 lần, thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm (theo dữ liệu từ FiinTrade).

Khả năng giảm mạnh ở thời điểm hiện tại là khá thấp. Trong phiên giao dịch hôm nay 15/2, VN-Index có thể dần bình ổn trở lại khi cung cầu trở nên cân bằng hơn. Nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và cân nhắc mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên tới”, chuyên gia của SHS nêu ý kiến.

VN-Index giằng co quanh đường trung bình 20 phiên

Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), mô hình đảo đảo chiều (Island reversal) đã chính thức được hình thành tại biểu đồ giá của chỉ số sau pha mở cửa buổi sáng, báo hiệu xu hướng giảm ngắn hạn được thiết lập. Chỉ số có thể tiếp tục giảm nhẹ trong hôm nay 15/2 và kỳ vọng đà giảm có thể thu hẹp khi VN-Index tiến sát về vùng hỗ trợ cứng 1.445-1.450 điểm (quanh đường MA100). Ngoài ra, thứ 5 tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022, dự báo thị trường có thể xuất hiện các biến động bất thường.

Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng, không nên giải ngân thời điểm này và có thể canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng với các mã ngắn hạn có trong danh mục. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể chờ thêm 1,2 nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu đầu ngành trong nhóm VN30”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.

Các chuyên gia của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ hồi phục và chỉ số VN-Index giằng co quanh đường trung bình 20 phiên trong phiên giao dịch hôm nay 15/2. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và duy trì ở mức thấp, đặc biệt chỉ số VN-Index sẽ chưa thể xuyên thủng hoàn toán đường trung bình 20 phiên. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn đi ngang cho thấy tâm lý không quá bi quan và đà giảm của thị trường chủ yếu đến từ áp lực bán gia tăng vào phiên ATC ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 45-50% danh mục và quan sát thêm diễn biến thị trường ở phiên giao dịch kế tiếp, hạn chế bán tháo ở nhịp giảm mạnh vì rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

DIỆP DIỆP

Chứng khoán Việt 2022: Vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn Chứng khoán Việt 2022: Vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn
Chứng khoán năm Tân Sửu: Nhiều kỷ lục, lắm thị phi Chứng khoán năm Tân Sửu: Nhiều kỷ lục, lắm thị phi
La liệt cổ phiếu nằm sàn, chứng khoán giảm phiên thứ tư liên tiếp La liệt cổ phiếu nằm sàn, chứng khoán giảm phiên thứ tư liên tiếp

/ vtc.vn