Thế giới ghi nhận hơn 95,4 triệu người nhiễm, hơn hai triệu người chết vì nCoV. Anh thông báo đã tiêm được cho hơn 3,5 triệu người mũi vaccine thứ nhất.
Thế giới ghi nhận 95.429.228 ca nhiễm và 2.038.559 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 586.452 và 10.078 ca trong 24 giờ qua. 68.135.566 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một người dân ở thành phố Kelang, Malaysia, hồi tháng 11/2020. Ảnh: Reuters. |
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.395.959 ca nhiễm và 89.261 ca tử vong, tăng lần lượt 38.598 và 671 ca.
Hơn 3,5 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, vượt qua tổng số ca dương tính với Covid-19. Lãnh đạo Cơ quan Y tế Quốc gia Simon Stevens ngày 17/1 cho biết hơn 50% số người dân trên 80 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên và tốc độ tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh trong những tuần tới.
"Chúng ta sẽ bắt đầu xét nghiệm 24/7 tại một số bệnh viện trong 10 ngày tới, nhưng chúng ta đang tiêm chủng với tốc độ khoảng 140 mũi/phút", ông cho hay.
Anh hiện là nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 150.323 ca nhiễm và 1.682 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 24.457.813 và 407.047 người chết.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc tương lai của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), cảnh báo Mỹ sắp "đối mặt những tuần đen tối ở phía trước" khi số người thiệt mạng vì Covid-19 sẽ chạm ngưỡng 500.000 vào giữa tháng hai.
Để đối phó với biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, giới chức hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.
Tổng thống đắc cử Mỹ Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.
Biden ngày 15/1 công bố kế hoạch thúc đẩy triển khai vaccine, bao gồm huy động bác sĩ đã nghỉ hưu tiêm chủng cho người dân tại hàng nghìn trung tâm, kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất các thiết bị cần thiết để phân phối vaccine, như ống nghiệm, kim và ống tiêm.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.962 ca nhiễm và 145 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.572.672 và 152.456.
Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7 - tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ. Nhóm người được ưu tiên tiêm trước là nhân viên y tế, những người trên 50 tuổi và những người được coi là có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 497 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 209.847. Số người nhiễm nCoV tăng 31.394 ca trong 24 giờ qua, lên 8.488.099.
Bang Amazonas của Brazil ngày 16/1 ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h đến 6 giờ sáng hôm sau, khi hệ thống y tế ở thủ phủ Manaus của bang này đang có nguy cơ "ngã quỵ". Khu chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện trong thành phố đã hoạt động hết công suất trong hai tuần qua, trong khi các nhân viên y tế đang phải chiến đấu với tình trạng thiếu oxy và các thiết bị thiết yếu khác. Không quân Brazil ngày 15/1 phải chuyển nguồn cung oxy khẩn cấp đến bang này.
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil.
Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 13/1 nói rằng ông đã đúng khi chỉ trích độ đáng tin cậy của vaccine Trung Quốc. Tuy nhiên, Bolsonaro cho biết ông không có vai trò gì trong việc "bật đèn xanh" cho Coronavac vì cơ quan quản lý y tế liên bang Anvisa mới là bên quyết định xem có chấp thuận sử dụng nó hay không. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.
Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa ngày 16/1 cho biết họ đã gửi trả các tài liệu do công ty dược phẩm Uniao Quimica đệ trình để xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Nga Sputnik V. Anvisa cho biết công ty không đưa ra được đảm bảo đầy đủ về các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và các vấn đề liên quan đến sản xuất vaccine. Các quan chức của Anvisa trước đó đã nói rằng vaccine Sputnik V cần phải được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba ở Brazil trước khi được phê duyệt.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 23.586 ca nhiễm nCoV và 481 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.568.209 và 65.566.
Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già từ hồi đầu tháng 12/2020. Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã tiêm vaccine.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu ở nước này vào tháng 9 nhưng giới chức không áp đặt phong tỏa diện rộng như đợt bùng phát đầu tiên. Giới chức Nga ngày 15/1 nói rằng đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.
Hôm 16/1, giới chức Nga thông báo các chuyến bay giữa Moskva với các thủ đô Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar sẽ khởi động lại từ ngày 27/1, vì đây là những quốc gia ghi nhận chưa đến 40 ca mới trên 100.000 người trong hai tuần.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 16.642 ca nhiễm và 141 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.910.989 và 70.283. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 390.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Chính phủ Pháp từ 16/1 áp lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Từ 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.
Đức là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.038.645 ca nhiễm và 47.121 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 14.844 và 584 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Angela Merkel hôm qua cảnh báo Đức có nguy cơ cần kéo dài lệnh phong tỏa đến đầu tháng 4.
"Nếu không ngăn chặn được chủng virus mới ở Anh, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng gấp 10 lần cho tới lễ Phục sinh", bà phát biểu trong một cuộc họp.Đức tuần trước tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc và gia hạn tới cuối tháng 1, do lo ngại biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh có thể lây lan mạnh và gây quá tải cho các bệnh viện ở nước này.
Nhật ghi nhận 322.296 ca nhiễm và 4.446 người chết, tăng lần lượt 6.386 và 66 so với hôm trước.
Nhật ngày 13/1 áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi, Gifu và Tochigi từ 14/1 đến 7/2. Trước đó, họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cùng ba tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba.
Người dân ở các tỉnh này được yêu cầu ở nhà sau 20h. Nhà hàng, quán rượu và quán cà phê phục vụ đồ uống có cồn được yêu cầu chỉ hoạt động từ 11-19h và đóng cửa trước 20h. Nếu doanh nghiệp từ chối tuân thủ, chính quyền tỉnh có thể yêu cầu họ đóng cửa và bêu tên, hành động cứng rắn nhất trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Người làm theo hướng dẫn sẽ được hỗ trợ tới 60.000 yen mỗi ngày.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 907.929 ca nhiễm, tăng 11.287, trong đó 25.987 người chết, tăng 220.
Nước này ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. CoronaVac, vaccine Covid-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.
Tuy nhiên, vaccine Trung Quốc vẫn còn gây nghi ngờ do các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp rất ít dữ liệu nghiên cứu và có sự khác nhau về mức độ hiệu quả. Indonesia cho hay thử nghiệm tại nước này cho thấy CoronaVac hiệu quả 65%, nhưng các nhà nghiên cứu Brazil nói hôm 12/1 rằng tỷ lệ này chỉ là 50,4%. Hồi tháng 12, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiệu quả của CoronaVac lên tới 91,25% dựa trên phân tích sơ bộ.
Philippines báo cáo 500.577 ca nhiễm và 9.895 ca tử vong, tăng lần lượt 1.895 và 11 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.
Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vaccine. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ gửi loại nào, Philippines trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của công ty Sinovac. Campuchia hôm 15/1 cho biết họ sẽ nhận được một triệu liều vaccine miễn phí từ Bắc Kinh trong khi Myanmar dự kiến nhận 300.000.
Malaysia, một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.339 ca nhiễm và 7 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 158.434 và 601. Công ty Top Glove Corp của Malaysia, nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới, ngày 16/1 thông báo phát hiện ổ dịch Covid-19 tại 4 nhà máy.
Malaysia ngày 12/1 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến ngày 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới chậm lại. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.
Nước này năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca nhiễm tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)
Ca nhiễm nCoV toàn cầu gần 92 triệu, hơn 3.000 người chết mỗi ngày tại Mỹ |
Vaccine Covid-19 vô tình khoét sâu bất bình đẳng kinh tế toàn cầu |