Khủng hoảng Ukraine phủ bóng Thông điệp liên bang của Tổng thống Biden

Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào tình hình Ukraine và cách ứng xử với Nga, trong bối cảnh phương Tây thể hiện quyết tâm cô lập Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng.

Mỹ không tham chiến ở Ukraine

Mở đầu Thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kì Tổng thống thứ nhất của mình sáng 2/3 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ngay sau đó, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ đóng không phận với Nga sau khi các nước Liên minh châu Âu (EU) có động thái tương tự. Tổng thống Mỹ cho biết Bộ Tư pháp nước này đang triển khai một lực lượng chuyên trách để tham gia nỗ lực chung với các nước EU trong việc trừng phạt các tỉ phú siêu giàu của Nga cùng nhiều tài sản giá trị của họ như du thuyền, máy bay riêng, căn hộ hạng sang.

Có mặt tại tòa nhà Quốc hội nơi ông Biden đọc Thông điệp liên bang còn có bà Oksana Markarova, Đại sứ Ukraine tại Mỹ. Bà Markarova là khách mời của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Đứng trên bục phía sau ông Biden là Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Tổng thống Biden đã đề nghị mọi thành viên của lưỡng viện Quốc hội Mỹ đứng lên để bày tỏ quan điểm ủng hộ với người dân Ukraine trong tình thế hiện nay. Ông cũng cho biết, Mỹ đang “hỗ trợ hơn 1 tỷ USD trực tiếp cho Ukraine”, bao gồm các gói viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo từ Washington và các đồng minh.

Tuy nhiên, ông tái khẳng định Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ tới Ukraine tham chiến trong bất cứ tình huống nào. “Các lực lượng của chúng tôi sẽ không tới châu Âu để tham chiến tại Ukraine, mà sẽ bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi”, nhà lãnh đạo Mỹ nói, đề cập đến hoạt động tăng cường lực lượng tới các nước Ba Lan, Romania, Latvia, Litva và Estonia.

Trước bối cảnh xuất hiện những lo ngại tình hình xung đột và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ khiến giá dầu và khí đốt tăng, từ đó tác động trực tiếp vào kinh tế thế giới, ông Biden tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt tình hình. “Chúng ta sẽ ổn thôi”, ông Biden nói. Trong số 60 triệu thùng dầu nói trên, 30 triệu thùng đến từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ, số còn lại đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á bao gồm Đức, Anh, Italy, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

8.jpg -0

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang. Ảnh: AP

Ưu tiên chống lạm phát

Theo Reuters, trong Thông điệp, ông Biden đưa ra giải pháp cho một trong những vấn đề thách thức nhất: lạm phát. Để khắc phục điều này, Mỹ cần tăng cường sản xuất các sản phẩm trong nước, giảm giá thành, cũng như hạn chế lệ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Một số chuyên gia mô tả quan điểm này của ông Biden gợi nhớ đến chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

“Một cách để chống lạm phát là giảm lương, nhưng khiến người Mỹ nghèo hơn. Tôi có ý tưởng tốt hơn để chống lạm phát, đó là giảm chi phí của quý vị thay vì giảm lương”, Tổng thống Mỹ giải thích. “Nhiều việc làm hơn để bạn có thể kiếm sống tốt ở Mỹ. Thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, hãy sản xuất tại Mỹ... Điều đó có nghĩa là cần sản xuất xe hơi và chất bán dẫn ngay tại nước Mỹ nhiều hơn nữa”.

Theo ông Biden, chính quyền ông lên kế hoạch bắt đầu sửa chữa hơn 100.000km đường cao tốc và 1.500 cây cầu trong năm nay, thông qua nguồn vốn từ Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, đồng thời cảm ơn các nghị sĩ vì đã thông qua luật này. Nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng hạ tầng tốt hơn sẽ khiến nền kinh tế phát triển nhanh hơn. “Hãy chờ xem, nó sẽ biến đổi nước Mỹ và đưa chúng ta vào con đường chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21”, ông Biden khẳng định.

Tổng thống Mỹ cũng dành một phần quan trọng trong Thông điệp liên bang để nói về COVID-19, những vấn đề Mỹ đang đối mặt và cả chiến lược ứng xử tiếp theo để trở lại trạng thái bình thường. Ông kêu gọi người Mỹ “trở lại với công việc” và làm hồi sinh các khu vực kinh tế sôi động. “Đã tới lúc nước Mỹ trở lại với công việc và làm cho các khu trung tâm tuyệt vời của chúng ta sầm uất trở lại”, ông nói. “Những người làm việc ở nhà có thể cảm thấy an toàn khi bắt đầu quay lại công sở... Chúng tôi đang làm điều đó tại cơ quan chính phủ liên bang. Phần lớn các nhân viên liên bang đã trở lại làm việc trực tiếp”.

Cho rằng vẫn có nguy cơ xuất hiện những chủng mới của virus SARS-CoV-2, người đứng đầu Nhà Trắng tiết lộ, Mỹ đã đặt mua thêm thuốc kháng virus nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ông công bố sáng kiến “Xét nghiệm để điều trị”, trong đó yêu cầu người Mỹ có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay tại hiệu thuốc và nhận thuốc kháng virus miễn phí nếu họ dương tính.

Theo CNN, năm ngoái ông Biden cũng có một bài phát biểu trước Quốc hội, nhưng đó không xem là Thông điệp liên bang, bởi năm 2021 là năm đầu tiên nhiệm kì của ông. Kể từ năm 1977, các tân Tổng thống Mỹ không xem bài phát biểu đầu tiên của họ trước Quốc hội là Thông điệp liên bang. Kết thúc Thông điệp liên bang 2022, ông Biden quả quyết Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới luôn biến mọi cuộc khủng hoảng thành cơ hội. “Đây là thời điểm để chúng ta đối mặt và vượt qua những thách thức của thời đại”, ông nói.

Thái Hà

Vì sao Donbass trở thành tâm điểm khủng hoảng Ukraine? Vì sao Donbass trở thành tâm điểm khủng hoảng Ukraine?
Mỹ tái thống trị ngành sản xuất dầu nhờ khủng hoảng Ukraine? Mỹ tái thống trị ngành sản xuất dầu nhờ khủng hoảng Ukraine?

/ cand.com.vn