Chỉ số VN-Index trong năm Tân Sửu tăng gần 33% so với cuối năm Canh Tý nhưng thị trường cũng để lại không ít dư âm buồn.
Chứng khoán chốt năm Tân Sửu trong sắc xanh, đóng cửa với giá nhiều cổ phiếu đi lên, khép lại một năm rực rỡ. Chốt phiên, VN-Index tăng 8,20 điểm, đóng cửa ở mức 1.478,96 điểm, HNX-Index cũng tăng 5,46 điểm lên 416,33 điểm và UPCoM-Index tăng 0,96 điểm lên 109,69 điểm. Tính chung cả năm âm lịch, VN-Index đạt 1,478.96 điểm, tăng 32,65%, HNX-Index đạt mức 416.73 điểm, tăng 85,3%.
Chứng khoán chốt năm Tân Sửu trong sắc xanh, mang đến hy vọng mới về năm 2022. |
Theo dõi diễn biến thị trường, có thể thấy xu hướng tăng được giữ trong suốt năm Tân Sửu, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới dù đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm.
Đi cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/1, mức vốn hóa thị trường đạt gần 7,6 triệu tỷ đồng, tương đương 330 tỷ USD.
Thanh khoản của thị trường cũng liên tục được đẩy lên kỷ lục mới. Nếu như trong vài năm trước, giao dịch trung bình toàn thị trường chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên thì năm 2021, thanh khoản cao nhất tới hơn 50.000 tỷ đồng, tức hơn 2,5 tỷ USD.
Không những thế, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong năm 2021, có 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới - con số kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỷ lục ấn tượng, thị trường chứng khoán năm Tân Sửu cũng để lại những kỷ lục buồn. Trong đó nổi cộm là vụ ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Dù giao dịch này đã bị hủy, một số nhà đầu tư đã được trả lại tiền, nhưng nhiều người lỡ ôm cổ phiếu “họ” FLC vẫn chưa hết lo lắng. Sự việc này cũng khiến cổ phiếu nhóm ngành bất động sản nhiều phiên giảm mạnh.
Trong năm qua, cơ quan chức năng cũng phạt 80 triệu đồng đối với bà Nguyễn Hương Giang vì đã mua tổng cộng 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 1 và 2/2021, sau đó bán 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 3/2021 nhưng không công bố thông tin về dự kiến giao dịch.
Tương tự, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phạt ông Nguyễn Quốc Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM, vì đã bán 40.000 cổ phiếu HCM trong hai tháng liền nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
SSC phạt 155 triệu đồng ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, vì mua 200.000 cổ phiếu ngân hàng này trong tháng 5/2021 nhưng không công bố thông tin.
Gần nhất, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7.000.000 cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng. Những vụ việc này đã gây xáo động thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.
Dự báo năm Nhâm Dần 2022, các chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường khó có khả năng tăng mạnh hoặc đột biến như năm vừa rồi nhưng với lượng tài khoản mở mới và tham gia tích cực của nhà đầu tư trong giai đoạn này thì năm tới thị trường chứng khoán nhiều khả năng vẫn sẽ sôi động.
Trong ngắn hạn, theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán Asean, thị trường sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên giao dịch đầu năm mới để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1.480 - 1.490 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.500 - 1.510 điểm.