Còn quá sớm để nói đến việc Hà Nội sẽ cấm xe máy tham gia giao thông. Lộ trình 2030 mới chỉ là dự kiến mà chưa phải là quyết định. Chỉ còn 12 năm nữa dành cho việc xoá sổ không chỉ một phương tiện giao thông mà còn là xoá đi một thói quen đã bắt rễ trong tiềm thức thị dân hàng nửa thế kỷ là quá ít.
Vespa, dòng xe một thời vang bóng (ảnh: vietnhatpetro.com).
Nửa thế kỷ trước xe máy đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Hà Nội. Trước đó chỉ những nhà giàu hoặc có họ hàng bên Pháp mới mong sở hữu một chiếc xe gắn máy. Những xe máy cổ từ thời Pháp thuộc còn lại cũng đã đến lúc hư hỏng bỏ xó rất nhiều vì không còn nguồn phụ tùng thay thế.
Cuối thập niên ’60 đầu ’70 là lúc một số lớn lưu học sinh ở các nước xã hội chủ nghĩa mang về những chiếc xe máy ở nơi mình học tập. Nhà nước cũng nhập khẩu về những chiếc xe tương tự để phân phối cho cán bộ trung cao cấp.
Đó là các loại xe lắp động cơ 2 thì và số tay như Balkan của Bungari, Spatz, Star, MZ, Simson của Đức, Riga của Liên Xô và Java của Tiệp. Xe của Bungari có hình thức đẹp nhưng không bền bằng xe Đức. Chiếc xe máy của Đức tuy có độ bền cao hơn nhưng thiết kế khá ẩm ương. Phần lớn đèn pha vẫn chiếu thẳng khi xe đã rẽ.
Xe của Liên Xô và Tiệp rẻ tiền hơn vì chúng rất hay hỏng vặt. Đi xa nhà độ ba chục cây số anh nào cũng phải mang theo đồ nghề vặn vẹo và vài chiếc bugi dự phòng trong túi. Thế nhưng đó cũng là ao ước của rất nhiều thị dân. Nhất là những thị dân còn nhiều liên hệ gần gũi với quê nhà.
Thời gian này xe máy nhập khẩu dạng quà tặng từ các nước tư bản cũng đổ về Hà Nội. Khoảng ba phần tư số quà tặng ấy được chủ nhân của chúng bán ra thị trường lấy tiền trang trải cuộc sống. Những chiếc Solex, Mobyllete, Peugeot của Pháp. Vài chiếc Vespa của Ý. Hãn hữu lắm mới có một chiếc Honda của Nhật. Cán bộ viên chức ít người đủ tiền mua những loại xe này. Chủ yếu là những gia đình buôn bán giàu có trong phố, vài ông chủ lò gạch quanh thành phố mới đủ tiền mua.
Xe máy ngay từ ngày đầu đã có thứ bậc phân chia rõ ràng như vậy nên xuất hiện thành ngữ “lên đời”. Nó không hẳn chỉ là “đời” xe có năm sản xuất mới hơn mà còn là loại xe cao cấp hơn khi chủ nhân muốn thay đổi. Đại khái đang đi chiếc xe máy Riga có bàn đạp như xe đạp mà chuyển được sang xe Star có cần khởi động đã là một ao ước cháy bỏng. Bởi vì không chỉ khác nhau về nhãn hiệu và chiếc cần khởi động, chiếc xe Star của Đức có giá gấp đôi xe Riga. Hoặc nếu đang chạy xe Star mà đổi được sang xe tay ga Peugeot của Pháp thì là một bước “lên đời” vĩ đại. Xe Peugeot của Pháp có giá hơn một lạng vàng. Bằng tiền mua một căn nhà khang trang trong ngõ.
Lên đời xe máy sang trọng hơn không chỉ là chứng tỏ đẳng cấp ăn chơi. Nó còn thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán bởi được coi như một chứng chỉ ngầm về khả năng tài chính. Đám thanh niên ở phố đôi khi lên đời xe là gái theo cả dàn. Thành ngữ của chị em lúc ấy “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ (xe đạp Peugeot)” mới chỉ nói về độ quyến rũ của chiếc xe đạp Peugeot mà thôi. Dễ tưởng tượng khi chiếc xe máy Peugeot còn đắt tiền gấp năm lần như thế. Những cô em nõn nà ngồi vắt vẻo sau xe máy Peugeot phần lớn đều ngước mặt lên vòm cây dọc phố không chỉ để khoe chiếc cổ cao ba ngấn mà thôi.
Phong trào lên đời xe máy rầm rộ nhất vào cuối thập niên ’80 đến ’90. Từ các loại xe Xã hội chủ nghĩa như Babetta dân phố gọi là “Ba bét nhè” nâng lên thành Simson Mokick. Từ những xe Honda 50 thời giải phóng Sài Gòn nâng lên thành xe Cub 78, 79, 81, 82...Thanh niên Hà Nội chạy chiếc xe Simson không chỉ vì dáng vẻ thanh thoát công nghiệp của nó mà còn ngầm như một thông báo ta vừa đi du học ở Đức về. Đã cưỡi xe Simson chắc chắn phải thửa bằng được chiếc áo lông Đức nữa mới đủ bộ.
Những chiếc Honda của Nhật ban đầu nhập vào Việt Nam hoàn toàn là xe second-hand. Dân chơi xe ở phố nhanh chóng nắm bắt được những ưu khuyết điểm của các đời xe mà định ra giá trị của nó. Những là máy đứng, máy nằm, máy cánh, máy cối để xác định đẳng cấp máy móc. Rồi lại kim trắng, kim vàng và kim vàng giọt lệ để chỉ “đời” khác nhau của cùng một dòng xe.
Đỉnh cao của dòng xe bãi này là chiếc Cub 81 “kim vàng giọt lệ”. Nhưng phải là màu ốc bươu. Cái “giọt lệ” trong công-tơ-mét chỉ là đèn nháy báo hạn chế tốc độ mà thôi. Thế nhưng không có nó, chiếc xe rẻ đi đến mấy chỉ vàng. Lên đời xe máy lúc này đôi khi chỉ là lên đời cái “giọt lệ” ấy.
Những chiếc xe nhập khẩu mới tinh của Honda có mặt phổ biến vào thập niên ’90. Dân phố nhanh chóng lên đời từ những xe Cub 81 lên xe mới Cub 82. Rồi đến Dream, @, Spacy, SH... Lúc này các loại xe máy sang trọng của Vespa, Piagio, Yamaha... cũng nhập về ồ ạt. Lên đời xe lúc này chỉ đơn thuần là mua xe có giá trị lớn hơn mà thôi. Độ bền của xe không mấy ai để ý nữa.
Ở quán bia bây giờ người ta nói với nhau về chuyện “lên đời” xe có nghĩa là nói về ôtô. Có anh chàng trông trí thức sạch sẽ điềm đạm khi được bạn hỏi “Bây giờ ông đi xe gì?”. Anh ta thản nhiên đáp “Vẫn chạy con mui trần chân chống cạnh”. Ngậm ngùi một cách sang trọng đến thế là cùng. 1.2018
Bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh từ 6 tuổi
Thủ tướng có chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc ... |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Chưa cấm hẳn xe máy
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, không phải cấm hẳn xe máy mà Hà Nội chỉ đưa ra lộ trình từ nay đến năm ... |