Metro Nhổn- Ga Hà Nội dừng thi công đoạn đi ngầm đến bao giờ?

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ đoạn thi công phần đi ngầm của tuyến đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội vẫn đang án binh bất động. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mặt bằng kéo dài khiến các nhà thầu đòi bồi thường.

12 năm vẫn ì ạch giải phóng mặt bằng

Dự án tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội được phê duyệt vào tháng 4/2009, nhưng phải đợi đến tháng 9/2010 mới được khởi công; năm 2013 tiếp tục được điều chỉnh. Giai đoạn từ năm 2009 - 2016, dự án gần như giậm chân tại chỗ.

Từ đó tới nay, sau khi nhân sự Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) - đại diện chủ đầu tư được thay đổi, dự án đã có những bước tiến rất dài, những điều chỉnh chính xác nhằm đẩy nhanh tiến độ. Điển hình là tách dự án thành hai giai đoạn, ưu tiên đưa đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy vào khai thác, song song với đó là thi công đoạn ngầm từ ga S9 - S12.

Metro Nhổn- Ga Hà Nội dừng thi công đoạn đi ngầm đến bao giờ? ảnh 1
Nhiều ga ngầm của dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội vẫn chưa xong mặt bằng

Tuy nhiên, dù là dự án trọng điểm của thành phố nhưng cũng gặp phải tình trạng nGPMB quá chậm chạp. Đến hiện tại, nhiều điểm ga ngầm vẫn chưa được các giải phóng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Trong khi vào tháng 3/2021 công tác lắp đặt 2 robot đào ngầm máy TBM của dự án đã hoàn thiện và dự kiến, tháng 5 sẽ bắt đầu đào ngầm. Theo thiết kế, kinh nghiệm trên thế giới với địa hình địa chất thì mỗi ngày đào 10m, với điều kiện lý tưởng, đoạn đi ngầm dài 4km thì thời gian đào hầm mất khoảng 400 ngày. Nhưng đến nay đã sang tháng 10/2021, hai máy đào ngầm TBM của dự án vẫn nằm im chờ đợi.

Metro Nhổn- Ga Hà Nội dừng thi công đoạn đi ngầm đến bao giờ? ảnh 2
Ga ngầm Trần Hưng Đạo hiện chỉ thi công được từng bên

Lãnh đạo MRB Hà Nội thông tin, hiện vướng mắc mặt bằng chủ yếu phát sinh tại 4 ga ngầm S9 (Kim Mã), S10 (Cát Linh), S11 (Quốc Tử Giám), S12 (Trần Hưng Đạo).

Trong đó ga ngầm S12 đã được UBND quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng để bắt đầu quây rào thi công nửa phía Bắc từ tháng 6/2019. Nhưng mặt bằng bàn giao lại chưa “sạch”.

Trong quá trình đào thăm dò nhà thầu liên tục phát hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chôn ngầm dọc vỉa hè, do đó đến tháng 9/2019 mặt bằng mới chính thức được bàn giao. Do mặt bằng chật hẹp và vẫn phải đảm bảo giao thông trên đường Trần Hưng Đạo nên theo biện pháp thi công được duyệt, ga ngầm S12 được thi công lần lượt theo từng nửa nhà ga.

Ngoài ra, hiện còn vướng mắc GPMB tại ga S11, cụ thể là số nhà 23 Quốc Tử Giám và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm chưa được di dời; khung chính sách đền bù, hỗ trợ chưa được phê duyệt.

Dự án đình trệ, thêm chi phí

Từ tháng 7/2021, nhà thầu liên danh Hyundai – Ghella (nhà thầu gói gầm CP03) lấy lý do này đã tạm dừng thi công trên toàn bộ gói thầu tuyến ngầm.

Đại diện Metro Hà Nội cho rằng, việc giải quyết các vướng mắc về GPMB đóng vai trò quyết định nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên, thiết thực của UBND TP, Sở GTVT cùng các sở ngành liên quan và trên hết là sự chia sẻ, ủng hộ của nhân dân Hà Nội.

Trước đó, lãnh đạo UBND TP cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, các sở, ngành, nhà tài trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; Giao Metro Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị trong tổ chức thi công, giải quyết các tồn tại, đàm phán với các nhà thấu để báo cáo UBND TP về chi phí bổ sung cho nhà thầu và đưa nhà thầu trở lại thi công.

Theo thông tin mới nhất từ MRB Hà Nội, hiện liên danh nhà thầu Huyndai- Ghella đã đồng ý hỗ trợ GPMB tại khu vực ga Văn Miếu. Chủ đầu tư và nhà thầu sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, máy móc để tháo dỡ mặt bằng trong vòng 3 ngày.

Để tập trung, thống nhất chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, ngày 13/8/2021 UBND TP đã có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường phối hợp, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ metro Nhổn-Ga Hà Nội.

Trong khi đó, với đoạn trên cao cũng dự kiến khai thác trước vào cuối năm 2021, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cũng phải lùi sang năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng, không những trên địa bàn Hà Nội mà nhiều đô thị lớn các dự án có đấu thầu quốc tế đều vướng khâu mặt bằng khiến tiến độ bị chậm. Tuy vậy, nhà thầu quốc tế, luật quốc tế, sai là phải chịu phạt, mà phạt rất nặng, hàng trăm tỷ đồng.

Nếu không chịu phạt, không thoả thuận được là họ dừng thi công, hậu quả chỉ có chủ đầu tư gánh chịu. Tại dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội sẽ còn phức tạp khi mà các nhà thầu đã tạm dừng thi công và đòi bồi thường, nếu không thỏa thuận được sẽ tiếp tục khiến dự án bị đình trệ.

10 đoàn tàu tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội đã có mặt ở Việt Nam 10 đoàn tàu tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội đã có mặt ở Việt Nam

Chiều tối qua, 16/9, đánh dấu sự kiện quan trọng của tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn- Ga Hà Nội khi đoàn tàu ...

/ anninhthudo.vn