Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, tình trạng người dân ùn ùn kéo về quê diễn ra ngày càng nhiều, khiến thành phố thiếu lao động trầm trọng.
Từ ngày 1/10 đến nay, tại khắp những cửa ngõ TP.HCM luôn đông đúc, nhiều nơi ùn tắc vì người lao động kéo nhau rời thành phố mặc dù chính quyền kêu gọi người dân ở lại cùng thành phố khôi phục kinh tế. Thực trạng này khiến TP.HCM đối mặt nguy cơ thiếu lao động trầm trọng trong thời gian tới.
Chiều 4/10, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tính đến ngày 4/10, tổng số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ còn khoảng 135.000, con số này bằng 46% so với trước đó.
Hàng ngàn người lao động quê ở các tỉnh miền Tây kéo nhau rời TP.HCM. |
Trước ngày 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, có 70.000 lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Sau mốc 1/10, con số 70.000 lao động đã giảm xuống chỉ còn 45.000 lao động. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.
Theo ông Hải, hiện nay các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang “rất thiếu lao động”. Để giải quyết tình trạng trên, từng đơn vị đang tích cực rà soát để tuyển dụng bổ sung lao động.
Riêng với Khu công nghệ cao, trước 1/10 có khoảng 50.000 lao động. Trong đó khoảng 25.000 lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Sau mốc 1/10, số lao động tại Khu công nghệ cao cũng giảm mạnh.
Người lao động rời TP.HCM do kiệt quệ tài chính, không còn khả năng bám trụ chờ đến ngày thành phố khôi phục lại kinh tế. |
“Trong số 50.000 lao động làm việc ở Khu công nghệ cao thì có 40.000 lao động đang ở TP.HCM, 10.000 lao động đa phần ở Bình Dương và Đồng Nai”, ông Hải cho biết. Sau khi xảy ra tình trạng này, Khu công nghệ cao cũng khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để sớm bổ sung nguồn lao động.
Trước đó, ghi nhận của PV VTC News tại chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1A (thuộc địa phận thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), mỗi ngày có hàng ngàn người chạy xe máy về các tỉnh miền Tây.
Dù TP.HCM đã kêu gọi, vận động nhưng hàng chục ngàn lao động vẫn đổ về quê. |
Chia sẻ về lý do rời TP.HCM trong thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, hầu hết người lao động đều cho rằng vì hết tiền và không còn khả năng bám trụ.
Chị Lâm Thị Ngọt (quê Hậu Giang) cho hay, gia đình gồm 4 người đến TP.HCM thuê phòng trọ để làm việc. Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp lần lượt đóng cửa, gia đình chị Ngọt lâm vào cảnh 4 tháng không có việc làm. Sau khi xài hết số tiền ít ỏi, chị Ngọt cùng chồng đưa con gái 6 tuổi “liều mình” trở về quê.
“Con trai lớn vẫn cố bám trụ để chờ công ty mở cửa lại. Còn vợ chồng tôi thì về quê, dù biết là nguy hiểm, có khả năng sẽ lây lan dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn đi”, chị Ngọt kể.
Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn Thi (quê Cà Mau), dù phải chạy xe máy hơn 350km, vẫn nhất quyết dùng dây cột con trai vào người rồi dắt díu nhau về quê cho bằng được.
“Người lớn có thể nhịn đói nhưng trẻ con thì không. Tôi có hay tin TP.HCM cho các công ty làm việc trở lại nhưng hiện tại tôi hết tiền ăn rồi, cứ về quê trước. Khi nào ổn định thì vào TP.HCM xin việc trở lại”, anh Thi nói thêm.
KHUẤT NGUYÊN
Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê vì quá tải |
TP.HCM hoàn thành phương án cho phép người dân đi lại 4 tỉnh liền kề |