Thiếu bảo mẫu, phục vụ, thậm chí thiếu giáo viên đứng lớp đang là bài toán khó của một số trường tiểu học tại TP.HCM khi học sinh đi học trực tiếp sau Tết.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, học sinh toàn thành phố đi học trực tiếp từ 14/2, trước đó khối lớp 7 - 12 trên địa bàn thành phố đã đến trường học trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán.
Thiếu bảo mẫu
Đến thời điểm hiện tại, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) đã hoàn tất công tác vệ sinh trường lớp, sửa chữa cơ sở vật chất do trước đó làm điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19, thiết bị dạy và học cũng được chuẩn bị kỹ càng để đón học sinh đến trường sau 9 tháng ở nhà.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng cho biết, trường vừa tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên và cả phụ huynh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, diễn tập các tình huống về an toàn phòng dịch khi đón học sinh trở lại. Đồng thời nhà trường cũng sắp xếp lại thời khóa biểu, chia lịch dạy học lệch giờ (vào lớp, ra chơi, ra về) giữa các lớp để tránh tập trung đông học sinh cùng một lúc mà vẫn đảm bảo thời gian học.
“Sắp xếp lệch giờ giữa các lớp để khi có tình huống xảy ra cũng dễ xử lý, đảm bảo an toàn cho các em. Trường sẽ tổ chức bán trú cho tất cả các lớp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, cô Hương nói.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Mai Cát) |
Nói về những khó khăn trong việc đón học sinh trở lại trường, cô Hương cho biết, đội ngũ nhân sự trường đang thiếu. Cụ thể, hiện trường đang thiếu bảo mẫu, lực lượng phục vụ vệ sinh, ăn uống khi tổ chức bán trú cho học sinh. Đây cũng là trở ngại lớn của trường để tổ chức dạy học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ học tránh dịch.
Cũng theo cô Hương, không chỉ thiếu bảo mẫu, giáo viên đứng lớp của trường cũng thiếu khi chỉ còn vài ngày nữa học sinh trở lại trường.
“Trường cũng đang cố gắng hết sức thỉnh giảng giáo viên trường khác, tuyển dụng thêm bảo mẫu và các nhân sự khác. Thời gian nghỉ dịch kéo dài, bảo mẫu, một số lao động khác đi tìm việc khác hoặc về quê nên giờ trường cũng đang thiếu nhiều nhân sự. Ngoài ra một số giáo viên nghỉ hưu, mà việc tuyển dụng của ngành không kịp thời thành ra trường bị thiếu giáo viên”, cô Hương cho biết.
Tuy vậy, theo cô Hương, nhà trường cũng cố gắng sắp xếp giáo viên tăng giờ dạy, đứng lớp để đảm bảo đón học sinh trở lại vào ngày 14/2.
Băn khoăn kinh phí thiết bị phòng dịch
Cô Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho hay, để chuẩn bị cho học sinh học đi học trở lại, trường trang bị nhiều thiết bị liên quan đến phòng dịch: máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn tay, khử khuẩn lớp học,... Nhìn chung nhà trường chuẩn bị rất chu đáo, kỹ càng để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại.
Theo cô Yến, hiện nhà trường không gặp khó khăn gì về nhân sự (bảo mẫu, giáo viên) cũng như trang thiết bị cho dạy và học trực tiếp vào ngày 14/2 tới. Tuy nhiên, về tình hình chung, một số trường cũng gặp khó khăn về kinh phí trang thiết bị y tế phòng dịch.
"Trước mắt nhà trường không gặp khó khăn gì, nhưng về lâu dài sẽ khó khăn về kinh phí, trường không đủ kinh phí nhiều cho trang thiết bị phòng dịch bởi học sinh phải đảm bảo 5K suốt quá trình học lâu dài, rất cần sự hỗ trợ của thành phố", cô Yến nói.
Cô Yến cho biết thêm, từ ngày 10 - 11/2, trường sẽ họp phụ huynh trực tiếp để lấy ý kiến phản hồi của cha mẹ cho học sinh đến trường, hiện nhà trường đã sẵn sàng để đón học sinh đi học từ 14/2.
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng dịch hồi tháng 3/2021. |
Vẫn còn phụ huynh e ngại
Thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, trường đã tổ chức tổng vệ sinh, diễn tập các phương án xử lý F0, bố trí phòng học và công tác liên quan đến bán trú cũng được sắp xếp, chuẩn bị chu đáo để đảm bảo điều kiện tốt nhất đón học sinh đến trường.
“Từ 10 - 11/2, trường sẽ họp phụ huynh, đồng thời cho học sinh tập trung (nhất là lớp 1) để làm quen trường lớp. Do trường không bị trưng dụng làm nơi cách ly nên việc vệ sinh, khử khuẩn diễn ra liên tục, cơ sở vật chất cũng đã sẵn sàng”, thầy Bình nói.
Theo thầy Bình, số lượng học sinh/lớp của trường thấp (khoảng 28 học sinh/lớp) và trường chỉ có 30 lớp, trong khí đó khuôn viên nhà trường rộng (vượt tiêu chí an toàn dịch bệnh của Sở Y tế TP.HCM) nên đảm bảo giãn cách khi học sinh học tập trở lại. Tuy nhiên, trở ngại của trường là nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại, chưa muốn cho con đến trường.
Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, học sinh tham gia học tập trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh, việc tổ chức, biên chế lớp học do hiệu trưởng quyết định. Do đó nếu tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh cho con đến trường sau Tết không cao cũng là một lo lắng, cái khó của nhà trường.
“Qua các lần khảo sát trước Tết Nguyên đán, tỷ lệ phụ huynh lớp 1 đồng thuận cho con đến trường là trên 90%, nhưng khối lớp 2 - 5, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận chỉ dao động từ 60 - 80%”, thầy Bình cho hay.
Học sinh tiểu học TP.HCM học trực tuyến tại nhà để phòng dịch. (Ảnh minh họa) |
Tuy vậy, thầy Bình cũng lạc quan nhận định, sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh sẽ tăng lên do TP.HCM đang kiểm soát dịch rất tốt, liên tiếp nhiều tuần liền là vùng xanh.
“Nhà trường đã bố trí đủ một giáo chủ nhiệm một lớp, nhưng cái khó khăn hiện nay là nếu tỷ lệ phụ huynh không lựa chọn cho con đi học trực tiếp cao thì nhà trường lại dư thừa giáo viên”, thầy Bình nói.
Thầy Bình cho biết thêm, ngày 14/2, đón học sinh trở lại trường, các giáo viên không tổ chức dạy học ngay mà dành thời gian để ổn định lớp học, sinh hoạt lớp, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, tặng quà và tạo tâm lý thoải mái cho các em sau thời gian dài học trực tuyến.