Không ai bất ngờ trước việc Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass thuộc miền Đông Ukraine, song hiệu quả của các đòn trừng phạt này thế nào thì chưa thể rõ vào lúc này.
Dồn dập tung các đòn trừng phạt Nga
Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh ngày 21-2 chính thức công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở Donbass, miền Đông Ukraine, Mỹ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga. Trong tuyên bố đưa ra ngày 22-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo “đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và “giới tinh hoa” trong lĩnh vực này của Matxcơva.
Trong biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Joe Biden tuyên bố có hiệu lực từ ngày 23-2 với “sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh”, Mỹ đưa 2 ngân hàng là ngân hàng Vnesheconombank (VEB) và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank (PSB), những ngân hàng thường thực hiện các giao dịch quốc phòng của Nga, cùng với đó, một số nhân vật trong giới tinh hoa của Nga như Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Aleksandr Bortnikov, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Promsvyazbank Petr Fradkov vào “danh sách đen” bị trừng phạt.
Ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank - PSB là một thực thể bị Mỹ và phương Tây trừng phạt |
Cùng ngày 22-2, một đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ là Anh cũng thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga, động thái mà Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là “đòn tấn công đầu tiên” nhằm vào Matxcơva liên quan vấn đề Ukraine. Các ngân hàng Nga mà Anh tuyên bố trừng phạt gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, cùng 3 tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg sẽ bị đóng băng toàn bộ tài sản tại Anh. Bên cạnh đó, các tỷ phú này sẽ bị cấm đến Anh. Mọi cá nhân và thực thể tại Anh không được phép giao dịch với các tỷ phú này cũng như các ngân hàng bị trừng phạt.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 22-2 cũng tuyên bố, các thành viên liên minh đã nhất trí về những đòn trừng phạt nhằm “gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Nga”. Theo đó, có 351 nghị sĩ thuộc Duma Quốc gia Nga sẽ bị phong tỏa tài sản họ gửi tại châu Âu, cũng như bị cấm nhập cảnh vào các nước thành viên EU. Ngoài ra, EU sẽ trừng phạt 27 cá nhân và thực thể Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ “đánh giá lại việc chứng nhận dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2” (Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, là đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức) như một biện pháp đáp trả hành động của Nga. Quyết định khá bất ngờ này của Đức cho thấy, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu sẵn sàng nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng khổng lồ của Nga, ngay cả khi biện pháp này làm tăng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu bởi Nga hiện là nguồn cung cấp gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu cho cựu lục địa.
Ngoài châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng công bố các biện pháp trừng phạt Nga như sẽ đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan các khu vực ly khai của Ukraine. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này. Trong khi đó, Australia cùng ngày cũng thông báo áp đặt trừng phạt Nga liên quan vấn đề trên.
Còn thời gian để ngăn “kịch bản tồi tệ nhất”?
Những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh dồn dập tung ra nhằm vào Nga đã ảnh hưởng ngay tới thị trường tài chính của quốc gia này. Theo đó, chỉ số chứng khoán MOEX của Nga đã giảm 1,5% vào ngày 22-2 sau khi giảm hơn 10% vào ngày 21-2. Cổ phiếu của “ông lớn” dầu mỏ Nga Rosneft bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 22-2 với mức giảm 7,5%. Tổng cộng hơn 30 tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Nga trong tuần này khi mà căng thẳng trong vấn đề Ukraine ngày càng leo thang.
Cũng theo giới phân tích tài chính, những biện pháp trừng phạt thông thường có thể làm giảm 1% GDP của Nga, nhưng những biện pháp mạnh tay hơn như loại nước này ra khỏi Hệ thống liên ngân hàng quốc tế để chuyển thông tin và thực hiện thanh toán (SWIFT) có thể làm giảm tới 5% GDP.
Thế nhưng, những tính toán trên có thể chỉ là về lý thuyết vì nền kinh tế Nga hiện giờ đang ở một vị thế tốt hơn để có thể chống chọi với các biện pháp trừng phạt. Trước đó, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, lệnh trừng phạt của phương Tây cộng với giá dầu giảm đã làm giảm 2% GDP của Nga và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính với nước này. Song hiện nay, sự hồi phục của nền kinh tế Nga mạnh hơn, nợ nước ngoài thấp hơn và sự kết nối tài chính với các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng ít hơn.
Cơ cấu nền kinh tế Nga cũng có nhiều thay đổi. Từ năm 2014 đến nay, Matxcơva đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay và đầu tư nước ngoài, đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội thương mại mới từ những thị trường khác, trong đó cường quốc kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc là phần quan trọng trong chiến lược đó. Nga thậm chí đẩy mạnh quan hệ đối tác, làm ăn với “sân sau” của Mỹ ở Mỹ Latin.
Cũng kể từ năm 2014, Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tài chính. Vàng và đồng euro chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đồng USD, hiện chỉ chiếm 16% trong kho dự trữ của Nga. Nước này cũng có một số biện pháp bảo vệ kinh tế mạnh mẽ, chẳng hạn như khối lượng dự trữ ngoại tệ đạt 635 tỷ USD (chiếm khoảng 1/3 GDP) và tỷ lệ nợ trên GDP khá thấp (khoảng 18% vào năm 2021). Chưa kể, Matxcơva đã thực hiện những bước đầu tiên để tạo ra hệ thống thanh toán quốc tế riêng phòng trường hợp bị loại khỏi SWIFT.
Tổng thống Vladimir Putin khi đề cập tới sự ứng phó của Nga với đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã không nói cụ thể sẽ ứng phó ra sao, song khẳng định “luôn có một giải pháp”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, cần tăng cường sức mạnh bản thân từ bên trong và trên tất cả là sức mạnh của nền kinh tế.
Có thể thấy, leo thang căng thẳng hay leo thang trừng phạt không phải là lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden khi công bố các biện pháp trừng phạt Nga cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán khi nhấn mạnh, “vẫn còn thời gian để ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất” thông qua con đường ngoại giao.
Hoàng Hà
Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine? |
Ngoại giao ráo riết tháo ngòi nổ Ukraine |
Quốc gia nào sẽ đứng ra bảo vệ Ukraine? |