Giống như hàng triệu người Mỹ khác, Claire D'Angelo, cử tri tại Pennsylvania, đi bỏ phiếu từ sáng sớm bất chấp giá lạnh vì lo lắng về tương lai.
"Khi tôi nói rằng mình lo lắng hoặc bồn chồn, đó là một cách nói giảm", Claire D'Angelo, nhân viên nhà hàng tại thành phố Easton, bang Pennsylvania, cho biết. "Tôi chỉ hy vọng mọi người hôm nay ra ngoài bỏ phiếu và cất lên tiếng nói của mình, vì những điều họ mong muốn dành cho con cái và tương lai của chúng ta".
Người phụ nữ 45 tuổi này đeo khẩu trang màu đen đi bỏ phiếu, nhằm góp sức giúp ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Trên khắp nước Mỹ, những hàng người dài xuất hiện tại các điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được đánh giá đặc biệt chưa từng thấy, giữa lúc đất nước vẫn điêu đứng vì Covid-19 và làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, gây chia rẽ sâu sắc. Số cử tri đi bỏ phiếu sớm năm nay đạt kỷ lục với hơn 102 người.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại thành phố Renton, bang Washington, hôm 3/11. Ảnh: AFP. |
Bất kể đứng về phía ứng viên Dân chủ Biden hay Tổng thống Donald Trump, các cử tri đều tràn đầy động lực, dường như xuất phát từ suy nghĩ rằng lá phiếu của họ chắc chắn có thể tạo ra sự khác biệt.
Juan Carlos Bertran, thợ cơ khí 60 tuổi gốc Cuba tại thành phố Miami, Florida, cho biết ông bỏ phiếu cho Trump vì quan tâm đến kinh tế. "Với tôi, Trump có lẽ là lựa chọn tốt hơn cho nền kinh tế của đất nước, thứ có tầm ảnh hưởng tới cả thế giới", Bertran giải thích.
Tuy nhiên, với nhiều người khác, cuộc bầu cử năm nay là "trận chiến" toàn diện nhằm bảo vệ nền dân chủ Mỹ, chống lại nỗi lo sợ mà họ cho rằng Trump đang gieo rắc, cũng như việc Tổng thống không phản bác mạnh mẽ những nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Tại thành phố New York, quê hương của Trump, một người đàn ông 54 tuổi tên Jess cho biết ông đã chờ 45 phút để bỏ phiếu trực tiếp vào sáng bầu cử. "Tuy nhiên, tôi đã chờ đợi suốt 3-4 năm, từ rất lâu rồi. Tôi muốn chấm dứt cơn ác mộng này. Tôi bồn chồn và lo lắng. Chỉ Chúa mới biết chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay. Xin Chúa giúp chúng tôi", Jess nói.
Michael Murphy, cử tri tại thành phố Phoenix, bang Arizona, nằm trong số những người không tin tưởng vào việc bỏ phiếu qua thư khi có quá nhiều nỗi hoang mang bao trùm cuộc bầu cử.
"Tôi chờ bỏ phiếu vào hôm nay, để đảm bảo lá phiếu không thể lọt vào bất cứ nơi nào khác, mà chỉ từ tay tôi rơi vào máy bầu cử. Chúng tôi vẫn quan tâm đến tương lai đất nước", Murphy cho hay.
Các bang vùng Trung Tây, như Wisconsin hay Michigan, được đánh giá là chìa khóa cho chiến thắng năm nay, với những cử tri xếp hàng bỏ phiếu từ sớm nhằm thể hiện trách nhiệm công dân của mình.
"Tôi đi bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử. Tôi còn là một giáo viên, nên muốn làm gương cho con mình", Sharon Ciskowski, một cử tri đeo khẩu trang trắng tại thành phố Kenosha, Wisconsin, cho hay.
Ciskowski quan tâm đến "một cộng đồng có sự thực thi pháp luật thực sự tốt", một trong những vấn đề gây chia rẽ đất nước gần đây, sau những tranh cãi về làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và nạn bạo lực của cảnh sát.
"Tôi muốn một tổng thống sẽ hỗ trợ việc thực thi pháp luật", cô nói.
Ánh Ngọc (Theo AFP)