Lũ lụt Trung Quốc: Thực trạng ở nông thôn qua lời kêu gọi trở về cứu đê

Khi lũ lụt ở Trung Quốc ảnh hưởng tới nhiều khu vực ở miền trung và miền nam, một số vùng nông thôn đã kêu gọi lao động di cư khỏe mạnh trở về ứng phó lũ lụt, cứu quê hương. 

Binh sĩ Trung Quốc tham gia hỗ trợ phòng chống lũ ở Giang Châu. Ảnh: SCMP.

Tiết lộ sốc về nông thôn Trung Quốc

Hay tin nước lũ dâng cao đe dọa quê nhà ở tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc, Zhou Yanfu lập tức trở về để cứu mẹ già đã 80 tuổi.

Chỉ 2 ngày sau khi cứu mẹ xong, ông tiếp tục được gọi trở về - lần này là để cứu thị trấn đảo Giang Châu quê hương, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Zhou, 59 tuổi, sống và làm việc tại thành phố Cửu Giang, phía bên kia sông Dương Tử. Thị trấn đảo Giang Châu quê nhà ông nằm ở giữa sông và đang đối mặt với nguy cơ từ lũ lụt lớn  vốn đang hoành hành khắp 27 tỉnh thành và gây ảnh hưởng tới hơn 34 triệu người khắp Trung Quốc. 

Chỉ mang một chiếc balo trở về, Zhou đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của giới chức Giang Châu, kêu gọi nam giới khỏe mạnh của đảo trở về bảo vệ quê hương. "Đây là nhiệm vụ của tôi. Tôi có thể tuần tra và giúp chuẩn bị kiểm soát lũ" - Zhou nói. 

Khi nước lũ dâng cao, cư dân chuẩn bị lên phà rời khỏi Giang Châu - thị trấn trên một đảo nhỏ giữa sông Dương Tử. Ảnh: SCMP

Ông là một trong hàng trăm triệu cư dân nông thôn Trung Quốc đã rời khỏi vùng nông thôn trong những thập kỷ gần đây để sống và làm việc tại các thành phố lớn. 

Hầu hết những người trẻ tuổi đã rời Giang Châu để tìm cơ hội ở nơi khác, chỉ con người già và con em của những bậc phụ huynh quá khó khăn để đưa con lên thành phố lớn sống cùng họ. 

Trong lá thư kêu gọi công khai, chính quyền Giang Châu cho biết: "Hiện chỉ có khoảng 7.000 người ở Giang Châu, hầu hết là người già và phụ nữ, với lực lượng lao động có thể triển khai chưa đến 1.000". Do đó, tất cả những nam giới ở Giang Châu trong độ tuổi từ 18-60 được kêu gọi trở về để bảo vệ đê bao, chống lũ lụt. 

Lá thư được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc, hé lộ sự thay đổi nhân khẩu học gây sốc ở Trung Quốc, SCMP nhận định. Theo dữ liệu dân số gần đây nhất của Giang Châu, năm 2013, hòn đảo có 36.251 cư dân. Nói cách khác, hòn đảo này đã mất khoảng 80% dân số trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Sau thư ngỏ kêu gọi, khoảng 3.000 người lao động đã trở lại quê hương, chính quyền địa phương cho biết. 

Mối đe dọa vẫn nghiêm trọng

Zhou nhớ lại đại hồng thủy năm 1998 từng ảnh hưởng tới thị trấn. Khi đó, ông cũng tham gia cứu đê. "Vào thời điểm đó có thể là khoảng 1/10 cư dân rời Giang Châu. Còn bây giờ, 9/10 đã rời đi" - ông nói. 

Đây là vấn đề không riêng của Giang Châu. Huyện Tân Kiến, Nam Xương, tỉnh Giang Tây cũng gửi thư kêu gọi nam thanh niên trở về quê hương để chống lũ. 

Những thay đổi về nhân khẩu học của Trung Quốc - với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, tỉ lệ sinh giảm, xã hội già hóa nhanh chóng và dân cư tập trung ở một vài trung tâm kinh tế.

Từ cuối năm 2019, mức độ đô thị hóa của Trung Quốc tăng lên 60,6%, với khoảng 848 triệu trong số 1,4 tỉ người sống ở các thành phố.

Lực lượng lao động Trung Quốc - những người trong độ tuổi từ 16 đến 59 - đã giảm trong nhiều năm. Điều này tác động đặc biệt nặng nề tới các ngôi làng và thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn như Giang Châu, nơi có rất ít triển vọng việc làm.

Khi mực nước lũ dâng cao hơn đê bao quanh đảo, dân đảo và binh sĩ đã xay dựng tuyến phòng thủ dài 10km từ các tấm chất dẻo và bao cát. 

Hôm 14.7, đỉnh lũ trên sông Dương Tử đã qua ở vùng Cửu Giang, hướng về hạ lưu đến các tỉnh khác ở phía đông Trung Quốc. Tuy nhiên, mực nước ở các hồ và phụ lưu vẫn ở mức cao và Giang Châu vẫn trong tình trạng báo động cao.

Gao Xuewu, người gốc thị trấn, cũng đã nghỉ làm ở Cửu Giang để trở về giúp đỡ quê hương. Ông ở một trạm quan sát lũ tạm gần đê trong hơn 24 tiếng để kiểm tra 30 phút một lần xem có bị sự cố rò rỉ không. 

"Lũ lụt thật nghiêm trọng. Tôi là một phần của Giang Châu. Tôi phải trở lại và đóng góp phần của mình" - ông nói.

Thực phẩm Trung Quốc đắt đỏ vì lũ lụt và Covid-19
Lũ lớn "bất lực" trước đền cổ hơn 700 tuổi của Trung Quốc
Trung Quốc: Khi nào mưa và áp lực lũ lụt được giải tỏa?
/ laodong.vn