Mâu thuẫn Nga-Ukraine đẩy giá dầu tăng vọt, vô tình tạo cơ hội cho các nhà khai thác Mỹ chuyển mình sau 2 năm khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kể từ năm 2020, hậu quả của đại dịch COVID-19 gần như đã “xé nát” ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Giá cả lao dốc khiến các nhà khai thác trở nên e ngại khi đầu tư vào các giếng dầu. Tuy nhiên, cùng với loạt tin tức về nguy cơ xung đột quân sự Nga-Ukraine trên các kênh truyền thông gần đây, giá của loại mặt hàng này cũng có xu hướng tăng không ngừng.
Chiều ngày 16/2, chỉ số dầu WTI đã tăng tới 2,6%, lên mức 94,50 USD/thùng.
Hiện giá dầu đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, điều này tạo động lực cho các nhà khai thác và sản xuất dầu khí của Mỹ. Ông Dan Yergin, phó chủ tịch công ty cung cấp dịch vụ và thông tin tài chính IHS Markit, cho biết chính các động thái của Nga về Ukraine đã thúc đẩy giá cả và giúp Mỹ tăng cường sản xuất dầu cùng khí đốt.
Hiện giá dầu đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. (Ảnh: Bloomberg) |
Nguồn cung nhiên liệu toàn cầu gặp nguy hiểm
Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất của châu Âu. Nước này vận chuyển nhiên liệu nhờ các đường ống chạy qua Ukraine và nhiều đường ống khác. Từ lâu, Mỹ đã cảnh báo rằng việc Nga kiểm soát các nguồn năng lượng quan trọng có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng ở các nước phương Tây.
Do đó, khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Mỹ đã có các hành động nhằm vào ngành xuất khẩu dầu khí của Nga, bắt đầu từ Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) - đường ống được xây dựng để đưa khí đốt từ Nga đến Đức mà không cần thông qua Ukraine. Dự án này đã hoàn thành nhưng vẫn đang chờ Đức phê duyệt. Hôm 15/2, Tổng thống Mỹ Biden nhắc lại rằng nếu Nga tấn công quân sự vào Ukraine, Nord Stream 2 sẽ không được phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga. Các nhà phân tích cho rằng tình huống xấu nhất là Nga sẽ bị cấm bán nhiên liệu cho châu Âu, hoặc chính Moskva tự cắt nguồn cung để trả đũa.
Việc năng lượng trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu và khí đốt của châu Âu tăng vọt trong suốt mùa đông do lo ngại thiếu nguồn cung. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu của thế giới đang tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Dự kiến, nhu cầu sẽ còn tiếp tục liên cao vào hè năm nay, khi các hạn chế đi lại bằng đường hàng không được nới lỏng.
Dù Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung dầu khí bổ sung, nhưng khó mà thay thế được Nga - nước xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày. Nếu xung đột toàn diện nổ ra, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.
Kể từ năm 2020, những hậu quả của đại dịch COVID-19 gần như đã “xé nát” ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. |
Mỹ lần đầu vượt mặt Nga về dầu khí
Trước đại dịch, Mỹ từng là nước đứng đầu về sản xuất dầu và khí đốt. Sau 2 năm sóng gió, phó chủ tịch IHS Markit cho rằng nước này đang dần lấy lại vị thế thống trị ngành công nghiệp dầu khí. Các công ty Mỹ không chỉ tăng cường sản xuất mà còn tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Có thể thấy, Ngành công nghiệp năng lượng Mỹ đang chứng minh khả năng đảm nhận vị trí nhà cung cấp thay thế cho thị trường châu Âu.
Theo dữ liệu hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này xuất khẩu trung bình 2,6 triệu thùng dầu/ngày cùng 4,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế - bao gồm cả xăng và dầu diesel - trong 4 tuần qua.
Đặc biệt, thị trường châu Âu đang được ưu tiên trong thời gian này. Hồi tháng 1, các tàu chở khí đốt hóa lỏng của Mỹ đã chuyển hướng từ châu Á và Nam Mỹ đến cảng của các nước phương Tây. Theo IHS Markit, xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sang thị trường này đã tăng vọt 80% so với cùng kỳ năm ngoái - đánh dấu lần đầu tiên Mỹ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên cho châu Âu hơn so với Nga. Cụ thể, ước tính của IHS Markit cho thấy Mỹ đã vận chuyển 7,73 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu vào tháng 1, trong khi Nga chuyển đi 7,5 tỷ m3 thông qua các đường ống dẫn dầu.
“Đây là mức LNG từ Mỹ đến châu Âu cao nhất mà chúng tôi từng thấy”, CNBC trích lời các nhà phân tích kinh tế của Kpler.
Các chuyên gia kỳ vọng Mỹ sẽ giữ phong độ về xuất khẩu dầu khí trong tháng 2.
Bằng chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang mở rộng sản xuất là sự gia tăng số lượng giàn khoan. (Ảnh: Bloomberg) |
Ngành dầu khí Mỹ trong những năm tiếp theo
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ vẫn đang trên đà phát triển và dự kiến sẽ tăng sản lượng khai thác thêm khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm nay, theo ông Yergin. Hiện tại, các công ty khai thác của Mỹ sản xuất khoảng 11,6 triệu thùng/ngày, với đà tăng trưởng hiện nay, họ có thể quay trở lại mức trước đại dịch là 13 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Bằng chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đang mở rộng sản xuất là sự gia tăng số lượng giàn khoan. Theo báo cáo của Baker Hughes - một trong những công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, hiện có tất cả 516 giàn khoan trong ngành dầu khí, tăng 19 giàn vào tuần trước - mức tăng lớn nhất trong 4 năm trở lại đây.
“Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã thổi lên cơn sốt khai thác dầu trong tất cả các công ty liên quan”, ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết.
Ông Kilduff dự báo sản lượng từ ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ có thể sẽ sớm tăng đột biến do nhiều công ty mở thêm giếng khoan mới.
Dan Pickering, giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, kỳ vọng rằng việc gia tăng số giàn khoan sẽ giúp nỗ lực phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ có kết quả ngay trong năm tới “chứ không phải trong tương lai gần”. Theo đó, ông dự đoán giá dầu sẽ ở mức 68 USD/thùng trong 5 năm tới - một mức giá tốt, tuy không được cao như 90 USD.
“Mọi thứ đang trở nên tốt hơn”, ông Pickering nói.
Tình báo Ukraine: Chưa thấy bằng chứng việc Nga rút quân
Báo cáo tình báo Ukraine mới nhất được tổng hợp hôm 16/2 cho biết, họ chưa thấy bằng chứng chứng minh Nga rút lực lượng ... |
NATO, Mỹ tố Nga vẫn đang tăng quân gần Ukraine
Mỹ và NATO cho biết Nga vẫn đang tăng cường quân đội xung quanh Ukraine bất chấp Moskva khẳng định đang rút dần lực lượng. |