Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đặt ra câu hỏi hóc búa với Trung Quốc: làm sao để hỗ trợ đối tác chiến lược khi quan hệ với Mỹ, châu Âu cũng có vai trò quan trọng.
Trung Quốc được coi là người bạn duy nhất có thể giúp Nga giảm thiểu tác động của biện pháp trừng phạt kinh tế và Mỹ và châu Âu áp đặt đối với quốc gia này sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đối với Ukraine. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa phát đi tín hiệu cho thấy ông sẵn sàng mạo hiểm đánh mất việc tiếp cận với các thị trường của Mỹ và châu Âu để hỗ trợ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tass) |
Một số nhà phân tích cho biết, ngay cả khi Trung Quốc muốn làm điều đó, khả năng hỗ trợ Tổng thống Putin bằng việc nhập khẩu thêm khí đốt và hàng hóa của Nga cũng bị hạn chế.
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã ấm dần lên kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chủ yếu được thúc đẩy do sự đối đầu với Mỹ. Nhưng các lợi ích của 2 quốc gia này vẫn có thể xung đột. Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều tăng cường tổ chức các cuộc tập trận chung, song Tổng thống Putin có vẻ như vẫn không thoải mái về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Trung Á và vùng Viễn Đông của Nga.
Li Xin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho biết: “Quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nhưng hai nước không phải là một liên minh”.
Phản ứng trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu đã tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng, quan chức, lãnh đạo doanh nghiêm và công ty của Nga, thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm làm suy yếu các ngành công nghiệp và quân đội của Nga. Mới nhất hôm qua (26/2), các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.
Các chuyên gia cho biết, chính phủ Trung Quốc có thể hỗ trợ Tổng thống Putin khắc phục phần nào hậu quả của những biện pháp hạn chế đó và các công ty Trung Quốc có thể tận dụng tình hình để theo đuổi các thỏa thuận tốt hơn. Nhưng ông Mark Williams, Kinh tế trưởng thị trường châu Á của Capital Economics cho rằng, Trung Quốc có lẽ không muốn can dự sâu đến mức phải chịu thiệt hại nghiêm trọng chỉ vì giúp đỡ Nga.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Nga đã tăng lên đến 146,9 tỷ USD vào năm 2021, song con số này chưa bằng 1/10 so với 1,6 nghìn tỷ USD trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và EU.
“Tất cả sẽ phụ thuộc vào liệc liệu Trung Quốc có sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi việc từ bỏ tiếp cận các thị trường phương Tây để giúp Nga hay không. Tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra bởi với Trung Quốc, Nga không phải là một thị trường qúa lớn”, ông Li Xin nhận định.
Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Nước này kêu gọi các bên liên quan tham gia đối thoại, đồng thời cam kết duy trì quan hệ thương mại bình thường với cả Nga và Ukraine.
Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia và hiện là chủ tịch Hiệp hội Châu Á nhận định: “Mức độ hỗ trợ mà Nga nhận được từ Trung Quốc có thể là một yếu tố quan trọng để đánh giá liệu nước này có đủ khả năng khắc phục những hậu quả lâu dài của các lệnh trừng phạt hay không”.
Việc Trung Quốc ký kết các thỏa thuận mua khí đốt Nga trị giá hàng tỷ USD từng được coi là “cứu cánh” cho Tổng thống Putin sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt thương mại và tài chính đối với Nga năm 2014 sau sự kiện nước này sáp nhập Bán đảo Crimea.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho Trung Quốc. (Ảnh: TASS) |
Chính quyền Putin đã dành cả 1 thập kỷ cố gắng mở rộng xuất khẩu sang vùng Viễn Đông nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường châu Âu. Cả Nga và Trung Quốc hiện đang cố gắng chống đô la hóa nền kinh tế, để giảm mức độ tiếp xúc của họ với hệ thống tài chính Mỹ nhằm tránh các biện pháp gây áp lực tài chính.
Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế học tại công ty IHS Markit (Anh) nhận định: “Trung Quốc sẽ là một thị trường quan trọng đối với xuất khẩu năng lượng của Nga". Tháng 1 vừa qua, hai bên đã ký thỏa thuận mua bán khí đốt kéo dài 30 năm nhưng cho biết các đường ống dẫn khí đốt sẽ không được hoàn thành trong ít nhất 3 năm.
Trong tuần này, Trung Quốc đã lần đầu tiên thông báo sẽ cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng của Nga. Quyết định này dù không thể giúp Moskva bù đắp doanh thu từ khí đốt bị mất đi nếu châu Âu quyết định dừng mua khí đốt của Nga, nhưng có thể giúp người nông dân Nga nâng cao thu nhập.
Ông Zhang Lihua, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-châu Âu tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh cho biết, bất chấp những bước tiến vượt bậc trong các thỏa thuận thương mại, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đứng về phía Nga sau khi nước này tấn công Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 25/2, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc “ủng hộ Nga và Ukraine giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”.
Sự giận dữ của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine ngày càng leo thang, cho thấy các chính phủ phương Tây sẽ theo dõi tình hình sát sao và có thể áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa. Trung Quốc từng chỉ trích những lời đe dọa của Mỹ về việc áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào nhiều công ty và ngân hàng liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc sẽ có rất ít biện pháp để bảo vệ các ngân hàng quốc doanh và các công ty của nước này có hoạt động tại nước ngoài. Chuyên gia Li Xin cho biết, một số công ty dầu khí của Trung Quốc làm ăn với các đối tác Nga đã bị tổn thương do các biện pháp trừng phạt trước đó.
HỒNG ANH
Trung Quốc cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa vụ Ukraine |
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vì tình hình Ukraine |
Trung Quốc bày tỏ lập trường việc Nga công nhận vùng ly khai Ukraine |