“Quản ngân khố quốc gia thế nào?“ là câu hỏi ai cũng muốn có câu trả lời, nhất là trong bối cảnh nợ công ngày càng cao. Cụ thể, giai đoạn 2011 -2015, nợ công tăng bình quân mỗi năm là 18,4%. Đến 2016 tăng 15% và 2017 là 9%. Điều đáng nói, trong cơ cấu ngân sách, chi thường xuyên bao giờ cũng chiếm tỷ lệ chính, ví như năm 2018 chiếm 72,8%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, câu chuyện thu - chi ngân sách một lần nữa thu hút sự quan tâm của các đại biểu và dư luận.
Nắm trọng trách giữ tay hòm chìa khóa, câu chuyện thu - chi ngân sách và bài toán nợ công đối với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Thu 3 đồng tiêu 2 đồng và nỗi lo nợ công tăng hàng năm
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế đều không đạt. Theo đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 162.000 tỷ đồng, giảm 4.900 tỷ đồng (giảm 2,9%) so với dự toán. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước thực hiện cả năm đạt 189.000 tỷ đồng, giảm 33.600 tỷ đồng (giảm 15,1%) so với dự toán.
Trong khi đó khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, ước thực hiện cả năm đạt 213.000 tỷ đồng, giảm 4.850 tỷ đồng (giảm 2,2%) so với dự toán.
Mặt khác, năm 2017, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 1,289 triệu tỷ đồng. Trong khi chi thường xuyên 912,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 70,8% tổng thu), chi trả nợ lãi 98,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,7% tổng thu). Năm 2018, tổng thu cả năm ước đạt 1,358 triệu tỷ đồng, trong khi chi thường xuyên ước 988,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,8%), chi trả nợ lãi 112,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,3%).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Chiều 22.10, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ước tính dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, trong phạm vi cho phép. Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực.
Cơ cấu thu - chi thường xuyên giai đoạn 2015 - 2018
Kết quả thu NSNN vượt dự toán là nhờ tăng thu từ dầu thô, từ đất và thu từ lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, còn thực chất, thu từ các khu vực kinh tế hụt dự toán khá lớn.
Các khoản thu từ đất ước vượt dự toán 38.700 tỷ đồng; thu từ dầu thô ước vượt dự toán 19.100 tỷ đồng; thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN; tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ước vượt dự toán 7.000 tỷ đồng. Nếu không tính các khoản thu trên, thực chất, thu nội địa hụt dự toán 35.600 tỷ đồng, tổng thu NSNN hụt dự toán là 54.500 tỷ đồng.
Đối với các địa phương, thu NSĐP về tổng thể vượt dự toán, nhưng chủ yếu tăng thu từ đất; nếu loại trừ thu từ đất thì một số địa phương dự ước sẽ bị hụt thu. Vì vậy, kết quả thu NSNN năm 2018 cho thấy, nguồn thu của NSNN chưa chắc chắn và bền vững, chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nêu từ những năm trước.
Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỷ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người Việt Nam có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm nay, tăng khoảng 3 triệu đồng so với năm 2017.
Khi tăng thuế để tăng thu ngân sách
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, bức tranh thu - chi ngân sách trong năm 2018 hay nhiều năm liền trước đó dường như không có quá nhiều thay đổi. Đặc biêt, con số thu chi ngân sách càng nói lên nhiều điều.
Theo TS. Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Viện Ngân hàng - Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân, xét cơ cấu giữa thu thường xuyên với chi thường xuyên NSNN có thể thấy tính bền vững NSNN có xu hướng giảm, thiếu bền vững. Vì vậy tăng thuế trong những năm tới là xu thế tất yếu.
Theo đó, năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng thuế GTGT thêm 2% gặp sự phản ứng mạnh mẽ trong cả nước, cuối cùng lại kết luận tạm thời chưa tăng.
Đầu năm 2018, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu thêm 1000đồng/lít xăng có thể đem lại hơn 15.000 tỷ cũng vấp phải các ý kiến trái chiều, phần lớn chưa ủng hộ. Tiếp đến là dự thảo sẽ đánh thuế tài sản với mức thuế suất từ 0,3% - 0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Song song với đó có các đề án và dự thảo sửa đổi 6 luật thuế như, mở rộng cơ sở thuế: Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế tài nguyên và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với tinh thần là mở rộng cơ sở thuế tăng thu cho NSNN phù hợp với thông lệ quốc tế. Vậy những vấn đề gì cần ưu tiên xem xét hiện nay với các văn bản thuế sửa đổi?
“Tăng thuế là kết quả của tăng chi tiêu ngân sách Nhà nước theo quy luật Mở rộng Nhà nước. Việt Nam không ngoại lệ so với các nước trên thế giới khi chi tiêu ngân sách tăng nhanh hơn 10%/năm, có giai đoạn lên tới hơn 20%, tốc độ tăng chi tiêu ngân sách nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Từ đó, tạo ra sức ép nguồn thu NSNN lấy từ đâu để tài trợ cho chi tiêu?”, TS. Phan Hữu Nghị đặt câu hỏi.
Dự toán cân đối NSNN giai đoạn 2013 - 2017
Đặc biệt, nếu xem xét một cách khách quan thì tính bền vững NSNN từ lâu nay đã rất “yếu” nên khi kinh tế gặp khó khăn, số thu suy giảm, những hạn chế sẽ được bộc lộ rõ hơn.
Cụ thể, nguyên tắc cơ bản trong điều hành là: thu thường xuyên ngân sách nhà nước nói chung phải lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để dành một phần thu thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.
Chính vì vậy, việc đi vay nợ chỉ nhằm cho chi đầu tư phát triển chứ không phải chi thường xuyên và đó chính là công cụ trái phiếu Chính phủ hay công trái nhưng từ nhiều năm nay thu thường xuyên chỉ đủ cho chi thường xuyên có nhiều năm không đủ.
“Nếu giảm trừ thu từ dầu thô, thuế tài nguyên hay thu hồi vốn của doanh nghiệp nhà nước thì thu thường xuyên không đủ chi thường xuyên, tức là nhà nước phải đi vay cho chi thường xuyên”, TS. Phan Hữu Nghị tiếp tục phân tích.
Từ đây, ông Nghị cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm bộ máy. Vì tiền lương công chức viên chức là khoản chi chiếm tỷ trọng rất lớn trong NSNN. Bên cạnh đó cần xem lại chi đầu tư công và khai thác tiềm lực tài chính từ tài sản công, vì giá trị tài sản công hiện tại có giá trị rất lớn gấp hơn 2 lần GDP của nước ta và hàng năm cần khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư nhằm duy tu sửa chữa bảo dưỡng khá lớn. Kết hợp với đó là việc quản lý vốn, tài sản thật hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu khai thác tốt nguồn tài sản công này sẽ là nguồn thu thường xuyên và lâu dài của NSNN.
Bán cổ phần DNNN, tìm kiếm thêm nguồn thu
Nhiều lần trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, cổ phần hóa các DNNN để tạo động lực mới cho phát triển sẽ giúp cho nguồn thu ngân sách nhiều hơn.
Bộ Tài Chính chỉ cần đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để bán vốn nhà nước là có được một nguồn thu lớn, ví dụ như trường hợp bán cổ phần Sabeco, Vinamilk. Việc bán cổ phần DNNN sẽ mang về một số tiền lớn, không chỉ bù đắp thiếu hụt NSNN mà còn có tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đồng thời giảm áp lực thu NSNN. Điều này hoàn toàn đúng định hướng của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh
Ông Đinh Tuấn Minh cho biết ở nhiều nước họ thu phí xăng dầu, nhưng sau đó không chi cho bảo vệ môi trường mà chi cho giáo dục, y tế. Nhưng họ rất rất rõ ràng trong vấn đề thu – chi ngân sách, ở đây là dùng nguồn thu này để bù đắp cho vấn đề kia.
"Có những khoản thu đặc thù mà phải dùng những sắc thuế, phí đặc thù để bù đắp. Những khoản đó phải có sự minh bạch, có thể giám sát để biết nó được sử dụng đúng mục đích, chứ không phải dùng chung cho tất cả các mục đích.
Nếu không làm như vậy sẽ dẫn tới tất cả các nguồn thu hòa vào chung trong tổng thể NSNN, dẫn tới tình trạng tù mù trong câu chuyện chi hay nói cách khác là chi không đúng mục đích. Lúc này, những khoản thu về cũng dễ trở thành những khoản thu không kiểm soát đúng đối tượng. Điều này tạo một ngân sách không được minh bạch.
Ví dụ, khi thu thuế xăng, dầu, có thể người nghèo không phải là đối tượng chính sách ảnh hướng tới khi thu nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn”, ông Tuấn phân tích.
Trước cao tốc 34.000 tỷ chi chít ổ gà do mưa, loạt dự án VEC khiến ODA đội trần gần 37.000 tỷ
Không chỉ “ổ trâu, ổ gà” xuất hiện trên cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra ... |
Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: Nặng nợ công...
Vấn đề sử dụng vốn ODA tại dự án này đã không mang lại hiệu quả, làm chi phí phát sinh, đánh mất nhiều cơ ... |
Gánh nặng nợ công “đè” tăng trưởng kinh tế
Nợ công tăng quá cao có thể sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún ... |
Nợ công cao, áp lực trả nợ tăng mạnh
Tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng an toàn, tuy nhiên, nợ nước ngoài và áp lực trả nợ tăng mạnh ... |